Sunday, January 26, 2025
Trang chủBiển nóngVÁN BÀI BIỂN ĐÔNG GIỮA HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC

VÁN BÀI BIỂN ĐÔNG GIỮA HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC

Biển Đông có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc hiện nay. Vai trò của Biển Đông với Trung Quốc cũng giống như vai trò của khu vực biển Caribe đối với Hoa Kỳ hồi cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 vậy. Cho đến nay, Hoa Kỳ đã trở thành một siêu cường về địa chính trị bởi đã chi phối được khu vực biển Caribe. Chính vì chi phối được khu vực biển Caribe, Hoa Kỳ đã chi phối được Tây bán cầu. Và vì chi phối được Tây bán cầu, nên Hoa Kỳ đã tác động đến việc cân bằng quyền lực ở phía Đông bán cầu, nơi mà các cuộc chiến tranh thế giới và cuộc Chiến tranh lạnh đã từng diễn ra.

Biển Đông cũng quan trọng không kém gì như vậy đối với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thể chi phối được Biển Đông, họ có thể kiểm soát được cả khu vực Thái Bình Dương rộng lớn, chạy dài từ eo biển Malacca cho tới khu vực Ấn Độ Dương, nơi mà con đường vận chuyển năng lượng toàn cầu chạy ngang qua để vận chuyển dầu mỏ và khí đốt từ khu vực Trung Đông tới các khu vực tại Châu Á. Đây thực sự là một vấn đề lớn. Thêm nữa, nếu Trung Quốc có thể chi phối được Biển Đông thì họ sẽ thực hiện một cách hiệu quả hơn chính sách “Phần Lan hoá” các quốc gia như Việt Nam, Philippines, và nó sẽ tác động đến toàn bộ cán cân quyền lực ở khu vực Châu Á.

Chính sách “Phần Lan hoá” là một chiến lược thành công của Liên Xô dưới thời kỳ Chiến tranh lạnh. Về cơ bản, một mặt, nó cho phép Phần Lan trở thành dân chủ, tự do, nhưng mặt khác kiềm chế chính sách đối ngoại của Phần Lan. Vì thế, Phần Lan không thể tham gia NATO, cũng như không thể thực hiện những gì bị coi là nguy hại cho lợi ích của người Nga. Đây là một loại hình mà sự can thiệp ít hơn trong chủ nghĩa thực dân, khác với việc can thiệp sâu rộng mà khối Vacsava đã thực hiện từ Ba Lan cho tới Bulgari, mà sau đó đã bị thất bại. “Phần Lan hoá” trong trường hợp của Việt Nam, Philippines và Malaysia mang hàm nghĩa là các quốc gia này sẽ vẫn duy trì được độc lập hiểu một cách thông thường, nhưng mọi chính sách đối ngoại sẽ bị chi phối bởi Bắc Kinh. Chiến lược này sẽ giúp Trung Quốc tiến tới thực hiện hai hoặc ba bước lớn kế tiếp để có thể chi phối được Đài Loan.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, cũng như trong suốt Chiến tranh lạnh, các quốc gia thuộc khu vực Biển Đông phải tập trung vào những vấn đề nội địa. Nhật bản, Trung Quốc và Việt Nam phải đối phó với những cuộc chiến tranh của họ, Malaysia cũng có những vấn đề nội tại. Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia này không thể hướng quyền lực ra bên ngoài được. Nhưng hiện nay, tất cả đã thay đổi. Các quốc gia này đã xây dựng lực lượng hải quân và không quân mạnh hơn. Một vấn đề khác nữa khiến vấn đề phức tạp hơn chính là Trung Quốc, như chúng ta biết, sẽ không thể duy trì lâu dài tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số trong nhiều năm được. Và kết quả là Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề bất ổn nội tại của họ, mà sự sụp đổ thị trường chứng khoán gần đây của Trung Quốc là một minh chứng cho điều này. Nếu Trung Quốc muốn giữ được ổn định thì họ sẽ phải tiến hành một biện pháp để duy trì hệ thống kinh tế và chính trị không thống nhất với nhau là kích động chủ nghĩa dân tộc, và đó là những gì Trung Quốc đang làm. Chính vì vậy mà những hành động đầy hung hăng tạo cho các lãnh đạo Trung Quốc có những tấm khiên chính trị.

Về phía Hoa Kỳ, những chính sách mà nước Mỹ đang làm là hướng về giữa hai thái cực. Một là cố gắng tránh để Trung Quốc “Phần Lan hoá” các quốc gia ở khu vực Biển Đông. Nhưng cực thứ hai là tránh khiêu chiến với Trung Quốc, bởi vì quan hệ Mỹ – Trung là quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới hiện nay và còn tiếp diễn như vậy trong tương lai. Vì thế, Mỹ đã củng cố các hiệp ước đồng minh, như là với Philippines chẳng hạn, nhưng Mỹ cũng không thể cho phép một quốc gia như Philippines có thể lôi kéo Hoa Kỳ vào một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc. Đây là một bước đi rất khéo léo, nói nôm na là hãy làm theo cách của anh đi, nhưng đừng vượt quá giới hạn.

Hoa Kỳ đang thể hiện rằng, hải quân của họ sẽ không từ bỏ sự hiện diện trên Biển Đông, và rất có thể họ sẽ liên tục hiện diện trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Mỹ không thể rút lui sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực này bởi vì bất cứ chỉ dấu nào cho việc thoái lui đó sẽ thể hiện cho sự suy yếu. Cho nên Mỹ cần phải thể hiện Mỹ ủng hộ cho việc thúc đẩy chống lại Trung Quốc, tới một mức độ nhất định, nhưng không phải bằng cách đi đến xung đột quân sự với Trung Quốc. Mục tiêu của Lầu Năm Góc là làm chậm lại quá trình chi phối bằng sức mạnh quân sự ở khu vực Đông Nam Á. Và trong thời gian đó, khoảng một thập kỷ hoặc một thập kỷ rưỡi tới, toàn bộ thế giới có thể thay đổi theo hướng đi lên còn Trung Quốc có thể gặp phải những nổi loạn từ bên trong cho đến khủng hoảng kinh tế, hoặc tự thân hệ thống của Trung Quốc sẽ có những biến đổi.

Trong các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines có thể là đồng minh trong hiệp ước của Hoa Kỳ, như Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, nhưng Philippines là một thể chế yếu và không có thực lực quân sự. Còn Việt Nam thì khác, Việt Nam là một nhân vật mạnh hơn rất nhiều. Việt Nam có một truyền thống kéo dài từ hàng trăm năm trước trong các xung đột với Trung Quốc. Những gì Việt Nam đang làm là tăng cường các biện pháp ngoại giao phòng ngừa cũng như bổ sung sức mạnh quân sự. Cho đến nay, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những phát triển lớn. Hoa Kỳ đã cung cấp các tàu chiến của Hoa Kỳ cũng như tái cung cấp các phương tiện dọc theo bờ Biển Đông cho Việt Nam. Nhưng Hoa Kỳ cũng cần Việt Nam để tăng cường sức mạnh của các liên minh chống lại những hành động hung hăng từ Trung Quốc.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới