Monday, January 27, 2025
Trang chủĐiểm tinKhốn khổ vì thiếu nước, người dân phải dùng nước thải điều...

Khốn khổ vì thiếu nước, người dân phải dùng nước thải điều hòa

Lâm vào cảnh mất nước kéo dài, nhiều người dân sống giữa lòng Thủ đô phải thức trắng đêm chờ nước, thậm chí nhiều hộ phải hứng nước từ điều hòa để dùng tạm.

 

Một người dân ở khu B7 Thành Công xin nước xin từ bên ngoài về dùng.

Hứng nước điều hòa để… sinh hoạt

Hàng trăm hộ dân tại khu 8, tập thể Thành Công, phường Thành Công, (Đống Đa, Hà Nội) gần một tuần nay phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng, cuộc sống bị đảo lộn nghiêm trọng.

Ông Vũ Đức Quang, một hộ dân sống tại nhà C2 khu tập thể Thành Công than thở: “Gần tuần nay mất nước, bể nước dự trữ của khu tập thể trơ đáy, không còn lấy một giọt. Ở khu nhà này hầu như hộ dân nào cũng đều rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng, ai cũng quý nước như vàng. Bây giờ nắng nóng như thế này mà không có nước, chúng tôi sắp chết đến nơi rồi.

Cách đây mấy hôm thì mất nước, công ty cấp nước họ thông báo ngày 16, 17 này cấp nước trở lại mà cho đến giờ phút này nước vẫn mãi chẳng thấy giọt nào.

Hai hôm nay nhiều hộ phải thức đến hơn 12h đêm canh nước về nhưng vẫn không thấy nước. Nước mua hay xin về cũng chỉ được dùng cho những việc hết sức cần thiết. Nước vo gạo sẽ dùng để rửa rau, nước rửa rau sau khi được để cho lắng cặn sẽ dùng cho việc rửa bát, nước rửa bát sẽ được dồn lại làm nước dội nhà vệ sinh…

Và để tiết kiệm hơn, nhiều hộ dân còn không dám mua những loại rau phải rửa cầu kỳ như rau muống, rau bí, rau dền… mà thay bằng bầu, bí, mướp để đỡ tốn nước rửa”.

“Rồi có hộ còn hứng cả nước điều hòa để cho việc tắm giặt. Người nào không có thì phải nhịn cả tắm vì không đủ nước. Muốn tắm cả nhà lại phải chở nhau đến nhà người quen ở nơi khác để tắm nhờ”, ông Quang nói.

Ở cùng khu tập thể với ông Quang và cũng chung cảnh ngộ bị mất nước gần cả tuần nay, chị Nguyễn Hà đành phải mua mỗi ngày một bình nước lọc giá 25 nghìn để sử dụng cho tất cả các sinh hoạt của một gia đình 3 nhân khẩu. Sự thiếu nước trầm trọng đã khiến cho cả gia đình rơi vào tình trạng khốn đốn.

mất nước, nước sinh hoạt
Cảnh đi chở nước từ nơi khác về.

Chị Hà kể: “Vỡ đường ống nước khiến cả khu tập thể Thành Công mất nước. Gần một tuần nay hai vợ chồng tôi không có lấy một giọt nước để tắm. Cơ thể “bốc mùi” đến mức không dám ra khỏi nhà. Mấy hôm nay chồng tôi còn phải xuống tầng một của khu tập thể hứng từng giọt nước thải ở điều hòa để sáng hôm sau có nước dùng cho việc vệ sinh cá nhân”

Đối với các hộ dân ở khu tập thể, không có nước để sinh hoạt, không có nước để tắm, giặt cả một tuần đã là khổ, nhưng khổ nhất vẫn là khoản… đi vệ sinh.

Bác Hòa nhà B7 khu tập thể Thành Công tâm sự: “Ở nhà tôi, để có nước dội nhà vệ sinh, tôi đã phải tiết kiệm từng giọt nước sinh hoạt, từ nước rửa rau, nước rửa bát… dồn lại.

Tuy nhiên, với 1 xô nước xin được mỗi ngày để dùng cho mọi sinh hoạt của cả nhà thì dù tiết kiệm đến đâu cũng là không đủ.

 Nên sau đó, cả nhà tự thỏa thuận, những người đi làm sẽ cố gắng “nhịn” cho đến khi đến cơ quan, công sở, hay trường học mới “giải quyết”. Còn những người ở nhà thì cũng phải hạn chế tới mức tối đa”.

mất nước, nước sinh hoạt
Cảnh hứng nước điều hòa ở khu tập thể Thành Công

Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Quốc Toản, sống ở nhà B7 khu tập thể Thành Công cũng bức xúc: “Thiếu điện chúng tôi có thể khắc phục được nhưng thiếu nước tất cả ăn uống, sinh hoạt mọi thứ bị đảo lộn hết gây bức xúc cho người dân rất nhiều. Chúng tôi mệt mỏi lắm rồi”.

Bác Toản cũng cho biết: “Từ khi về Hà Nội sống đến nay, tôi chưa bao giờ thấy cảnh như thế này. Tuổi già như chúng tôi gần 80 tuổi cũng đi xuống dưới dân xin nước. Sáng nay bên cấp nước họ bơm cho 3 khu nhưng khu nhà của chúng tôi vẫn không có lấy một giọt nước. Hôm nay là ngày thứ 4 chưa rồi, ngày mai, ngày kia cũng chắc gì đã có… chúng tôi không biết phải xoay xở thế nào nữa. Đây quả là một sự tàn nhẫn đối với chúng tôi”.

Dân ồ ạt khoan giếng

Năm ngày kể từ khi xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà, đến chiều 17/8, người dân ở nhiều khu vực thủ đô như phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm), phường Ô Chợ Dừa, phường Láng Hạ (quận Đống Đa), Đình Thôn, Phú Mỹ, Nhân Mỹ, Cầu Giấy… vẫn chật vật trong cảnh thiếu nước sạch.

Bà Nguyễn Thị Bảy (Tổ 1, phường Phú Diễn) cho biết, ngày 13/8 tổ dân phố nhận được thông báo tạm dừng cung cấp nước sạch do sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà. Đơn vị chủ quản có báo sẽ cấp nước trở lại. Tuy nhiên, năm ngày nay toàn bộ tổ dân phố không được bơm giọt nào. Hầu hết, các hộ phải mua nước bình (loại 20 lít) với giá 18.000 đồng/bình về nấu ăn. “Gia đình tôi có 5 người. Nguồn nước giếng khoan rất ít. Ngoài nấu ăn dùng nước bình, mọi sinh hoạt như tắm, giặt đều mang ra quán hết”, bà Bảy kể.

mất nước, nước sinh hoạt
Cảnh thiếu nước của một hộ dân ở Đống Đa

Theo phản ánh của các hộ dân sinh sống tại phường Phú Mỹ, (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), đã hơn 1 tháng nay, các gia đình ở đây đã phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng.

Để đối phó với đợt mất nước này, các nhà phải tranh thủ đổi bình nước để dùng, hoặc đi xin nước của người thân. Và, bên cạnh đó, một số hộ phải sử dụng lại những chiếc giếng khoan đã “đắp chiếu” nhiều năm để lấy nước dùng và vô tình chiếc giếng khoan tưởng chừng đã bị “bỏ quên” lại trở thành nguồn nước quý giá cho nhiều người ở thời điểm này.

Theo ông Thức, một hộ dân sinh sống tại khu vực này chia sẻ: “Giếng khoan nhà tôi đã không sử dụng từ khi có nước sạch, thế nhưng đợt vừa rồi vỡ ống nước nhiều quá gia đình tôi lại sử dụng lại. Không có giếng khoan chắc mấy hôm nay chúng tôi lao đao lắm”.

Không chỉ phục hồi những giếng nước đã bỏ đi nhiều năm, một số hộ dân phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) còn khoan giếng mới để đối phó với trình trạng thường xuyên mất nước.

mất nước, nước sinh hoạt
Gia đình anh Trường ở Phú Mỹ, Mỹ Đình vừa khoan giếng để dùng

Gia đình anh Trường là một ví dụ, vì không có nước sử dụng, nhà lại có hơn chục phòng trọ cho sinh viên thuê nhưng không có nước, bất đắc dĩ anh phải “đầu tư” một khoản tiền gần 20 triệu đồng để khoan giếng.

Anh chia sẻ: “Đợt này mất nước lâu quá, ban đêm như đánh trận cứ phục khi nào có là ai cũng bơm vội vào bể chứa, nhưng cũng không ăn thua. Gia đình tôi hôm qua phải thuê thợ đến khoan giếng lấy nước dùng tạm”.

Được biết, các hộ dân trên đang dùng nguồn nước sạch do Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Nông nghiệp Mỹ Đình (Hà Nội) cung cấp. Đã nhiều lần các hộ dân phản ánh về tình trạng thiếu nước sạch tới đơn vị này nhưng chỉ được giải quyết trong một thời gian ngắn rồi lại đâu vào đấy.

RELATED ARTICLES

Tin mới