Tờ Want Daily ngày 15/8 đưa tin quân đội Trung Quốc đang phát triển tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng DF-5B có khả năng bắn tới bất cứ vị trí nào trên thế giới.
Một vụ thử tên lửa của Trung Quốc (Ảnh: Want Daily)
Hiện quân đội Trung Quốc đang sở hữu những tên lửa đạn đạo như DF-31A, DF-41 và JL-2. Tên lửa DF-31A có tầm bắn 10.000km, có thể bắn tờ Bờ Tây của Mỹ, trong khi mẫu DF-41 có tầm bắn từ 12.000-15.000km và có thể mang theo ba đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, tên lửa DF-41 đang trong quá trình thử nghiệm. Ngoài ra, tên lửa JL-2 có tầm bắn khoảng 8.000km có thể bắn được từ một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Thời gian qua, truyền thông Mỹ và Nhật Bản đưa tin Trung Quốc có thể đang thử nghiệm thêm mẫu DF-5A.
Chuyên gia về quân sự Trung Quốc, ông Gao Feng cho rằng vụ thử DF-41 mới đây là một cuộc thử nghiệm thường kỳ, trong khi vụ phóng thử DF-5A dường như để thử khả năng của nhiên liệu dưới dạng lỏng mới.
Theo ông Gao, dù cho mẫu DF-31A hay DF-41 đang được sử dụng hoặc sắp hoàn tất quá trình thử nghiệm, quân đội Trung Quốc vẫn nên đầu tư phát triển tên lửa sử dụng nhiên liệu dạng lỏng vì loại nhiên liệu này cho tên lửa khả năng bay xa và có sức công phá mạnh mẽ hơn.
Thông tin mà ông Gao đưa ra càng có thêm cơ sở khi thời gian qua, Nga cũng thông báo đang phát triển tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu dạng lỏng loại mới trên mẫu SS-18.
Cách đây không lâu, truyền thông Trung Quốc cũng công bố những bức hình cho thấy quân đội nước này đang phát triển thêm cả mẫu tên lửa DF-5B. So sánh với mẫu 5A, mẫu tên lửa DF-5B có động cơ được cải tiến và có độ chính xác cao.
Một số tờ báo của Trung Quốc khẳng định tên lửa DF-5B có tầm bắn lên tới 15.000km, cho phép tên lửa này bắn tới mọi vị trí trên toàn thế giới và mang theo từ 4-6 đầu đạn hạt nhân.