“Nguyên nhân dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ được cho là do năng lực của Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, Bộ GTVT không thể thay thế được vì bị ràng buộc bởi điều kiện của bên tài trợ vốn” – ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng công trình giao thông cho biết
Chệch hướng hợp đồng EPC
Ông Triệu Khắc Dũng cho biết, sở dĩ, dự án thi công chậm tiến độ trong suốt một thời gian dài là do vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng EPC (hình thức chìa khóa trao tay) bị “chệch hướng” đã dẫn đến hàng loạt các hạng mục thiết kế kỹ thuật, thi công… được làm theo kiểu chắp vá.
Theo ông Dũng, đến thời điểm này, so với hợp đồng vẫn chậm tiến độ 19 tháng. Cụ thể, tính đến đầu tháng 8, tiến độ dự án mới đạt 58%, khả năng dự án phải kéo dài đến hết năm 2016.
Nguyên nhân chậm tiến độ được ông Dũng phản ánh là do năng lực của Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, Bộ GTVT không thể thay thế được vì bị ràng buộc bởi điều kiện của bên tài trợ vốn.
Việc lập hợp đồng EPC trước đây thiếu chặt chẽ, không xác định được khối lượng và giá trị.
“Khi ký kết Hợp đồng EPC thì Tổng thầu EPC sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn thành toàn bộ dự án, nhưng suốt những năm qua, việc thực hiện hợp đồng EPC đã đi “chệch hướng” và mới chỉ dựa trên hợp đồng tạm tính, chưa có thiết kế kỹ thuật của dự án”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, từ năm 2008 đến nay, thiết kế chi tiết của nhiều hạng mục dự án vẫn chưa thể phê duyệt do hệ thống quy trình, quy phạm thiết kế xây dựng, quản lý khai thác.
Hệ thống định mức, đơn giá xây dụng và mua sắm các thiết bị của Trung Quốc và Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ và không thống nhất.
“Thiết kế kỹ thuật chắp vá, cái gì Việt Nam có thì đưa theo Việt Nam, cái gì nước ta chưa có thì lại lấy của Trung Quốc dẫn đến hai bên không thể duyệt được thiết kế chi tiết. Từ năm 2014 đến nay dù đã tháo gỡ hàng loạt khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn chưa thể duyệt được hết thiết kế chi tiết của dự án”, ông Dũng nói.
Tổng thầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm
Được biết, Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ xin tháo gỡ, đưa dự án về đúng bản chất của hợp đồng EPC.
Theo đó, Tổng thầu EPC tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm về toàn bộ giá thành, chất lượng, tiến độ, an toàn khi đưa vào khai thác. Phía Việt Nam sẽ không can thiệp vào thiết kế kỹ thuật, dự toán chi tiết mà chỉ quản lý, giám sát chung toàn bộ tiến độ, chất lượng của dự án.
Khi dự án hoàn thành, sẽ thuê một đơn vị độc lập của nước ngoài vào kiểm định. Chỉ khi công trình đảm bảo chất lượng mới cho nghiệm thu.
Một vấn đề quan trọng cũng được đề xuất, đó là các hạng mục thi công yêu cầu kỹ thuật cao, nhà thầu nội (thầu Việt Nam) chưa đủ khả năng thi công (như lao lắp dầm siêu trường siêu trọng, hàn mối nối đường ray, vận hành hạng mục an toàn giao thông…) phía Việt Nam cũng đồng ý sẽ không lấy thầu phụ trong nước mà sẽ có nhân lực từ Trung Quốc sang.
Về đoàn tàu của tuyến đường sắt cũng được ông Dũng cho biết hiện đang được Tổng thầu và nhà sản xuất chế tạo, dự kiến tháng 10 tới sẽ có mẫu về nước.
Tháng 9/2015, Bộ GTVT sẽ cử 1 đoàn sang kiểm tra thiết kế cũng như tiến độ sản xuất đoàn tàu mẫu này.
Về việc học viên được đưa đi đào tạo để lái tàu và vận hành tuyến đướng sắt trên cao, ông Dũng cho biết đã cử 37 người đi đào tạo khóa học đầu tiên. Dự kiến, trong tháng 9/2015, sẽ cử thêm một khóa tiếp theo đi.