“Với quyết tâm bình ổn thị trường, NHNN đã chuẩn bị đầy đủ các giải pháp, công cụ cần thiết và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá và thị trường trong biên độ đề ra”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề cập tới động thái điều chỉnh tỷ giá ngày 19/8.
Ngày 12/8, NHNN vừa thực hiện điều chỉnh tăng 1% biên độ tỷ giá và đến hôm nay, NHNN tiếp tục thực hiện điều chỉnh tăng cả tỷ giá bình quân liên ngân hàng cùng với việc nới rộng biên độ tỷ giá? Bà có thể cho biết lý do của lần điều chỉnh này?
Để chủ động ứng phó bước đầu với việc đồng Nhân dân tệ được điều chỉnh giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, ngày 12/8, NHNN đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức /-1% lên /-2%. Diễn biến thị trường trong nước, quốc tế và ngay tại Trung Quốc những ngày sau đó cho thấy đây là một giải pháp kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế và được dư luận đánh giá tích cực.
Tuy nhiên, tiếp sau sự kiện phá giá mạnh của đồng Nhân dân tệ nêu trên, tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Fed sẽ sớm điều chỉnh tăng lãi suất. Nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ – Fed tăng lãi suất trong thời gian tới, NHNN đã quyết định điều chỉnh tăng thêm 1% đối với tỷ giá bình quân liên ngân hàng và tiếp tục nới rộng biên tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ thêm 1%, tăng từ /-2% lên /-3%.
Vậy tại sao NHNN không điều chỉnh ngay một lần vào ngày 12/8 mà lại tách thành 2 lần điều chỉnh cách nhau chỉ có 1 tuần?
Như tôi đã nói ở trên, việc điều chỉnh biên độ tăng lên /-2% ngày 12/8 là giải pháp bước đầu nhằm ứng phó với việc CNY đột ngột giảm giá. Nếu như điều chỉnh luôn một lần vào thời điểm Trung quốc điều chỉnh giảm giá đồng CNY, thị trường sẽ cho rằng việc điều chỉnh này chỉ nhằm ứng phó với biến động của CNY, do đó sẽ tiếp tục kỳ vọng NHNN điều chỉnh tỷ giá, ảnh hưởng bất lợi tới sự ổn định của thị trường ngoại tệ.
Tại thời điểm đó, NHNN đã cân nhắc mức điều chỉnh biên độ thêm 1% là phù hợp, kịp thời và cũng để tránh những kỳ vọng sai lệch của thị trường.
Sau khi NHNN điều chỉnh tăng biên độ, thị trường có xu hướng dần ổn định nhưngtâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Fed sẽ sớm tăng lãi suất. Bởi vậy, nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, NHNN quyết định điều chỉnh tăng cả tỷ giá BQLNH và biên độ thêm 1% ngày 19/8.
Vậy từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ định hướng điều hành chính sách như thế nào?
Với việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và với biên độ +/-3% sau hai lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Với quyết tâm bình ổn thị trường, NHNN đã chuẩn bị đầy đủ các giải pháp, công cụ cần thiết và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá và thị trường trong biên độ đề ra.
Xin cảm ơn bà!