Monday, December 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCăn bệnh "nhục" ở Việt Nam

Căn bệnh “nhục” ở Việt Nam

Nhiều khi người trong cuộc chưa kịp nhục, chưa cảm thấy xấu hổ đã có người xông vào nhục hộ.

Hẳn bạn đọc còn nhớ, cách đây vài ngày, chuyện anh chàng cử nhân ĐH Điện lực đeo biển xin việc ngoài đường vì muốn có tiền mua bỉm sữa nuôi con làm xôn xao dư luận. Tất nhiên, đó không phải là một cách xin việc hiệu quả bởi theo nhiều nhà tuyển dụng phân tích, tấm biển xin việc của anh chàng này không thể hiện rõ khả năng của mình mà chỉ kể lể hoàn cảnh để cầu xin tình thương.

Thế nhưng, việc này không có gì đáng lên án, thời đại bây giờ, đó cũng được xem là một cách để biểu đạt mong muốn của những người cùng khổ. Chuyện chỉ có thế thôi mà cũng có tờ báo nhảy vào kêu ca là “Nhục nhã thay cho một cử nhân!”.

Lại nữa, một du khách đi tham quan ngôi nhà Việt Nam ở hội chợ triển lãm EXPO 2015 tổ chức tại Milan – Ý, về viết trên facebook là thấy nhục nhã, xấu hổ. Ngay lập tức bài viết này cũng được bê nguyên lên báo, tạo thành một sự kiện vô cùng ầm ĩ!

Có thể thấy, chưa bao giờ người Việt ta lại thích nói về “xấu hổ” như bây giờ. Thôi thì chuyện lớn đụng đến danh dự nhiều người thì còn đáng “xấu hổ” cho ra nhẽ, đằng này những chuyện bé cỏn con cũng tạo thành “trào lưu xấu hổ thay” rất chi là rôm rả.

Có vẻ như với nhiều người thì việc nhục theo phong trào đang khiến họ cảm thấy yên tâm hơn vì mình vẫn chưa “đứt giây thần kinh xấu hổ”. Có người còn nói vui, giờ đây buổi sáng gặp nhau, thay vì chào hỏi: “Anh có khỏe không” thì nên chuyển thành “Hôm nay anh đã nhục chưa, tôi thì rất nhục anh ạ”.

Thực ra biết xấu hổ là một đức tính rất tốt của con người. Nó như một tiếng chuông đánh động người ta trước mỗi khi định làm một việc xấu. Tuy nhiên, nếu cảm giác “thích nhục” mà dễ dãi quá lại thành không ổn.

Cái gì đáng nhục thì hãy nhục, còn như chuyện của anh chàng đeo biển xin việc trên kia, cực chẳng đã anh ta mới  làm vậy, cớ làm sao phải xông vào đòi nhục hộ người ta làm gì?

Cũng như chuyện ngôi nhà trưng bày của Việt Nam tại hội chợ quốc tế, đó chỉ là một góc nhỏ, nhân dân thế giới cũng chẳng vì một góc trưng bày đó mà đánh giá chung hình ảnh cả đất nước. Thế mà cũng tạo thành một “làn sóng” ầm ĩ.

Có lẽ một số người trong chúng ta đang bị mắc một căn bệnh, đó là “bệnh dễ nhục”. Lạ một nỗi là  bệnh này chủ yếu có ở những người dân bình thường trong xã hội. 

Này nhé, gần 30% dân số Hà Nội khổ sở vì thiếu nước do đường ống sông Đà làm ẩu, kém chất lượng, khiến chuyện ăn ở, sinh hoạt phải quay về thời mất vệ sinh, cũng không thấy vị cán bộ nào ra mặt kêu xấu hổ cả.

Lời khuyên trách nhiệm nhất là đưa ra cảnh báo: “Đường ống dẫn nước sông Đà sẽ còn vỡ nữa, người dân thủ đô nên có biện pháp tích trữ nước”. Nghe mới đau ruột làm sao.  

Đấy gọi là người đáng xấu hổ thì không chịu xấu hổ, việc đáng xấu hổ thì không xấu hổ, còn những chuyện ở đẩu ở đâu thì cứ tranh nhau vơ vào để xấu hổ rất tràn lan, thiếu trọng tâm trọng điểm.

Bao giờ thì cái sự xấu hổ mới trở về đúng chỗ của nó?

RELATED ARTICLES

Tin mới