Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngTQ và nỗi lo ngại của châu Á

TQ và nỗi lo ngại của châu Á

Một cường quốc châu Á nổi lên đã không tăng cường củng cố “tình đoàn kết châu Á” mà còn trở thành “nỗi lo ngại châu Á”.

Trung Quốc đã thành lập lực lượng dân quân biển với hạm đội tàu cá 200.000 chiếc, phục vụ cho tham vọng lãnh thổ

Tháng này cách đây 70 năm, Mỹ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống hai TP Nhật Hiroshima và Nagasaki.

Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng. Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt đã mở đường cho chiến tranh lạnh. Và sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, châu Á-Thái Bình Dương đã chứng kiến sức mạnh đang lên của Trung Quốc.

Trong ba thập niên vừa qua, GDP của Trung Quốc đạt bình quân gần 10%. Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuổi thọ của người dân Trung Quốc từ 44 tuổi năm 1961 đã tăng lên 75 tuổi. Trong khi đó, chi phí quân sự cũng đã tăng hai chữ số.

Trung Quốc phát triển song song với quá trình phát triển của các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. GDP của Đông Á và Thái Bình Dương từ 154 tỉ USD năm 1961 đã tăng đến 21.000 tỉ USD năm 2014. Hầu hết các nước Đông Á và Đông Nam Á thuộc nhóm các nước có chỉ số phát triển con người rất cao (Singapore, Hàn Quốc, Nhật, Brunei) và cao (Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc).

Dù vậy, báo The Financial Express (Ấn Độ) nhận định trái ngược với niềm tin rằng gia tăng phụ thuộc kinh tế sẽ dẫn đến một trật tự khu vực hòa bình, vẫn còn nhiều quan ngại về an ninh đang gia tăng ở châu Á-Thái Bình Dương. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ và hàng hải của Trung Quốc đã đe dọa hòa bình và thịnh vượng khu vực.

Vô phúc thay, một cường quốc châu Á nổi lên đã không tăng cường củng cố “tình đoàn kết châu Á” mà còn trở thành “nỗi lo ngại châu Á”. Các cường quốc mới nổi không nhất thiết phải gây lo ngại như thế. Nhật tăng trưởng kinh tế kỳ diệu thời hậu chiến và chính sách đối ngoại không gây hấn đã được các nước đón nhận hơn là lo sợ. Ấn Độ cũng thế. Ngược lại, khả năng thúc đẩy kinh tế của Trung Quốc lại đi kèm với tham vọng thúc đẩy năng lực quân sự và tranh giành chủ quyền ở Hy Mã Lạp Sơn, biển Đông và biển Hoa Đông.

Báo The Financial Express nhận định hiện nay châu Á-Thái Bình Dương đang thiếu một cơ chế an ninh ở cấp khu vực đủ mạnh. Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (tám nước Nam Á) rất khó cất cánh. ASEAN đã thực hiện các bước tiến đáng kể về hòa nhập kinh tế khu vực nhưng cần phải cùng hội nghị cấp cao Đông Á hành động hơn nữa về các vấn đề an ninh khu vực.

Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực duy nhất trên thế giới hiểu rõ sức tàn phá của bom nguyên tử. Đây cũng là khu vực có nhiều cường quốc hạt nhân hơn cả (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Pakistan). 70 năm sau chiến tranh, châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục trở thành khu vực mong manh khi tồn tại nhiều vấn đề nóng như tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp hàng hải, căng thẳng sắc tộc, phổ biến hạt nhân. Dịp 70 năm phải trở thành cơ hội để chiêm nghiệm các khả năng thiết lập một nền hòa bình thực sự.

RELATED ARTICLES

Tin mới