Trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 24/8, cả ba chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ đều lao dốc xấp xỉ 4%.
Bán tháo vì chứng khoán Trung Quốc
Đây là sự mất giá tệ hại nhất của ba chỉ số chứng khoán này trong vòng 4 năm qua. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones bị mất giá 588,4 điểm, tương đương với 3,57%, ổn định ở mức 15.871,35 điểm. Trước đó, trong phiên giao dịch đầu giờ buổi sáng, chỉ số danh tiếng của 30 tập đoàn doanh nghiệp này thậm chí có lúc bị mất tới 1.089 điểm và đến phiên đầu giờ chiều bị mất 830,66 điểm, tương đương với 5,05%.
Trong khi đó, chỉ số Standard & Poor 500 cũng bị mất giá 77,68 điểm, tương ứng với 3,94%, xuống còn 1.893,21 điểm và chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite bị mất giá 3,82%, chỉ còn 4.526,25 điểm.
Trong phiên giao dịch buổi sáng, hai loại chỉ số lớn này cũng lần lượt bị mất giá 4,64% và 6,0%. Toàn bộ 10 khu vực thuộc thành viên nhóm chỉ số Standard & Poor 500 trong ngày 24/8 đều bị rơi vào “vùng đỏ”, trong đó cổ phiếu của các tập đoàn năng lượng bị mất giá thảm hại nhất, trung bình 5,18%.
Từ tuần trước, giới đầu tư trên thị trường Mỹ đã không còn giữ được sự bình tĩnh. Sau động thái phá giá đồng tiền gây sốc của Trung Quốc hôm 11/8, hơn 5 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa đã bị cuốn phăng khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu.
Các chuyên gia cho biết lý do chính khiến các nhà đầu tư đua nhau bán tháo tài sản trong ngày 24/8 là vì những thông tin ngày càng xấu hơn của thị trường Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một trong những thông tin tiêu cực này là riêng trong ngày 24/8, chỉ số chứng khoán Shanghai Composite Index bị lao dốc tới 8,5%. Việc chính phủ Trung Quốc chưa công bố những biện pháp mới để ngăn chặn đà xuống dốc của thị trường và sự phát triển chậm lại của nền kinh tế cộng với việc đồng nhân dân tệ tiếp tục bị mất giá kể từ khi nước này bất ngờ phá giá cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lo lắng thêm.
Giá dầu giảm sâu
Trong phiên giao dịch chiều 24/8, giá dầu thô WTI (West Intermediate Texas) của Mỹ giao tháng 10 giảm 1,29USD xuống còn 39,16USD, trong khi đó dầu Brent giảm 1,19USD xuống còn 44,27USD. Đây là mức thấp kỷ lục trong vòng 6 năm qua.
Trước đó, kinh tế Mỹ cũng đón nhận số liệu kém khả quan, với Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo trong tháng 8/2015 bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất của hai năm là 52,9 điểm, so với mức 53,8 điểm trong tháng 7/2015 và mức dự báo 54 điểm được các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó.