Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNguy cơ kinh tế thách thức uy tín chính trị của ông...

Nguy cơ kinh tế thách thức uy tín chính trị của ông Tập

Kinh tế Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ thoái trào, thách thức uy tín và kế hoạch cải cách của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi chiến dịch chống tham nhũng khiến ông đối diện với nhiều lực cản hơn trong nội bộ giới tinh hoa.

Sáng này 24/7, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Chu Bản Thuận vẫn theo kế hoạch tham dự một hội nghị quan trọng bàn về kế hoạch xây dựng siêu đô thị liên kết Bắc Kinh với vùng xung quanh. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, buổi chiều tối cùng ngày, sự nghiệp chính trị của ông Chu kết thúc với việc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương tuyên bố điều tra các hành vi vi phạm luật pháp của chính khách này.

Chu Bản Thuận là bí thư tỉnh ủy đầu tiên bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập từ sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng, việc ông Chu bất ngờ “ngã ngựa” thể hiện rõ bầu không khí bất định trên quan trường Trung Quốc hiện nay.

“Giới tinh hoa phải đối phó với hai xu hướng đáng ngại, vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của họ”, bình luận viên Michael Forsythe của New York Times nhận định. “Một là tình hình phát triển kinh tế chững lại tồi tệ hơn dự kiến của giới quan chức; hai là thời gian và đối tượng của chiến dịch chống tham nhũng cũng đã vượt xa dự kiến của đại đa số mọi người”.

Kể từ khi trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nỗ lực thúc đẩy một nghị trình đầy tham vọng, nhằm làm trong sạch đội ngũ quan chức và chuyển đổi mô hình phát triển. Tuy nhiên, tham vọng này cũng ẩn chứa những nguy cơ chính trị đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Ông Tập quyết tâm điều chỉnh kết cấu kinh tế, nhưng nếu tăng trưởng tiếp tục chững lại, sẽ tác động tiêu cực đến uy tín của nhà lãnh đạo này. Mặt khác, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” cũng khiến ông phải đối phó với nhiều đối thủ chính trị hơn, bởi một số chính khách quyền thế một thời bị điều tra và hơn 100.000 quan chức cấp thấp mất quyền.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm nay là thấp nhất trong 25 năm trở lại đây và xu thế này được cho là sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian sắp tới. Trong tháng 6, thị trường cổ phiếu của nước này cũng chứng kiến mức sụt giảm kỷ lục, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Thực tế trên khiến giới hoạch định chính sách tại Bắc Kinh buộc phải có một loạt hành động ứng phó khẩn cấp can dự vào thị trường. Theo tính toán của ngân hàng Goldman Sachs, chính phủ Trung Quốc rất có thể đã phải tiêu tốn 144 tỷ USD để hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. “Vấn đề là nếu như thị trường cổ phiếu Trung Quốc tiếp tục sụt giảm mạnh, thì các tổ chức tài chính  tiền tệ nhà nước còn cần bao nhiêu tiền nữa để ứng phó”, tờ Financial Times bình luận.

Trong tháng 8, giới lãnh đạo nước này quyết định phá giá đồng nhân dân tệ kỷ lục trong hơn 20 năm qua, động thái được cho là thể hiện sự lo ngại sâu sắc của Bắc Kinh trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế. “Vấn đề mà giới lãnh đạo Trung Quốc phải đối diện là các sự lựa chọn chính sách của họ ít hơn xưa”, chuyên gia kinh tế Rodney Jones nhận định. Ông Jones là một trong những chuyên gia kinh tế dự đoán chính xác về cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Hai thách thức đan xen

Giới quan sát cho rằng, nghị trình cải tổ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang vấp phải lực cản ngày càng lớn trong nội bộ giới tinh hoa. Điều này kết hợp với hiện trạng kinh tế không khả quan của Trung Quốc sẽ hạ thấp khả năng thực hiện mục tiêu chiến lược của ông.

New York Times dẫn lời một cố vấn cho giới lãnh đạo cấp cao và một cán bộ cơ quan báo đảng giấu tên cho biết, đầu năm nay, một số nguyên lão trong đảng từng đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình nên dồn tâm sức nhiều hơn vào việc khôi phục kinh tế. “Trước mắt, tình hình kinh tế không tốt, vì vậy trọng tâm công việc của đảng nên tập trung nhiều hơn vào kinh tế”, người cố vấn trên dẫn lời khuyên của các nguyên lão cho hay.

“Cách kiến nghị này có thể được coi là sự không hài lòng của các nguyên lão với những nỗ lực quản lý kinh tế của ông Tập Cận Bình, cũng có thể được coi là sự gián tiếp phê bình với chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ”, bình luận viên Forsythe nhận định. “Một số vụ án tham nhũng đã làm tổn hại đến thanh danh của một số nguyên lão và liên quan đến những người từng được họ đề bạt”.

Các chính khách hàng đầu bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập gồm có cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, hai cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, cũng như cựu chánh văn phòng Trung ương Lệnh Kế Hoạch. Các ông Chu, Từ và Quách được đề bạt từ thời cựu chủ tịch Giang Trạch Dân. Còn ông Lệnh là trợ lý lâu năm của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ông Chu Bản Thuận, quan chức cấp cao bị điều tra gần đây nhất, có thời gian dài là cấp dưới của Chu Vĩnh Khang tại Ủy ban Chính pháp Trung ương.

Cũng theo lời hai cán bộ trên cho hay, chiến dịch chống tham nhũng tạo ra bầu không khí ai ai cũng có nguy cơ bị điều tra trong bộ máy nhà nước Trung Quốc, khiến các quan chức thận trọng và rụt rè hơn trước các dự án quan trọng, từ đó tạo ra lực cản với những nỗ lực cải cách kinh tế của ông Tập.

Trong một bài xã luận đăng trên trang web của Đài truyền hình Quốc gia Trung Quốc (CCTV) hôm 19/8, vấn đề lực cản với cách cách được nêu đậm nét. “Sự ngoan cố, hung ác, phức tạp của những lực lượng không thích ứng với cải cách, thậm chí là phản đối cải cách, có thể vượt xa sự tưởng tượng của mọi người”, bài xã luận viết. “Chính vì vậy, trước mặt đặc biệt cần phải nhấn mạnh tăng cường ý chí cải cách, duy trì sức bền bì của cải cách”.

Giới phân tích cho rằng, điều đáng chú ý của bài xã luận trên không chỉ bởi công khai nêu ra sự tồn tại của những lực lượng đối kháng với chính sách cải cách của Chủ tịch Tập Cận Bình, mà còn ở cách dùng từ mạnh mẽ và lời kêu gọi hưởng ứng cải cách.

Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhận được sự hoan nghênh trong dư luận Trung Quốc, do người dân vốn đã bất mãn trước tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc trong xã hội, cũng như thủ đoạn làm giàu thông qua ưu thế quan hệ chính trị của thiểu số tinh hoa. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Trung Quốc đối diện với nguy cơ khủng hoảng, những áp lực và thách thức mà ông Tập phải đối diện sẽ phức tạp hơn nữa.

“Tôi cho rằng kinh tế chính là gót chân Asin của ông Tập Cận Bình. Nếu như ông ấy mắc sai lầm trong lĩnh vực này, thì nguy cơ sẽ nhanh chóng xuất hiện, bất luận là ở trong nước hay ngoài nước”, chuyên gia Christopher Johnson thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nhận định. “Vấn đề của ông Tập Cận Bình là khi đã tuyên bố sẽ phụ trách tất cả mọi việc, thì sẽ rất giả dối nếu như đùn đẩy trách nhiệm cho người khác”.

RELATED ARTICLES

Tin mới