Năm nay Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Chủ nghĩa phát xít, Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc duyệt binh hoành tráng nhất từ xưa đến nay tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 3-9.
Ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Minh cho biết, tính đến nay đã có 49 nước xác nhận sẽ tham dự hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít của Trung Quốc, trong đó có 30 nguyên thủ quốc gia. Nhưng lễ duyệt binh năm nay lại vắng bóng đa số lãnh đạo phương Tây như Mỹ, Anh, Nhật Bản. Pháp cử Ngoại trưởng Laurent Fabius, Anh cử cựu Bộ trưởng Tư pháp Kenneth Clarke… Ngoài việc huy động quân lính của Trung Quốc và có mời một vài quốc gia láng giềng vùng Trung Á, Trung Quốc sẽ đưa 27 nhóm khí tài quân sự, đưa ra trình diễn nhân dịp này.
Nghĩ cũng thật lạ, trong đại chiến thế giới lần thứ 2 thì công lao chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật chủ yếu thuộc về Hồng quân Liên xô và các nước đồng minh như Mỹ, Anh, Pháp. Còn đội quân Bát Nhất của Trung Quốc ngày ấy chỉ loay hoay đánh nhau với quân Tưởng Giới Thạch là chủ yếu, và tác động trên chiến trường đối với quân Nhật hầu như không đáng kể.
Nước Trung Hoa chỉ thoát khỏi Nhật khi Hồng quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông; Mỹ đánh tan quân Nhật ở vùng Thái Bình Dương, cộng với việc ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki.
Và có thể khẳng định rằng, trong Chiến tranh thế giới thứ 2, vai trò của Trung Quốc đấu tranh với Chủ nghĩa phát xít là không đáng kể, vì vậy lễ kỷ niệm hoành tráng phải là những quốc gia như Nga, Mỹ, Anh, Pháp chứ không phải là Trung Quốc.
Nhưng năm nay Trung Quốc làm rất to. Dư luận thì không thể không biết rằng đây là một cách Trung Quốc phô trương thanh thế của mình; và để công bố cho thiên hạ biết rằng nước Trung Hoa bây giờ đã khác ngày xưa.
Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đang là một thực thể có sức mạnh về kinh tế và quân sự. Và sức mạnh này sẽ được nhân lên nhiều lần bởi một tư tưởng Đại Hán, đang muốn xây dựng một “giấc mộng Trung Hoa”. Cộng vào đó là cách hành xử côn đồ, lưu manh trên tất cả các lĩnh vực, mà người ta thấy rõ nhất là việc Trung Quốc xây dựng đảo mới ở Biển Đông.
Theo các nguồn tin ngoại giao, một đồng minh vốn thân cận với Trung Quốc, nằm dưới sự che chở của Trung Quốc bao năm nay là Bắc Hàn, vị thủ lĩnh trẻ là Kim Jong Un sẽ không sang dự lễ này. Nước Nhật, ông Shinzo Abe cũng sẽ không sang dự lễ. Chuyện ông này không sang là bình thường, bởi nước Nhật là người thua cuộc trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và vừa rồi đã phải xin lỗi các nước.
Còn với Việt Nam, nghe nói ông Trương Tấn Sang cũng sẽ sang dự lễ. Ngẫm cho cùng, cái cách giữ hòa khí của Việt Nam cũng thật lạ! Suốt mấy chục năm qua, Trung Quốc đã gây khốn khó cho Việt Nam đủ đường. Nào là giật dây đám quân Pol Pot đánh ở biên giới Tây Nam, gây ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc; rồi chiếm một loạt đảo của Việt Nam ở khu vực Trường Sa; rồi công khai đòi Việt Nam phải trả lại quần đảo Trường Sa và từng ngày từng giờ ép Việt Nam trên biển.
Ấy vậy mà vẫn phải sang dự lễ. Nghĩ cũng thật buồn cho nước Việt!
Thôi thì, người Việt vốn đã có câu: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Chắc lúc này, Việt Nam cũng đang muốn học chữ “nhẫn” đây.