Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐiểm tinNga, Trung Quốc và mối quan hệ "làm ít, nói nhiều"

Nga, Trung Quốc và mối quan hệ “làm ít, nói nhiều”

Theo phân tích của chuyên gia Gregory Shtraks trên tạp chí The Diplomat, quan hệ ngoại giao Nga-Trung thực chất mới chỉ “ấm” được trên giấy tờ.

Nga và Trung Quốc, hai kẻ chiến thắng của Thế chiến II, hai quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất về con người, và cũng là hai nước đầu tư công phu nhất cho dịp kỉ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít.

Còn nhớ, hồi tháng 5 vừa qua tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow, với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngồi kế bên, Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga đã tổ chức một buổi diễu binh hoành tráng.

Cũng trong dịp này, “thừa thắng xông lên” sau khi thiết lập thành công Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), Tập Cận Bình đứng vai kề vai với Putin, và cả hai cùng hân hoan tuyên bố sáp nhập Con đường Tơ lụa của Trung Quốc với Cộng đồng Kinh tế Á-Âu (EEU) của Nga.

Các nhà phân tích đánh giá, ngoài việc phô diễn những loại vũ khí tối tân và các binh đoàn hùng hậu, Nga còn muốn gửi tới thế giới thông điệp về một trật tự thế giới mới, qua sự hiện diện của người đứng đầu chính phủ Bắc Kinh tại Moscow.

Lãnh đạo Nga-Trung ngồi cạnh nhau trong buổi lễ diễu binh kỉ niệm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo Nga-Trung ngồi cạnh nhau trong buổi lễ diễu binh kỉ niệm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: Reuters

Đã gần 4 tháng trôi qua kể từ đại lễ Ngày Chiến thắng của Nga, nay hai bên đổi vai cho nhau. Ông Putin lần này sẽ lên đường tới Bắc Kinh tham dự buổi diễu binh của Trung Quốc.

Đây cũng là dịp để nhìn lại những chuyển biến trong quan hệ Nga-Trung mùa hè vừa qua. Và theo chuyên gia Gregory Shtraks, có thể nói dù đã “ấm” lên về mặt chính trị, nhưng hai nước vừa trải qua một mùa hè tương đối “lạnh” trong hợp tác song phương.

Một mùa hè “lạnh”

Trước hết, xét riêng từng nước, cả Nga lẫn Trung Quốc đều vừa trải qua một mùa hè khó khăn về mặt kinh tế.

Về phía Trung Quốc, trong vài tháng trở lại đây giới truyền thông đã tốn không ít giấy mực với sự ảm đạm của thị trường chứng khoán cùng những phân tích đi kèm về sự chững lại thấy rõ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Còn với Nga, các vấn đề cố hữu như giá dầu giảm, đồng ruble mất giá, cùng hệ quả của trừng phạt kinh tế từ phương Tây đã, đang và sẽ tiếp tục khiến nền kinh tế nước này phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề.

Thậm chí, theo ông Shtraks, nếu cứ tiếp diễn như vậy, đầu năm tới kinh tế Nga hoàn toàn có thể sẽ phải trải qua một đợt suy thoái thực sự, được định nghĩa là 8 quý liên tiếp giảm GDP hoặc mức giảm GDP đạt tới 10% trong một quý nhất định.

Tuy Tổng thống Putin vẫn lạc quan về tình hình kinh tế đất nước và bản thân ông vẫn nhận được sự ủng hộ của đại bộ phận người dân, nhưng ông Shtraks cho rằng đã đến lúc Moscow nhận ra chiến lược “xoay trục châu Á” nhằm cứu nền kinh tế của họ đang không đem lại hiệu quả.

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc, đối tác mà Nga đặt rất nhiều kì vọng sẽ là “cứu cánh” cho mình, vẫn chưa thể thay thế vị trí của phương Tây trong nền kinh tế Nga, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang còn phải đau đầu với những vấn đề của riêng mình.

Có “hợp”, nhưng chẳng có “tác” (dụng)

Mới đầu, điện Kremlin còn khá ngờ vực trước ý tưởng “Một Vành đai, Một Con đường” (OBOR) do Tập Cận Bình khởi xướng. Họ cho rằng đây chỉ là cách để Trung Quốc tiếp tục khai thác thế mạnh kinh tế của mình tại khu vực Trung Á.

Trung Quốc sau đó đã liên tục thuyết phục Nga kết hợp OBOR với Cộng đồng Kinh tế Á Âu (EEU) do Nga đứng đầu, và sau nhiều tháng suy nghĩ, tháng 5 vừa qua Moscow đã chấp thuận lời đề nghị hợp tác với kì vọng đây sẽ là yếu tố góp phần vực dậy nền kinh tế Nga.

Nhưng những gì diễn ra sau đó đã không được như Moscow mong đợi. Sự khác biệt quá rõ rệt về bản chất giữa OBOR và EEU đã khiến việc đặt điều lệ để hợp thức hóa việc sáp nhập chẳng khác nào “xây lâu đài trên cát lún”.

Thêm vào đó, dù hứa hẹn sẽ đổ hàng tỉ USD đầu tư vào các quốc gia thành viên, nhưng trong bối cảnh Trung Quốc phải sử dụng các khoản dự trữ ngoại tệ vào việc bình ổn nền kinh tế đang gặp khó của mình, thì liệu Nga và OBOR/EEU sẽ được bao nhiêu?

Bắc Kinh vẫn lấy Kazakhstan và các hiệp ước hợp tác đầu tư trị giá 23 tỉ USD với nước này như một minh chứng để “mời mọc” các nước tham gia OBOR, nhưng sự thật là Kazakhstan đã may mắn nhận được đầu tư từ những năm đầu của thế kỉ 21, khi kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh.

Mặt khác, có thể nói Nga đã “chậm chân”. Đến nay, mới chỉ có duy nhất một dự án hợp tác liên kết giữa EEU/OBOR, đó là việc lên kế hoạch xây dựng một đường tàu cao tốc từ Moscow tới Bắc Kinh.

Hồi tháng 6, công ty Railway Group của Trung Quốc và JSC Railways của Nga đã kí hợp đồng khởi công xây dựng bước đầu của dự án, một đoạn đường tàu cao tốc kéo dài 772 km từ Moscow tới Kazan, dự kiến sẽ hoàn tất trước World Cup 2018.

Tuy nhiên, dự án này ngay lập tức đã gặp trục trặc với việc Chủ tịch JSC Vladimir Yakunin phải từ chức. Sự kiện này cùng sự bất ổn nói chung của các công ty đường sắt nhà nước Nga đang khiến người ta hoài nghi về khả năng hoàn thiện dự án đúng thời hạn.

Nói nhiều, làm ít

Dù đã tăng 2,5 lần trong năm 2014, nhưng đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc tại Nga hiện nay mới chỉ đạt con số khiêm tốn: 8 tỉ USD.

Phần lớn khoản tiền mà Trung Quốc hứa sẽ trả cho Nga sau bản hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỉ USD kí kết hồi tháng 5 vừa qua vẫn chưa thấy đâu, trong đó Gazprom được cho là đã từ bỏ hi vọng sẽ nhận được khoản 25 tỉ USD đặt cọc cho đường ống khí đốt “Power of Siberia”.

Ngoài ra, đến nay vẫn chưa thấy có động tĩnh gì mới trong việc khởi công dự án đường ống khí đốt Altai nối Nga với Tân Cương mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hứa hẹn trong chuyến thăm của ông tới Moscow cuối năm ngoái.

Trong khi đó, các nhà đầu tư Trung Quốc đang tỏ ra tương đối dè dặt trong việc đổ vốn đầu tư vào các doanh nghiệp cỡ trung ở Nga, trong bối cảnh đồng ruble mất giá như hiện nay. Giao thương giữa các tỉnh Viễn Đông của Nga với vùng đông bắc Trung Quốc cũng giảm mạnh.

Theo thống kê mới đây của trang The Economist, kim ngạch thương mại song phương Nga-Trung đã giảm gần 30% trong năm 2015, gần như chắc chắn sẽ không đạt mức 95 tỉ USD trong năm 2014, và thậm chí có thể không đạt mức 89 tỉ USD như năm 2012 và 2013.

Do đó, mong muốn nâng kim ngạch song phương lên mức 200 tỉ USD vào năm 2020 mà lãnh đạo hai nước đã nhất trí hướng tới nhiều khả năng sẽ chỉ là một mục tiêu viển vông.

Chính trị “ấm”, kinh tế “lạnh”

Chuyên gia Shtraks kết luận, đây có lẽ là cách hiểu hợp lý nhất về mối quan hệ Nga-Trung ở thời điểm hiện tại.

Trong chuyến thăm Trung Quốc hôm nay (3/9), ông Putin chắc chắn sẽ được đón tiếp nồng nhiệt, một minh chứng cho nét “ấm” trong quan hệ ngoại giao hai nước trên phương diện chính trị.

Nhưng khi nhìn kĩ hơn, rõ ràng nét chính trong bất kì mối quan hệ hợp tác nào ở thời bình là kinh tế thì hai nước đang cho thấy xu hướng “giảm nhiệt” đi trông thấy.

Do đó, dù Nga-Trung dự kiến sẽ đạt được khoảng 20 đến 30 hiệp ước song phương trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này của ông Putin, quá khứ cho thấy nhiều khả năng phần lớn những gì được kí kết sẽ mãi chỉ là những dòng chữ trên một mảnh giấy.

RELATED ARTICLES

Tin mới