Trong cuộc gặp tôi ngày 25/6/1990 ở Bộ Ngoại giao, không hiểu sao Trương Đức Duy đã đọc lại toàn văn trả lời của lãnh đạo Trung Quốc gửi lãnh đạo Việt Nam và nói là bản này “chính xác hơn” (so với bản mà Từ Đôn Tín đã chuyển ngày 12/6), trong đó đoạn cuối về Campuchia đã sửa lại là: “Vấn đề Campuchia đã kéo dài 11 năm, trở thành vấn đề quốc tế trọng đại mà cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN, rất chú trọng.
Một sự chọn lựa thiếu khôn ngoan
Chúng tôi cho rằng việc này cần làm gấp. Trước mắt là hai bên Trung Quốc – Việt Nam nên đến thoả thuận càng sớm càng tốt về một số mặt quan trọng trong giải pháp chính trị về vấn đề Campuchia để thúc đẩy và tăng cường hơn tiến trình giải quyết toàn diện vấn đề Campuchia. Bước này đi tốt thì có lợi cho việc suy tính những vấn đề của bước sau và tạo điều kiện cần thiết cho cuộc gặp cấp cao Trung Quốc – Việt Nam, và tạo sự hoà giải nội bộ Campuchia”. Thực ra nội dung không có gì khác, chỉ là lời lẽ được sửa lại cho bớt giọng xấc xược ngạo mạn.
Ngày 2/8/1990, trước khi họp Bộ Chính trị (BCT), Tổng Bí thư (TBT) hỏi Nguyễn Cơ Thạch có nên nhắc lại Trung Quốc về gặp cấp cao và nói “giải pháp Đỏ”. Vào cuộc họp, Thạch nói Trung Quốc đã 3 lần bác bỏ “giải pháp Đỏ”. Anh Võ Chí Công nói thêm: “đó chỉ là ảo tưởng, ngây thơ
Trong cuộc gặp Trương ngày 5/8/1990, tôi đã nêu lại những điểm mà hai bên đã có được sự nhất trí và những điểm tồn tại về vấn đề Campuchia, đồng thời nói rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề vai trò LHQ và về việc lập SNC. Tôi nhấn mạnh lập trường nguyên tắc của Việt Nam là công việc nội bộ của Campuchia chỉ có thể do người Campuchia quyết định. Trương Đức Duy đồng ý là những vấn đề nội bộ Campuchia phải thuộc chủ quyền của Campuchia, nhưng lại cho rằng nếu không sự can thiệp của bên ngoài thì sẽ khó có được giải pháp toàn diện. Qua trao đổi, đại sứ Trung Quốc đã phải thừa nhận là các nước khác có thể bàn nhưng phải là người Campuchia quyết định thì mới thực hiện được. Về quan hệ hai nước, Trương đọc bản đã viết sẵn: “Chúng tôi cho rằng hiện nay tình hình quốc tế chuyển biến rất nhanh, không chờ đợi chúng ta. Mong phía Việt Nam nắm vững thời cơ, sớm hạ quyết tâm, có quyết sách loại trừ chướng ngại, tạo điều kiện cho việc sớm bình thường hoá quan hệ hai nước”, và nói thêm “Trung Quốc coi trọng quan hệ Trung Quốc – Việt Nam nhưng phải làm từng bước một”.
Đến cuộc gặp ngày 13/8/1990, theo lời dặn của TBT Nguyễn Văn Linh trong cuộc họp BCT 12/8, sau khi tỏ ý hoan nghênh tuyên bố của Lý Bằng ở Singapore 12/8 (“Trung Quốc hy vọng sắp tới đây sẽ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam và sẽ bàn bạc với Việt Nam những vấn đề có tranh chấp như quần đảo Trường Sa”), tôi nói: “Lãnh đạo chúng tôi rất vui mừng vì hai bên có suy nghĩ gặp nhau, chúng tôi cho rằng hai nước chúng ta cần có sự hợp tác với nhau trước mắt cũng như lâu dài, về những vấn đề cụ thể như vấn đề Campuchia cũng như các vấn đề rộng lớn hơn mà hai nước cùng có sự quan tâm giống nhau”. Trương Đức Duy trình bày 7 điểm lập trường của Trung Quốc về vấn đề Campuchia, trong đó có việc lập SNC gồm 4 bên Campuchia do Sihanouk đứng đầu, thành phần và số lượng do các bên Campuchia quyết định và là cơ chế hợp pháp duy nhất. Các điểm khác không có gì mới. Để gây tác động làm giảm sức ép của Trung Quốc, tôi đã thông báo cho Trung Quốc cuộc nói chuyện giữa ta và Mỹ lại Nữu-ước ngày 6/8/1990 về vấn đề Campuchia (trong cuộc gặp này Mỹ chủ yếu thăm dò, vận động ta chấp nhận 2 văn kiện của P5 về giải pháp Campuchia), Việt Nam và Mỹ sẽ còn tiếp tục nói chuyện.
Tháng 8/1990, tình hình quốc tế cũng như vấn đề Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu 1990 mở đầu thời kỳ hoà hoãn giữa 3 nước lớn, đồng thời 3 nước lớn bắt đầu dùng cơ chế 5 nước thường trực Hội Đồng Bảo An (P5) giải quyết vấn đề vấn đề vùng Vịnh. Từ khi Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia và càng đi gần vào giải pháp thì lợi ích của Campuchia và của ta càng kênh nhau. Chúng ta đứng trước tình hình 5 nước lớn quyết tâm đạt thoả thuận về một giải pháp chính trị về vấn đề Campuchia. Còn Campuchia lại đang trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Khó kéo dài nội chiến vì khó khăn kinh tế chính trị trong nước và trên thế giới, mà đi vào giải pháp chính trị thì lo thất bại trong tuyển cử. Mặt khác, thái độ của Mỹ có đổi khác: ngày 18.7.90 ngoại trưởng James Baker tuyên bố Mỹ thôi không công nhận Campuchia Dân chủ (tức chính quyền 3 phái do Sihanouk đứng đầu), lên án Khmer Đỏ, nhận đối thoại với Việt Nam qua phái đoàn ở Nữu-ước. Ngày 6/8/1990, ta với Mỹ tiếp xúc ở Nữu-ước, Mỹ chủ yếu thăm dò thái độ ta về văn kiện khung của LHQ về giải pháp Campuchia.
Ngày 8/8/1990, Bộ Ngoại Giao trình BCT đề án về vấn đề Campuchia theo hướng phân rõ mặt quốc tế và mặt nội bộ của giải pháp. Về mặt quốc tế, góp ý với bạn nên đồng ý phương án của P5, còn mặt nội bộ phải do bạn Campuchia quyết định, ta tôn trọng.
Chiều 8/8/1990, tôi đến gặp Cố vấn Phạm Văn Đồng xin ý kiến về đề án này. Anh nói: “Tình hình hiện nay tạo cơ hội thuận lợi cho giải pháp Campuchia. Cần tận dụng cơ hội mới này trong khi ta còn sử dụng được. Phải dám chơi với LHQ, với Hội Đồng Bảo An, với Mỹ và phương Tây. Cần tranh thủ nhân tố Mỹ trong tình hình mới… Đề án về lý thuyết thì tốt nhưng làm sao thực hiện được… Không nên đặt yêu cầu quá cao “giữ vững thành quả cách mạng (Campuchia)”… Đi vào tổng tuyển cử bạn giành được 50% là lý tưởng…”
Ngày 12/8/1990, BCT họp về đề án Campuchia do Bộ Ngoại Giao thảo. Sau khi thảo luận, anh Linh kết luận: Với Mỹ, ta tiếp tục đối thoại như BCT đã cho ý kiến với Trung Quốc trong cuộc gặp 13/8 giữa tôi và Trương Đức Duy, ta nên nói là 2 nước XHCN Việt Nam và Trung Quốc nên hợp tác giải quyết vấn đề Campuchia để có một nước Campuchia hữu nghị với các nước láng giềng, trước hết là Việt Nam, Trung Quốc, Lào. Ta không nói Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN cần đoàn kết chống đế quốc chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội.
Nhưng rồi cuộc gặp Thành Đô đã làm lãnh đạo Việt Nam xa rời quan điểm thực tế này mà ngả hẳn theo Trung Quốc, thậm chí còn định ép Phnom Penh chấp nhận đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh về vấn đề SNC Campuchia.
(Còn nữa)