Ông Benigno Aquino cho biết đợi phán quyết của tòa án sẽ thích hợp hơn, trong khi đó tòa án cho biết sẽ làm minh bạch, cuối năm 2015 ra quyết định.
Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 9 tháng 9 dẫn tờ “Philippines Star” ngày 8 tháng 9 đưa tin, Tổng thống Philippinese Benigno Aquino cùng ngày cho biết, sẽ không đề cập đến vấn đề Biển Đông trong hội nghị APEC năm nay. Ông Aquino tuyên bố: “Chờ phán quyết của toà án trọng tài Liên Hợp Quốc sẽ tương đối thích hợp”.
Theo bài báo, khi tham gia một đài truyền hình địa phương, ông Benigno Aquino cho biết: “Tôi cho rằng, đối với chúng tôi, chờ kết quả của tòa án trọng tài Liên hợp quốc sẽ là cách làm thận trọng hơn, chứ không phải là bàn vấn đề này với họ (Trung Quốc) trong hội nghị”.
Ông đồng thời cho biết: “Tôi nghĩ, chúng tôi đã bày tỏ lập trường của chúng tôi trong các trường hợp”.
Ông Benigno Aquino cho biết, vấn đề kinh tế là trung tâm chú ý của hội nghị, Philippines cũng sẽ đặt mối quan tâm vào vấn đề kinh tế, trong đó bao gồm tình hình phát triển kinh tế trong nước của Trung Quốc và ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
“Trung Quốc là một nền kinh tế chủ yếu, về vấn đề xảy ra ở Trung Quốc hiện nay, tôi khẳng định tất cả các nước thành viên khác bao gồm các nước quan sát chúng tôi sẽ mời đều sẽ muốn biết kế hoạch của Trung Quốc trên các phương diện trong đó có thị trường chứng khoán, và phải chăng tồn tại bong bóng tài sản, định giá đồng nhân dân tệ v.v…” – ông Benigno Aquino nói.
Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra ở Philippines từ ngày 13 đến ngày 19 tháng 11 năm 2015 |
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose tháng 8 nhấn mạnh, hy vọng “tranh chấp” giữa Philippines và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông sẽ không ảnh hưởng đến việc Trung Quốc tham dự hội nghị.
“Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã phát huy vai trò quan trọng trong kinh tế khu vực, sự tham dự của Trung Quốc sẽ làm cho hội nghị thượng đỉnh APEC được lợi nhiều”.
Được biết, hội nghị APEC lần này sẽ được tổ chức ở thủ đô Manila, Philippines từ ngày 13 đến ngày 19 tháng 11.
Theo Bộ trưởng Truyền thông Phủ Tổng thống Philippines Coloma, dự kiến sẽ có nhà lãnh đạo của 21 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC.
Được biết, tháng 7 năm 2015, tòa án trọng tài quốc tế thường trực ở The Hague, Hà Lan đã thẩm tra vụ kiện Biển Đông do Philippines đệ đơn. Trung Quốc cho biết họ không tham gia và không chấp nhận. Hiện nay, tòa án này đang xem xét có quyền thụ lý đối với vụ kiện này hay không.
Tòa án sẽ tôn trọng lợi ích của Trung Quốc
Mạng “Người quan sát” Trung Quốc ngày 9 tháng 9 đưa tin, tổng thư ký Tòa án trọng tài thường trực The Hague cho biết: “Tòa án đã tuyên bố rõ, hy vọng trình tự tố tụng hoàn toàn minh bạch. Đối với bên không tham gia cũng vậy (minh bạch), chẳng hạn Trung Quốc”.
“Mỗi bước thủ tục của chúng tôi đều duy trì trao đổi với Đại sứ quán Trung Quốc tại The Hague, Hà Lan.
Duy trì cân bằng hoàn toàn với hai bên là chức trách của tòa án, cho dù một bên không tham gia (Trung Quốc tuyên bố không tham gia và không chấp nhận vụ kiện). Cho nên, ở ý nghĩa này, trong trường hợp đặc biệt này, chúng tôi cũng tôn trọng lợi ích của Trung Quốc”.
Tháng 1 năm 2013, Philippines đệ trình “tranh chấp Biển Đông” lên tòa án trọng tài thường trực The Hague, trước đó đã đệ trình 7.000 trang tài liệu giải trình.
Mặc dù Philippines không kiện tụng về chủ quyền, nhưng Trung Quốc luôn nhấn mạnh đây là vụ kiện “chủ quyền”, đòi tòa án trọng tài không được thụ lý – PV. Tháng 7 năm 2015, tòa án trọng tài thường trực kết thúc phiên điều trần đầu tiên, dự kiến cuối năm nay tòa trọng tài sẽ đưa ra quyết định về quyền thụ lý vụ án.
Philippines đưa Trung Quốc ra “vành móng ngựa” ở Tòa án trọng tài thường trực, The Hague, Hà Lan |
Theo tổng thư ký Tòa án trọng tài thường trực The Hague: “Tòa án tranh thủ vào cuối năm nay đưa ra một quyết định về quyền tư pháp của vụ án. Đây là thời gian biết tôi được biết hiện nay. Nếu tòa án không có quyền thụ lý thì vụ án sẽ kết thúc. Nếu tòa án có quyền thụ lý thì sẽ bước vào giai đoạn thụ lý vụ án tiếp theo.
Tôi tin tưởng, trọng tài là một phương thức có hiệu quả. Cũng hy vọng tất cả những điều đang làm hiện nay cuối cùng sẽ có lợi cho giải quyết tranh chấp”.
Tòa án trọng tài thường trực có trụ sở ở The Hague, Hà Lan, thành lập năm 1900, là tổ chức tư pháp quốc tế mang tính rộng rãi đầu tiên trên thế giới. Hiện nay, tòa án có 117 nước thành viên, Trung Quốc là một trong những nước sáng lập, tòa án ngoài xử lý tranh chấp giữa các nước, cũng xử lý tranh chấp giữa quốc gia với doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư.