“Hãy lắng nghe Donald Trump một cách chăm chú, nhưng bầu cho người khác” là lời khuyên mà báo Anh The Economist dành cho các thành viên đảng Cộng hòa của Mỹ.
Tỉ phú Donald Trump
Lý do là bởi theo tờ này, nước Mỹ, nếu nằm dưới quyền lãnh đạo của vị tỉ phú tai tiếng, thì cũng như ông ta, sẽ trở nên nguy hiểm.
Không nhất quán
Khi tỉ phú Donald Trump lần đầu tiên tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống, tất cả mọi người đều nghĩ đó là một trò đùa.
Điều ngạc nhiên là, trong vòng nhiều tuần, Trump liên tục dẫn đầu các cuộc thăm dò dành cho các ứng viên đảng Cộng Hòa, mặc cho những phát ngôn của ông có thể phá hoại bất cứ chiến dịch tranh cử truyền thống nào.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ngay cả phóng viên The Economist cũng phải thắc mắc về việc rất nhiều cử tri đảng này dường như sẵn sàng bỏ qua cho ông ta ở những vấn đề mà họ vốn rất quan tâm.
“Người Mỹ đang thức dậy hàng ngày cùng với một viễn cảnh rằng, người đàn ông có sở thích lấy tên mình đặt cho các tài sản cá nhân sẽ trở thành ứng viên của đảng mà Tổng thống Lincoln và Reagan từng đại diện”.
Thế nhưng, The Economist cho rằng, nếu việc này xảy ra thì đó là “một điều khủng khiếp”. Theo tờ này, Trump nổi tiếng là người không nhất quán.
Về vấn đề nạo phá thai, ông ta nói “tôi ủng hộ lựa chọn của người mẹ”, nhưng đồng thời cũng khẳng định “tôi ủng hộ sự sống”.
Về vấn đề sở hữu súng, ông ta tuyên bố “không điều gì khiến tôi hài lòng hơn việc không ai có chúng”, rồi lại chia sẻ “tôi hoàn toàn ủng hộ Luật sửa đổi thứ Hai (cho phép được mang vũ khí sát thương)”.
Năm 2000, Trump tìm kiếm vị trí ứng viên tổng thống từ đảng Cải Cách. Một thập kỷ trước, ông ta tự tin tuyên bố “tôi thấy mình giống một người thuộc đảng Dân Chủ hơn”. Còn hiện tại, ông này lại là người của đảng Cộng Hòa.
Chính sách “thô lỗ”
Đối với các vấn đề trong nước, Trump có lập trường rất rõ ràng và mạnh mẽ. Song theo The Economist, lập trường ấy “không thể mê được”.
Trump muốn xây dựng một bức tường ngăn người nhập cư tại biên giới với Mexico và bằng cách nào đó bắt chính phủ Mexico phải trả tiền cho nó. Ông ta dự định trục xuất toàn bộ 11 triệu người nhập cư được cho là sống bất hợp pháp trên đất Mỹ.
“Bên cạnh những đau khổ mà nó sẽ gây ra, chiến dịch này ước tính tiêu tốn 285 tỉ USD, có nghĩa là mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em còn lại ở nước Mỹ của Trump sẽ phải gánh thêm khoảng 900 USD tiền thuế”, báo Anh nhận định.
Về phần mình, ông ta lại lập luận rằng, điều này là cần thiết bởi vì những người nhập cư bất hợp pháp Mexico đã “mang theo ma túy, mang theo các vụ phạm tội. Họ là những kẻ hiếp dâm”.
Thế nhưng, The Economist chỉ ra: “Ông ta không những sẽ đuổi những người này mà còn đuổi cả con cái họ, những đứa trẻ được sinh ra trên đất Mỹ và theo luật là công dân Mỹ. Hành động sẽ trở nên bất hợp pháp này không khiến ông ta mảy may lăn tăn”.
Cách tiếp cận của Trump với các vấn đề đối ngoại cũng thô lỗ như vậy. Báo Anh mỉa mai: “Ông sẽ nghiền nát Nhà nước Hồi giáo và điều quân đội Mỹ đi để “lấy dầu”.
Ông ta sẽ “khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại một lần nữa”, cả về quân sự và kinh tế, bằng cách trở thành một nhà thương thuyết tốt hơn hẳn những người mà ông ta gọi là “kẻ ngốc” đang đại diện cho đất nước ngày nay”.
Tờ này đánh giá, thế giới quan của Trump là “hoang tưởng”.
Trump từng hùng hồn tuyên bố rằng: “Tất cả các quốc gia làm ăn với nước Mỹ, đang ăn cướp tài sản của nước Mỹ”.
“Số tiền (mà Trung Quốc) đã đưa ra khỏi Hoa Kỳ là vụ trộm lớn nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta” – ám chỉ thực tế rằng người Mỹ thỉnh thoảng mua các sản phẩm của Trung Quốc.
Vị tỉ phú này đổ lỗi cho Bắc Kinh thao túng tiền tệ và dự định sẽ áp đặt thuế quan đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu.
Đồng thời, ông ta cũng sẽ suy nghĩ lại cách Mỹ bảo vệ các đồng minh ở châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản, bởi “nếu chúng ta lùi lại họ sẽ tự bảo vệ được mình”.
“Nước sốt bí mật” có thành công?
Báo Anh nhận định, “nước sốt bí mật cho thành công của Trump có hai loại gia vị”.
“Đầu tiên, ông ta là thiên tài tự quảng bá bản thân, và tự giải thoát mình khỏi thực tế đời thường. Thứ hai, ông ta nói những điều mà không chính trị gia nào nói, vì vậy mọi người nghĩ rằng ông không phải là một chính trị gia”.
Những người câu nệ về phép lịch sự có thể phản đối khi ông gọi ai đó là một “con lợn béo” hay nặng lời rằng một nữ phóng viên đặt câu hỏi “khó nhằn” sẽ “bị máu chảy ra từ bất cứ đâu trên người”.
Thế nhưng, những người ủng hộ ông ta lại cho rằng tính tình thô lỗ đó là dấu hiệu của sự chân thành, của một nhà lãnh đạo có thể nói lên cơn giận dữ của người cảm thấy bị tầng lớp thượng lưu phản bội, hoặc bị sự thay đổi của xã hội bỏ rơi.
“Có hàng chục triệu người như vậy ở Mỹ”, The Economist tiết lộ.
Trong quá khứ, nước Mỹ từng ủng hộ những người theo chủ nghĩa dân túy (đứng về phía dân thường), tuy nhiên chưa ai có được vị trí ứng viên tổng thống của một đảng lớn kể từ năm 1908.
Rõ ràng là Trump cũng có lợi thế của riêng mình. Là một tỷ phú, ông ta không bao giờ thiếu tiền để thực hiện chiến dịch tranh cử của mình. Ông ta cũng phải đối mặt với nhiều đối thủ trong đảng Cộng Hòa đến nỗi có thể giành chiến thắng với số phiếu bầu sít sao.
Người ta vẫn nói rằng đảng Cộng Hòa cuối cùng sẽ đoàn kết ủng hộ một ứng cử viên chính, song The Economist nhấn mạnh, điều đó không có nghĩa rằng người đó sẽ chiến thắng.