Việc tiếp tục phá giá đồng nội tệ không nằm trong chủ trương tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế của Trung Quốc.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Đó là khẳng định của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức ở thành phố Đại Liên, Đông Bắc Trung Quốc được truyền thông Trung Quốc dẫn lại hôm 9/9.
Ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh, việc định giá đồng nhân dân tệ giảm 2% không nhằm mục đích hỗ trợ các nhà xuất khẩu Trung Quốc, đồng thời thừa nhận một cuộc chiến tranh tiền tệ là không có lợi cho Trung Quốc.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn “ở mức phù hợp”.
Đây là lần thứ hai người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc khẳng định nước này sẽ không tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ. Trước đó, vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc duyệt binh quy mô lớn ở Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai vào ngày 3/9, sau một cuộc họp nội các đặc biệt hôm 29/8, ông Lý Khắc Cường nói rằng không có cơ sở nào để đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá sau khi đồng tiền này bị phá giá hôm 11/8. Đồng nhân dân tệ “về cơ bản sẽ ổn định ở mức hợp lý và cân bằng”.
Những tuyên bố liên tiếp của Thủ tướng Lý Khắc Cường được xem là động thái trấn an đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc, đặc biệt khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị có chuyến thăm chính thức tới Mỹ trong tháng 9 này.
Sau nhiều năm tăng trưởng ở tốc độ hai con số, nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc mạnh.
Theo số liệu thống kê chính thức, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 7% trong quý 2 vừa qua. Một số nhà kinh tế tỏ ra nghi ngờ về mức độ chính xác của số liệu này.
Giới phân tích cũng cho rằng, việc nhân dân tệ giảm giá trở lại chỉ là vấn đề thời gian.
Barclays và Societe Generale dự báo đồng tiền này giảm giá 7% so với đồng USD trong thời gian từ nay tới cuối năm.
“Việc can thiệp vào thị trường ngoại hối càng kéo dài lâu, thì tổn thất về dự trữ ngoại hối và thanh khoản càng gia tăng. Cách làm như vậy chỉ có thể trì hoãn, thay vì làm giảm những kỳ vọng vào sự mất giá sâu hơn của nhân dân tệ”, Barclays nhận định.
Theo chuyên gia Zhang của Deutsche Bank, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có vẻ đang theo dõi phản ứng của thị trường đối với một động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trước khi có động thái tiếp theo.
“Khó có khả năng PBoC lặp lại động thái như hôm 11/8 trước khi FED nâng lãi suất”, ông Zhang nói.