Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐiểm tin"Gáo nước lạnh" của Bình Nhưỡng làm Bắc Kinh "tái mặt"

“Gáo nước lạnh” của Bình Nhưỡng làm Bắc Kinh “tái mặt”

Triều Tiên thêm một lần nữa tỏ thái độ bất mãn với Bắc Kinh, bất chấp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện mừng Quốc khánh nước này và tỏ ý hàn gắn quan hệ song phương.

Hôm 9/9 vừa qua là ngày kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 67 của nước CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã gửi điện mừng tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Tờ Rodong Sinmun – cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên – đã đăng tải thông tin trên vào hôm qua (9/9). Tuy nhiên, cách thể hiện của tờ báo này bị cho là “làm xấu mặt Bắc Kinh”.

Trong số báo ra ngày 9/9, Rodong Sinmun dành trang nhất của báo để đăng tin về những lời chúc mừng của các ông Putin, Castro. Trong khi đó, điện mừng của ông Tập Cận Bình đã bị “đẩy xuống nửa sau trang 2”, đài RFI (Pháp) cho hay.

Bức điện của ông Tập có đoạn: “Trung Quốc sẽ cùng Triều Tiên thúc đẩy quan hệ song phương phát triển ổn định lâu bền, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị nhằm cống hiến tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.”

Giáo sư Yang Moo Jin thuộc trường ĐH nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc) chỉ ra, động thái của Triều Tiên vẫn là cách nước này cố ý tỏ thái độ bất mãn với Bắc Kinh như nước này vẫn thường làm trong thời gian gần đây.

Theo ông Yang, Bình Nhưỡng cho rằng Bắc Kinh “thiếu sự tôn trọng đối với ông Kim Jong Un”, khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên tức giận.

“Triều Tiên cảm thấy Bắc Kinh đang xem Kim Jong Un như một người chưa trưởng thành.” – Yang Moo Jin nói.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu Triều Tiên “dìm” điện mừng của ông Tập Cận Bình. Hồi năm 2014, Rodong Sinmun thậm chí còn “đẩy” bức điện của nhà lãnh đạo Trung Quốc xuống tận… một góc trang 3, sau các báo cáo về ông Putin, Castro và loạt ảnh của các cố lãnh đạo Triều Tiên.

Trong thời kỳ nhà lãnh đạo Kim Jong Il cầm quyền, tờ Rodong luôn đăng tải điện mừng của lãnh đạo Trung Quốc ở vị trí trang trọng trên trang nhất.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (phải) bước cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và Tổng thống Nga Vladimir Putin lên lễ đài xem duyệt binh ở Bắc Kinh hôm 3/9. Ảnh: Xinhua.

Triều Tiên quyết “chen chân” vào giữa Trung-Hàn?

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Nội các Triều Tiên Park Pong Ju hôm 9/9 đã bất ngờ tỏ thái độ “thúc đẩy quan hệ Hàn Quốc-Triều Tiên đạt được chuyển biến lớn”.

Theo ông Park, chính phủ Triều Tiên “sẽ tiếp tục nỗ lực như trước đây để duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo”.

Thái độ này từ Bình Nhưỡng được xem là một động thái khác nhằm ngăn chặn khả năng Hàn Quốc “xoay trục” sang Trung Quốc và thậm chí có thể “thế vai” Triều Tiên.

Trước khi rời Bắc Kinh hôm 4/9, sau khi dự hoạt động kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II của Trung Quốc, bà Park đã dành tới 20 phút để thông báo với truyền thông về thành quả chuyến đi.

“Tôi cùng Chủ tịch Tập Cận Bình đã thảo luận sâu nhiều vấn đề, nhưng quan trọng nhất vẫn là Trung-Hàn thông qua hợp tác để duy trì hòa bình ổn định ở bán đảo và Đông Bắc Á” – Tổng thống Hàn Quốc cho hay.

Phát biểu của bà Park được cho là đã làm dấy lên mối quan ngại thực sự ở Bình Nhưỡng rằng Bắc Kinh có thể “bắt tay” với Seoul trong việc giải quyết mâu thuẫn trên bán đảo và vấn đề hạt nhân Triều Tiên, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia của nước này.

Sau gần 4 năm lên nắm quyền, Kim Jong Un chưa một lần gặp Chủ tịch Trung Quốc, trong khi ông Tập đã 6 lần hội ngộ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, kể từ khi bà Park nhậm chức năm 2013.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết, Tổng thống Park Geun Hye mới đây đã tham dự lễ khai mạc Đối thoại an ninh Seoul và kêu gọi các nước ủng hộ và thúc đẩy tiến trình thống nhất 2 miền bán đảo Triều Tiên cũng như duy trì hòa bình thế giới.

Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 9/9 cũng đăng tải bài xã luận dài thừa nhận quan hệ Trung-Triều đang ở giai đoạn “nhạy cảm”.

Tuy nhiên, Hoàn Cầu vẫn “trấn an” Bình Nhưỡng bằng những khẳng định về “mối quan hệ gắn bó” qua nhiều thập kỷ, đồng thời chỉ trích phương Tây và cả Hàn Quốc, Nhật Bản đang có ý định “chọc phá ‘tình bạn’ Trung-Triều”.

RELATED ARTICLES

Tin mới