Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Trần Công Trục: Vài lời nhắn gửi Thủ tướng Hun Sen

Ông Trần Công Trục: Vài lời nhắn gửi Thủ tướng Hun Sen

Phát biểu này của Thủ tướng Hun Sen mới thể hiện tầm nhìn của một nhà chính khách về vấn đề biên giới lãnh thổ trong thế giới đương đại rất đáng để chúng ta…

LTS: Xung quanh một số phát biểu bình luận và ý tưởng của Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong việc thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam – Campuchia, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã gửi cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền CPP đã có những phát biểu và động thái rất tích cực, đáng hoan nghênh xung quanh vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia sau những nỗ lực không mệt mỏi vô hiệu hóa các thủ đoạn chống phá, xuyên tạc vấn đề biên giới lãnh thổ giữa 2 nước mà các thế lực chính trị đối lập Campuchia lợi dụng để chống phá ông, lừa gạt dân chúng và kiếm phiếu bầu.

Điều này thể hiện rõ trong các phát biểu, ý tưởng của ông Hun Sen trong phiên họp Nội các gần đây đã được truyền thông Campuchia phản ánh.

Bảo vệ thành quả công tác phân giới cắm mốc Việt Nam – Campuchia

Chống phá biên giới Việt Nam – Campuchia là một trong những thủ đoạn chính trị được phe đối lập Campuchia CNRP sử dụng để lừa gạt một bộ phận người dân Campuchia thiếu thông tin và kiến thức về biên giới lãnh thổ và có nhiều bức xúc, bất mãn trong cuộc sống nhằm tìm kiếm phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội 2013. Thủ đoạn này đã ít nhiều mang lại ít nhiều lợi ích cho phe đối lập với 55 ghế trong Quốc hội.

Được đà, lực lượng chính trị đối lập Campuchia tiếp tục thúc đẩy chống phá đảng cầm quyền và cá nhân Thủ tướng Hun Sen bằng chiêu ngụy tạo tài liệu xuyên tạc công tác phân giới cắm mốc Việt Nam – Campuchia, tung luận điệu tuyên truyền lừa gạt người dân đất nước chùa tháp rằng Hun Sen và CPP để “mất đất” cho Việt Nam vì đã sử dụng “bản đồ giả” để đàm phán.

CNRP cáo buộc bản đồ chính phủ Campuchia dùng đàm phán phân giới cắm mốc với Việt Nam không phải “bản đồ Hiến pháp”, tức 26 mảnh bản đồ bonne do Sở Địa dư Đông Dương phát hành giai đoạn 1933 – 1953.

Đỉnh điểm của chiến dịch chống phá mới diễn ra từ tháng 6 năm nay. Một nhóm nghị sĩ đối lập Campuchia đã ngang nhiên ngụy tạo tài liệu hiệp ước biên giới giữa 2 nước và tung lên mạng xã hội Facebook để tiếp tục lừa gạt người dân, kích động bất ổn xã hội Campuchia nhằm gây áp lực lên đảng cầm quyền. Thủ tướng Hun Sen đã kiên trì, khéo léo xử lý tình huống này một cách khá thuyết phục.

Việc ông Hun Sen gửi công hàm cho Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Anh để mượn lại 26 mảnh bản đồn bonne do Sở Địa dư Đông dương Pháp phát hành giai đoạn 1933-1953 để đối chiếu không những dẹp tan nghi ngờ của dư luận, mà còn buộc phe đối lập CNRP phải từ bỏ thủ đoạn “bản đồ” để chống phá biên giới Việt Nam – Campuchia. CNRP đã công khai yêu cầu các nghị sĩ đảng này không nhắc đến vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia, mà xoay sang vấn đề nội bộ khác, thanh niên thất nghiệp và việc làm.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Công đầu trong việc ổn định xã hội Campuchia, làm lắng dư luận đang bị kích động về biên giới lãnh thổ thuộc về Thủ tướng Hun Sen. Ông đã làm được một việc cần phải làm, chứng minh cho người dân Campuchia cũng như dư luận khu vực, quốc tế thấy rõ, công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam – Campuchia đã diễn ra một cách công khai, minh bạch, hợp pháp, hợp lý và là một thành quả cần được bảo vệ.

Thể hiện tác phong nói là làm của một chính khách lão luyện, trấn áp kịp thời các thế lực cực đoan kích động chống phá biên giới

Chính phủ Campuchia đã đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, phổ biến thông tin, công khai minh bạch thông tin tài liệu quá trình đàm phán, phân giới cắm mốc đã giúp người dân Campuchia hiểu biết nhiều hơn về vấn đề biên giới lãnh thổ. Tuy nhiên một số phần tử đối lập cực đoan vẫn ngoan cố chống phá bất chấp tất cả, Thủ tướng Hun Sen đã khẳng định bản lĩnh của một chính khách dày dạn kinh nghiệm trong điều hành một đất nước đa đảng phái và khá phức tạp.

Việc bắt giữ Hong Sokhour với chứng cứ phạm tội quả tang chỉ một tiếng sau khi ông ta tung tài liệu ngụy tạo hiệp ước biên giới Việt Nam – Campuchia lên Facebook với những bình luận kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã tác động rất mạnh đến phe đối lập CNRP. Sam Rainsy và Kem Sokha đã buộc phải thay đổi thủ đoạn khi cái bùa “bản đồ” không còn mê hoặc được quần chúng.

Ngoài ra, đảng CPP còn ra chỉ thị cho tất cả các tổ chức đảng này ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biên giới lãnh thổ, để cán bộ đảng viên của CPP và người dân Campuchia nắm được hoạt động này một cách hệ thống, khoa học, có căn cứ pháp lý.

Đây mới thực sự là giải pháp căn cơ, lâu dài để đối trị với thủ đoạn chống phá biên giới Việt Nam – Campuchia của các thế lực đối lập cực đoan, lấy biên giới lãnh thổ làm con tin cho các âm mưu, toan tính chính trị cá nhân.

Phải thừa nhận đó là những điểm mạnh mà Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khẳng định được, chính nó đã góp phần củng cố ổn định trong xã hội Campuchia, ngăn ngừa mầm mống của chủ nghĩa dân tộc cực đoan quá khích và những mối họa mà lực lượng này có thể gây ra với chính người dân, đất nước Campuchia. Đây cũng là nội dung Việt Nam chúng ta cần nghiên cứu học tập nước bạn.

Thủ tướng Hun Sen mong muốn thúc đẩy phân giới cắm mốc với Việt Nam

Lần đầu tiên ông Hun Sen đã công khai tuyên bố thúc đẩy công tác đàm phán phân giới cắm mốc với Việt Nam. Thủ tướng Campuchia còn đưa ra một số ý tưởng mà cá nhân tôi cho rằng rất đáng hoan nghênh và khả thi. Thứ nhất, là ý tưởng mời chuyên gia của một bên thứ 3, cụ thể là Pháp đứng ra hỗ trợ công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong lễ khánh thành một cột mốc biên giới.

Đây là một ý tưởng khá thiết thực, hoàn toàn khả thi nếu đội ngũ chuyên gia đáp ứng được các tiêu chí về thỏa thuận nguyên tắc xử lý vấn đề biên giới giữa 2 nước cũng như các hiệp ước, văn bản mà hai bên đã ký kết. Trên tinh thần khách quan, cầu thị, khoa học và hợp pháp, hai bên có thể tính toán đến lựa chọn này.

Thứ hai là Thủ tướng Hun Sen tuyên bố Campuchia sẵn sàng chịu 1 nửa tổng chi phí để trả cho đội ngũ chuyên gia cũng như xây dựng hệ thống cột mốc biên giới giữa 2 nước. Đó cũng là một cử chỉ đầy trách nhiệm của Thủ tướng Hun Sen mà chúng ta cần ghi nhận.

Đặc biệt là Thủ tướng Hun Sen cũng đã nhận thấy rõ bản chất vấn đề, nếu không đẩy mạnh công tác phân giới cắm mốc thì mọi sự chậm trễ đều sẽ gây ra những khó khăn mới.

Phân giới cắm mốc phải dựa trên bằng chứng pháp lý và kỹ thuật, không phải dựa theo chính trị và cảm xúc

Cá nhân tôi cho rằng phát biểu này của Thủ tướng Hun Sen mới thể hiện tầm nhìn của một nhà chính khách về vấn đề biên giới lãnh thổ trong thế giới đương đại rất đáng để chúng ta suy ngẫm và rút ra bài học cho mình. Trên thế giới lâu nay, biên giới lãnh thổ cùng với tôn giáo sắc tộc, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo loạn xã hội ở các quốc gia khác nhau.

Riêng về biên giới lãnh thổ là lĩnh vực đòi hỏi tính khoa học, pháp lý, khách quan và cầu thị rất cao, nhưng lại gắn chặt với tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của người dân bất cứ quốc gia nào. Biên giới lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng và hệ trọng, là bất khả xâm phạm.

Chính những yếu tố cảm xúc này đã có lúc lấn át yếu tố lý trí, dễ bị lập trường chính trị chi phối khiến yếu tố bằng chứng pháp lý và kỹ thuật bị lu mờ.

Phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen là hết sức xác đáng, khách quan, cầu thị, hợp pháp và hợp lý. Chỉ có công khai quan điểm này và thúc đẩy phân giới cắm mốc theo đúng tinh thần dựa vào bằng chứng pháp lý và kỹ thuật, kết hợp với tuyên truyền giải thích rộng rãi mới có thể xây dựng được tuyến biên giới hòa bình hữu nghị và hợp tác, người dân giáp biên hai nước mới yên ổn làm ăn và tránh được các chiêu bài thủ đoạn mà các thế lực cực đoan lợi dụng chống phá.

Lịch sử là câu chuyện rất phức tạp, nhất là lịch sử liên quan đến biên giới lãnh thổ. Nếu chỉ dựa vào các tài liệu hay thậm chí là “bằng chứng” lịch sử thuần túy, sẽ có sự xáo trộn rất lớn về biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia và có thể đẩy mối quan hệ giữa 2 nước láng giềng vào xung đột không lối thoát.

Do đó việc sử dụng các bằng chứng lịch sử, căn cứ lịch sử trong công tác tuyên truyền, giáo dục về biên giới lãnh thổ cũng như đàm phán, hoạch định biên giới phải hết sức thận trọng, nghiên cứu kỹ và có chọn lọc.

Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với phát biểu này của Thủ tướng Hun Sen: “Chúng tôi có vài điểm quan trọng trong phần biên giới còn lại chưa phân định. Một số mốc biên giới phía Việt Nam đã đồng ý còn một số khác thì Việt Nam chưa đồng ý. Với Việt Nam, chúng tôi đang đẩy mạnh công tác phân giới cắm mốc bởi bất kỳ sự chậm trễ nào sẽ gây ra những khó khăn mới.

Có nghĩa là, chúng tôi không đồng ý với tất cả các điểm phía Việt Nam nêu ra, và chúng tôi sẽ phản hồi với phía Việt Nam về những mốc giới mà chúng tôi không đồng ý”.

Nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng, ở những vị trí tranh chấp mà cả hai bên đều không đủ tài liệu pháp lý chứng minh đủ sức thuyết phục đối phương thì nên tính toán đến các nguyên tắc pháp lý và thông lệ quốc tế trên tinh thần khách quan, cầu thị, có đi có lại.

Bất kỳ bên nào cũng không nên hiểu rằng đây là một sự nhân nhượng hay mất đất. Không nên chính trị hóa vấn đề biên giới lãnh thổ, bởi nếu cứ lấy lập trường thay căn cứ pháp lý thì không bao giờ có thể hoạch định phân giới xong.

Một vài điều nhắn gửi Thủ tướng Hun Sen

Ông Hun Sen đã có những phát biểu, bình luận cá nhân tôi cho là rất xác đáng, hợp lý, hợp pháp về công tác phân giới cắm mốc giữa Campuchia và Việt Nam như đã phân tích ở trên. Trong đó chính Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng nhấn mạnh rằng phải trọng chứng cứ pháp lý và kỹ thuật chứ không phải cảm xúc hay chính trị.

Tuy nhiên, nhận thức về lịch sử đối với biên giới lãnh thổ cũng là một khía cạnh mang nặng cảm xúc và chính trị. Câu nói: “Chúng tôi đã mất đi một vùng đất rất rộng cho những người khác trong một thời gian dài trước đây, trong quá khứ. Chúng ta không thể cho phép điều này tiếp tục hoặc lặp lại chính nó” có thể dẫn đến những hiểu lầm về biên giới lãnh thổ hiện tại với câu chuyện của cả mấy trăm năm về trước.

Không dân tộc nào nên quên lịch sử của cha ông mình, nhưng cũng không dân tộc nào nên theo đuổi việc lật lại lịch sử để làm xáo trộn hiện tại. Chủ nghĩa dân tộc, chủ quyền lãnh thổ là những vấn đề hệ trọng quốc gia, động đến tình cảm tâm tư của mỗi người thì càng phải thận trọng và nhìn nhận nó một cách đúng đắn, làm sao có lợi nhất cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển của quốc gia, dân tộc. 

Xới lại lịch sử chỉ gây ra bất ổn, chia rẽ và kìm hãm phát triển, không giải quyết được vấn đề gì thì là chuyện không nên làm, không đáng làm. Chủ nghĩa dân tộc, chủ quyền lãnh thổ nếu tách rời tính chất pháp lý, khoa học, khách quan, cầu thị sẽ trở thành con dao hai lưỡi đẩy cả xã hội vào một vòng xoáy bất ổn khó tìm ra lối thoát.

RELATED ARTICLES

Tin mới