Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCác căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài

Các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài

QĐND – Chính quyền Mỹ có hàng trăm căn cứ quân sự và hàng trăm nghìn binh sĩ, nhân viên quân sự đóng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ít ai ngờ rằng, hầu hết người dân Mỹ lại chưa từng một lần được nghe về những căn cứ này…

Tấm “mạng nhện” khổng lồ

Theo Tạp chí The Diplomat, Mỹ hiện có xấp xỉ 800 căn cứ quân sự trên khắp thế giới, điều hành bởi hơn 230.000 nhân viên quân sự. Mỹ cũng có khoảng 80.000 binh sĩ đang đóng quân tại Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó có 50.000 binh sĩ tại 109 căn cứ ở Nhật Bản, 28.000 quân nhân khác làm nhiệm vụ tại 85 căn cứ ở Hàn Quốc. Ngoài ra, tại châu Âu, Mỹ vẫn duy trì 65.000 binh sĩ đóng tại 58 căn cứ ở I-ta-li-a và 179 căn cứ ở Đức.

Còn theo tờ World Bulletin, số căn cứ quân sự của Oa-sinh-tơn ở nước ngoài là 850, nhưng nếu tính cả các căn cứ nằm trong lãnh thổ Mỹ thì tổng cộng nước này có tới… 5.300 căn cứ. Chỉ có 43 quốc gia trên thế giới không có sự hiện diện của các lực lượng quân sự Mỹ.

Tuy nhiên, người ta cho rằng, con số thực có thể còn cao hơn những gì đã được công bố, bởi Mỹ chắc chắn còn sở hữu những căn cứ quân sự bí mật.

Máy bay chiến đấu F-22 Raptor của không quân Mỹ tại căn cứ Ka-de-na ở Ô-ki-na-oa, Nhật Bản. Ảnh: AFP
Bên trong một căn cứ không quân Mỹ ở nước ngoài. Ảnh: politico.com

Nếu nhìn trên bản đồ thế giới, người ta sẽ có cảm giác như các căn cứ của Mỹ tạo thành một tấm “mạng nhện” dày đặc. Quân đội Mỹ đã mở rộng sự hiện diện quân sự tới mọi châu lục, ngoại trừ Nam Cực. Số lượng khổng lồ các căn cứ ở nước ngoài phần nào đã giúp Mỹ trở thành một siêu cường quốc quân sự của thế kỷ 21 và tạo cho Oa-sinh-tơn một vị thế đáng kể, xét cả về mặt chính trị lẫn quân sự.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ trên khắp thế giới đặc biệt được mở rộng sau hai cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Tổng cộng diện tích bề mặt của các căn cứ quân sự chính thức của Mỹ xấp xỉ 120.000km2, tức là còn lớn hơn lãnh thổ của một số quốc gia. Nằm trong các căn cứ này là 344.000 tòa nhà, 184.000 khu phức hợp và khoảng 48.000 tòa nhà khác dùng riêng cho các loại dịch vụ.

Như nhận định của tờ World Bulletin, về lý thuyết thì Mỹ không đủ tiềm lực tài chính để duy trì hoạt động của tất cả các căn cứ quân sự “chính thức” ở nước ngoài.

Nước Mỹ có an toàn hơn?

Chi phí quá lớn là nguyên nhân dẫn đến những tranh cãi về việc tại sao Mỹ lại cần nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài như vậy. Nhiều người còn băn khoăn về hiệu quả của những căn cứ này và đặt câu hỏi rằng, liệu chúng có thực sự làm cho nước Mỹ an toàn hơn?

Sau 6 năm nghiên cứu, Giáo sư Đa-vít Vai-nơ (David Vine) thuộc Trường Đại học American University mới đây đã xuất bản một cuốn sách, trong đó ông cho rằng, các căn cứ quân sự tại nước ngoài đang làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ cũng như “quyền lực mềm” của Oa-sinh-tơn ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Giáo sư Đa-vít Vai-nơ trích lời bình luận của ông Brát-lây L.Bâu-man (Bradley L.Bowman), Giáo sư Học viện Quân sự Mỹ nhận định rằng, các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông là “chất xúc tác chính” dẫn tới “chủ nghĩa bài Mỹ” và chủ nghĩa cực đoan. Điều này đã được chứng minh qua mối tương quan giữa số lượng các căn cứ và lực lượng Mỹ ở Trung Đông với hoạt động tuyển quân của nhóm khủng bố Al Qaeda.

“Các căn cứ nước ngoài cũng có xu hướng làm gia tăng căng thẳng quân sự và ngăn cản các giải pháp ngoại giao cho các cuộc xung đột. Đối với Trung Quốc, Nga, I-ran, các căn cứ của Mỹ đặt gần biên giới các quốc gia này là một mối đe dọa và nó thúc đẩy việc gia tăng chi tiêu quân sự. Các căn cứ của Mỹ ở nước ngoài cũng khiến chiến tranh dễ bùng nổ hơn và khiến nước Mỹ bớt an toàn hơn”, Giáo sư Đa-vít Vai-nơ viết trong cuốn sách của mình.

Ông cũng lưu ý rằng, việc duy trì các căn cứ ở các quốc gia như Ba-ranh và Ca-ta trên thực tế còn làm xói mòn quyền lực mềm của Mỹ ở nước ngoài và là một trong những nguyên nhân dẫn tới hủy hoại môi trường, tình trạng tái định cư, nạn mại dâm, tai nạn và tội phạm.

Trong bài bình luận nói về các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản trong giai đoạn “chiến tranh lạnh”, tác giả Giôn Đao-ơ (John Dower) lại nhấn mạnh: “Sứ mạng đầu tiên của các lực lượng và căn cứ Mỹ tại Nhật Bản, trong đó có Ô-ki-na-oa (Okinawa), chưa bao giờ là trực tiếp bảo vệ Nhật Bản, mà thay vào đó là để tăng cường sức mạnh tại châu Á, đồng thời “hỗ trợ những cam kết của Oa-sinh-tơn”, như lời một quan chức cấp cao của Mỹ đã từng nói”. Với nhiều nhà quan sát, quan điểm cho rằng “sự hiện diện của Mỹ đóng vai trò là yếu tố ngăn cản các mối đe dọa từ bên ngoài nhằm vào Nhật Bản” ít thuyết phục hơn so với ý kiến cho rằng, nếu như không có các căn cứ này thì mối đe dọa từ bên ngoài đối với Tô-ki-ô là không đáng kể.

Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, chi phí cho việc duy trì hoạt động của các căn cứ quân sự ở nước ngoài cũng là bài toán đau đầu với chính quyền Mỹ. Tạp chí Politico của Mỹ cho biết, trong năm tài khóa 2014, Mỹ đã chi từ 85 tỷ đến 100 tỷ USD cho việc duy trì các căn cứ và binh sĩ ở nước ngoài, nếu tính cả ở những khu vực có chiến sự thì con số này là 160 tỷ-200 tỷ USD.

Giáo sư Đa-vít Vai-nơ cũng ước tính, chi phí dành cho một nhân viên hay binh sĩ Mỹ đóng quân ở nước ngoài thường cao hơn những người phục vụ trong nước từ 10.000 đến 40.000USD.

Bởi vậy, chính sách xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải tiêu tốn thêm hàng tỷ đô-la vào một khu vực vốn đã là nơi đóng quân của hàng chục nghìn binh sĩ và hàng trăm căn cứ quân sự nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới