Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Sinh Hùng lên trời về phí, lệ phí Việt Nam

Ông Sinh Hùng lên trời về phí, lệ phí Việt Nam

‘Đủ thứ phí thế này người ta sống sao nổi? Quy định như thế này thì làm sao người ta cựa quậy được nữa?’. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thốt lên như vậy sau khi nghe lãnh đạo Bộ Y tế trình dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế tại phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/9.

Tờ trình của Chính phủ khẳng định việc xây dựng và ban hành Nghị định về trang thiết bị y tế là quan trọng và cần thiết vì đây là một loại hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế, hỗ trợ cho người thầy thuốc trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân được chính xác, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.

Tuy nhiên, trang thiết bị y tế lại có đặc thù là chủng loại đa dạng, luôn được cập nhật ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, thế hệ công nghệ luôn thay đổi.

Do vậy, Bộ Y tế cho rằng trang thiết bị y tế phải được quản lý chặt chẽ theo chu trình vòng đời của sản phẩm, từ giai đoạn sản xuất, thử nghiệm, lưu thông trên thị trường đến quá trình sử dụng và bảo hành, bảo dưỡng đối với sản phẩm.

Theo đó Dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 11 chương và 71 điều với mong muốn hỗ trợ tốt cho việc quản lý.

Nhận định thực tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hiện việc quản lý trang thiết bị y tế rất lỏng lẻo, cần có các quy định pháp luật để điều chỉnh.

“Nhưng nếu các đồng chí định quy định như thế này thì sẽ dẫn đến tình trạng không sản xuất được, không nhập khẩu được, không lưu hành được. Quy định như thế này thì làm sao người ta cựa quậy được nữa. Cho nên cuối cùng buôn gian bán lậu ngày càng tăng mà thôi. Quản lý thì tưởng là rất chặt nhưng hàng lậu vẫn cứ về ngang nhiên”, chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng giống như giá thuốc chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra chính là do sự bó buộc dẫn đến giá bị đẩy lên cao.

“Nguyên nhân sâu xa nhất là chỉ có mấy anh được nhập khẩu thôi. Khi chúng ta mở ra một cái là thấy giá thuốc xuống”, ông Hùng nói.

Cho rằng việc quản lý là cần thiết song vị Chủ tịch QH nhấn mạnh: “Không thể cứ đụng cái là phải xin giấy phép”.

‘Chúng ta là kinh tế thị trường, đâu chỉ có một cái công ty nhà nước sản xuất hoặc nhập khẩu. Kinh tế thị trường, các đồng chí quy định điều kiện gì thì kể ra đây, ai đủ điều kiện thì người ta làm. Không thể cứ đụng một cái là phải xin giấy phép, đụng một cái là phải nộp phí. Nếu thế thì trang thiết bị ở VN đắt nhất thế giới’, chủ tịch QH nói.

Bên cạnh việc quy định các thẩm quyền cấp phép và kiểm soát, Bộ Y tế đề nghị được thu các loại phí, gồm: “Lệ phí công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế; công bố tiêu chuẩn trang thiết bị y tế thuộc loại A; công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế; Phí cấp mới, cấp lại, gia hạn số lưu hành; Phí thẩm định cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nói thêm: “Quy định như thế này là trở về bao cấp thời xưa chứ không phải bao cấp thời nay nữa. Nếu quy định như vậy thì lại đổ hết vào đầu người bệnh thôi. Quy định như vậy thì cứ mỗi anh cán bộ sở y tế xuống lại đặt ra vài điều kiện, rồi thu đủ thứ phí thế này thì người ta sống sao nổi? Tôi xin cảnh báo trước là không có phí nào ở đây đâu đấy”.

Giống như trước đó diễn đàn Quốc hội cũng từng nóng lên khi thấy con gà phải cõng 14 loại phí. Và phải sau nhiều thời gian, hàng loạt phiên chất vấn tại Quốc hội đi đến cùng sau đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đề nghị Bộ Tài chính gỡ bỏ.

Mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư bãi bỏ và sửa đổi 14 khoản thu (bãi bỏ 13 khoản, sửa đổi 1 khoản) liên quan đến cấp giấy phép có thu lệ phí và 21 khoản thu phí thú y ở các khâu khác nhau, có hiệu lực từ ngày 8.8.2015. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 14 loại phí và lệ phí cho gà sẽ được gỡ bỏ.

RELATED ARTICLES

Tin mới