“Thẻ nhà báo là để cấp cho những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, có tác phẩm báo chí và gắn với cơ quan báo chí cụ thể”, ông Thi nói.
Chiều nay (17/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật báo chí sửa đổi. Đề cập đến loại hình thẻ nhà báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Nguyễn Bắc Son cho biết, thực tế hiện nay một số cơ quan báo chí cấp cho phóng viên của mình các loại thẻ có hình thức gần giống với thẻ nhà báo để hoạt động báo chí. Tuy nhiên, thẻ nhà báo là loại thẻ duy nhất được pháp luật công nhận trong hoạt động báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, đổi và thu hồi.
Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhà báo, dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) quy định rõ, nhà báo được quyền khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; khi đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.
Đặc biệt, nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. “Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”, dự thảo nêu rõ.
Về đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo, tại Điều 35 “Đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo” quy định: Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập các cơ quan báo chí, thông tấn.
Trưởng phòng (ban), phó trưởng phòng (ban) nghiệp vụ báo chí của các cơ quan báo chí, thông tấn. Phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, thông tấn.
Ngoài ra, những đối tượng khác cũng được đề nghị cấp thẻ nhà báo gồm: Người quay phim, đạo diễn chương trình phát thanh, truyền hình (trừ phim truyện) của các đơn vị được cấp phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và sản xuất phim tài liệu của Nhà nước.
Những người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về báo chí tại các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có tham gia hoạt động báo chí và có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật này.
Giảng viên chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập có tham gia hoạt động báo chí và có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật này.
Chủ tịch Quốc hội: “Tôi cảnh báo trước là không có phí phiếc gì đâu đấy” |
Những người thực hiện nghiệp vụ về nội dung thông tin ở các đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương có thời gian công tác liên tục từ 3 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội (trừ những trường hợp khác theo quy định pháp luật); là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 12 tác phẩm báo chí đã được phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 01 năm tính đến thời điểm xét cấp thẻ và được đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cấp thẻ nhà báo.
Những người đã được cấp thẻ nhà báo nhưng được điều chuyển sang làm công việc khác vẫn tiếp tục có tác phẩm báo chí được sử dụng, được cơ quan báo chí xác nhận, được xét cấp thẻ nhà báo trong các trường hợp cụ thể sau: Được điều động công tác tại các phòng (ban) không phải nghiệp vụ báo chí của cơ quan báo chí; Được điều chuyển sang làm công tác giảng dạy chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập; Được điều chuyển sang làm cán bộ chuyên trách tại hội nhà báo các cấp.
Tuy nhiên, thẩm tra về dự án luật này, ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, quy định đối tượng được xét cấp thẻ như trong dự thảo quá rộng, bao gồm cả những người làm công tác quản lý báo chí, các giảng viên chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập.
Mặt khác, lại đòi hỏi thủ tục cấp thẻ rất phức tạp khi một người được cấp thẻ nhà báo, phải có sự thống nhất đề nghị của 4 đơn vị: Cơ quan báo chí, Cơ quan chủ quản báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội nhà báo.
“Thường trực Ủy ban cho rằng, thẻ nhà báo là để cấp cho những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, có tác phẩm báo chí và gắn với cơ quan báo chí cụ thể. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, quy định tiêu chuẩn cụ thể căn cứ vào thời gian làm báo, số lượng và chất lượng tác phẩm báo chí và chỉ nên quy định cơ quan báo chí – là nơi quản lý trực tiếp người được xét cấp thẻ, đề nghị cấp thẻ nhà báo”, ông Thi nhấn mạnh.
Xử lý thế nào với trang tin ăn cắp bài viết trên báo chí chính thống?
Trong thời gian qua, loại hình báo điện tử phát triển mạnh mẽ với những đặc tính riêng như: Khả năng tương tác cao, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian; cập nhật tin, bài đến từng phút… đòi hỏi phải có phương thức quản lý phù hợp. Thường trực ủy ban đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể về loại hình này.
Ngoài ra, các trang tin điện tử tổng hợp có tính chất tương tự như báo điện tử, hiện đang được Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT điều chỉnh, trong đó quy định hồ sơ đề nghị cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp phải có “văn bản chấp thuận của các tổ chức cung cấp nguồn tin để đảm bảo tính hợp pháp của nguồn tin” (điểm đ, khoản 1, Điều 6, Thông tư 09).
Tuy nhiên, trên thực tế, ít có cơ quan báo chí nào cho phép một trang tin điện tử sao chép lại bài vở của họ, bởi đây là một cách gián tiếp giảm bớt lượng truy cập báo điện tử và số lượng phát hành báo in. Do Luật không cho phép các trang tin điện tử tự sản xuất nội dung nên người làm các trang này sẽ tự ý sao chép, chỉnh sửa bài từ các báo điện tử.
Tuy vậy, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí khó có thể ngăn chặn tình trạng này bởi số lượng các trang tin điện tử quá nhiều. Dự thảo luật lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… (khoản 21 Điều 4). Quy định này vô hình trung đã khuyến khích cách làm báo kiểu sao chép, hay nói cách khác là hợp pháp hóa việc xâm phạm bản quyền.
Thường trực ủy ban cho rằng không nên quy định “trang tin điện tử tổng hợp” trong luật, mà có thể tham khảo cách quản lý của nhiều nước là điều chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội bằng Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ…
Khoản 7 Điều 25 dự thảo Luật quy định văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chỉ được hoạt động tại địa phương khi được chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân địa phương đó. Thường trực ủy ban cho rằng, quy định như vậy là hạn chế quyền tự do báo chí. Thực tế cho thấy, trong một số trường hợp Ủy ban nhân dân địa phương gây khó dễ hoặc không đồng ý cho phóng viên thường trú hoạt động do đưa tin, bài viết về các vụ việc tiêu cực của địa phương.
Dự thảo luật đã quy định cụ thể điều kiện đặt văn phòng đại điện và tiêu chuẩn của phóng viên thường trú, bởi vậy chỉ cần yêu cầu cơ quan báo chí phải gửi thông báo đến Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi đặt Văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú hoạt động tại địa phương là đủ.