UAV Taranis tấn công tàng hình do Công ty BAE Systems của Anh chế tạo, có tốc độ bay dưới âm, sử dụng công nghệ tàng hình.
Ngày 21/9, báo “Bình luận Quân sự” của Nga đã công bố danh sách 5 loại máy bay không người lái (UAV) nguy hiểm nhất thế giới hiện nay, trong đó xếp theo thứ tự UAV Taranis, X-47B “Pegasus”, RQ-4 “Global Hawk”, Interstate TDR-1, General Atomics MQ-9 Reaper (“Header”).
1. UAV Taranis
Là UAV tấn công tàng hình do Công ty BAE Systems của Anh chế tạo, có tốc độ bay cận âm, sử dụng công nghệ tàng hình, động cơ tuabin phản lực với lực kéo 4 tấn, kết cấu bên ngoài giống UAV “Skat” của Nga.
UAV có 2 khoang vũ khí bên trong. Mục đích của chương trình này là nghiên cứu các công nghệ chế tạo UAV tấn công tàng hình độc lập, có khả năng tấn công với độ chính chính xác cao.
UAV Taranis có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất tầm xa và tự động vòng tránh các phương tiện tiêu diệt của đối phương.
Việc nghiên cứu và chế tạo Taranis hiện nay mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Trên cơ sở của nó dự định chế tạo UAV tấn công ném bom với cự ly bay xuyên lục.
2. UAV X-47B “Pegasus”
Là UAV trinh sát – tấn công tàng hình có trọng lượng cất cánh tối đa 20 tấn, tốc độ hành trình 0.9 Mach, trần bay 12.000m, động cơ được lấy từ tiêm kích F-16 với lực đẩy 8 tấn.
UAV có cự ly bay 3.900km, giá 900 triệu USD cho việc nghiên cứu khoa học theo chương trình X-47, trang bị 2 bom cassete bên trong, tải tác chiến 2 tấn. Đây là sản phẩm của Tập đoàn Northrop Grumma.
3. UAV RQ-4 “Global Hawk”
Đây là UAV trinh sát với trọng tải cất cánh tối đa 14,6 tấn, thời gian bay 32 giờ, tốc độ tối đa 620km/ giờ, trần bay 18.200m, động cơ tuabin phản lực với lực đẩy 3 tấn, cự ly bay 22.000 km, giá 131 triệu USD, chế tạo tổng cộng 42 chiếc.
UAV được trang bị tổ hợp thiết bị trinh sát HISAR, tương tự hệ thống lắp đặt trên máy bay trinh sát hiện đại U-2. Trong thành phần của HISAR gồm radar với khẩu độ tổng hợp, camera quang học – nhiệt, kênh vệ tinh truyền dữ liệu với tốc độ 50Mb/s. Ngoài ra, trên UAV còn có thể lắp đặt thiết bị bổ sung để tiến hành trinh sát kỹ thuật vô tuyến.
Mỗi UAV đều có tổ hợp các phương tiện bảo vệ, gồm các trạm cảnh báo bức xạ laze và radar, cũng như hệ thống mồi bẫy kéo ALE-50 để thu hút tên lửa của đối phương theo nó sau khi phóng.
RQ-4 đạt kỷ lục về cự ly bay lớn (bay từ Mỹ đến Australia, 2001), có thời gian bay lâu nhất trong tất cả các UAV (33 giờ trên không, 2008), tiếp dầu trên không bởi UAV khác (2012). Đến năm 2013, tổng số giờ bay của RQ-4 vượt 100.000 giờ.
Trên cơ sở “Global Hawk” đã chế tạo MQ-4 “Triton”. Đây là máy bay trinh sát hải quân với radar mới có khả năng theo dõi 7 triệu km2 đại dương/ ngày đêm.
Mặc dù, “Global Hawk” không thể mang vũ khí tấn công nhưng nó vẫn được xếp vào danh sách các loại UAV nguy hiểm nhất thế giới.
4. UAV Interstate TDR-1
Đây là UAV ném bom không người lái có thể phóng ngư lôi, có trọng lượng cất cánh tối đa 2,7 tấn, trang bị động cơ 2 х 220 mã lực, tốc độ tuần tiễu 225km/ giờ, cự ly bay 680km, mang tải tác chiến 907kg.
Đến thời điểm hiện tại đã sản xuất tất cả 162 chiếc. UAV cất cánh tác chiến lần đầu tiên ngày 27/9/1944, thuộc dự án “Optsion” về chế tạo UAV phóng ngư lôi tiêu diệt Hải quân Nhật Bản. Tháng 4/1942, TDR-1 được thử nghiệm lần đầu tiên, khi đó nó được điều khiển từ xa trên khoang máy bay đang bay ở cự ly 50km để tấn công tàu khu trục Uord.
Kết quả, UAV đã tiêu diệt chính xác mục tiêu bằng ngư lôi. Với những thành tích đạt được, đến năm 1943, giới lãnh đạo Hải quân Mỹ đã tính toán thành lập 18 phi đội tấn công, gồm 1.000 UAV và 162 trung tâm chỉ huy “Avengers”.
Tuy nhiên, Hạm đội Nhật Bản đã dễ dàng đánh bại các UAV của Hải quân Mỹ bằng các máy bay thông thường và chương trình này đã mất uy tín.
5. UAV General Atomics MQ-9 Reaper (“Header”)
MQ-9 Reaper là UAV trinh sát – tấn công với trọng tải cất cánh khoảng 5 tấn. MQ-9 Reaper có thể bay trong vòng 24 giờ với vận tốc đến 400 km/ giờ, trần bay 13.000m, động cơ tuabin cánh quạt 900 mã lực, dự trữ nhiên liệu đầy đủ 1.300kg.
MQ-9 Reaper được trang bị đến 4 tên lửa Hellfayr và 2 bom điều khiển JDAM 500 pound. Thiết bị vô tuyến điện trên khoang UAV gồm radar AN/APY-8 với chế độ lập bản đồ, trạm ngắm bắn – quang điện tử MTS-B làm việc trong dải quan sát và hồng ngoại với thiết bị chỉ thị mục tiêu bên trong chiếu mục tiêu dùng cho các loại đạn dẫn hướng laze bán chủ động.
UAV này có giá 16,9 triệu USD. Đến thời điểm hiện tại, có tổng số 163 UAV MQ-9 Reaper đã được sản xuất.
MQ-9 Reaper đã được sử dụng thực chiến tại Afghanistan vào tháng 4/2010, khi đó UAV đã tiêu diệt nhân vật thứ 3 trong đội ngũ lãnh đạo “Al-Qaeda” Mustafa Abu Yazid, nổi tiếng với tên gọi Shaykh al-Masri.