Sunday, January 5, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiObama muốn ký hiệp ước chống xâm lược bằng internet, Tập Cận...

Obama muốn ký hiệp ước chống xâm lược bằng internet, Tập Cận Bình né tránh

Đây sẽ là lần đầu tiên tấn công mạng được xử lý như một khả năng quân sự cần phải được kiểm soát, giống như vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và vũ khí sinh học.

The New York Times ngày 19/9 đưa tin, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đàm phán một hiệp ước kiểm soát chiến tranh mạng, trong đó hai nước cam kết sẽ không sử dụng vũ khí tin học trước để làm tê liệt cơ sở hạ tầng quan trọng của nhau trong thời bình.

Phiên bản đầu tiên của thỏa thuận này có thể giúp tránh được các cuộc tấn công tin học nhằm vào các nhà máy điện, hệ thống ngân hàng, mạng điện thoại di động và các bệnh viện. Tuy nhiên thỏa thuận này chưa thể giúp chống lại các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc nhằm vào việc đánh cắp công nghệ, sở hữu trí tuệ và hàng triệu dữ liệu cá nhân các quan chức, nhân viên chính phủ Hoa Kỳ.

Các cuộc đàm phán đã được tiến hành rất khẩn trương trong những tuần gần đây với mục tiêu có thể công bố một thỏa thuận khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Hoa Kỳ bắt đầu từ Thứ Năm này. Tổng thống Obama Thứ Tư tuần trước đã khẳng định rằng, tấn công mạng sẽ là một trong những chủ đề lớn nhất khi ông hội đàm với ông Tập Cận Bình tại Nhà Trắng.

Nhưng một quan chức cấp cao tham gia vào quá trình đàm phán cảnh báo rằng, một tuyên bố ban đầu giữa Obama và Tập Cận Bình có thể không bao gồm các chi tiết, nội dung cụ thể của việc cấm tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của nhau bằng vũ khí tin học. Thay vào đó nó sẽ là một quy tắc ứng xử chung chung của Liên Hợp Quốc.

Một trong những nguyên tắc quan trọng của Liên Hợp Quốc về an ninh mạng là không nhà nước nào được cố ý làm thiệt hại cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc làm suy yếu việc sử dụng vận hành của các cơ sở hạ tầng quan trọng cung cấp dịch vụ cho công chúng.

Mục tiêu của Mỹ hiện nay là đàm phán với các nhà lãnh đạo Trung Quốc theo nguyên tắc của Liên Hợp Quốc, nhưng có vẻ như không có bất cứ thỏa thuận nào sắp công bố có thể trực tiếp giải quyết các vấn đề khẩn cấp xung quanh hoạt động tấn công mạng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hầu hết các cuộc tấn công này tập trung vào hoạt động gián điệp, đánh cắp tài liệu sở hữu trí tuệ.

Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Tân Hoa Xã.

Vikram Singh, một cựu quan chức Lầu Năm Góc nói với The New York Times, đây sẽ là lần đầu tiên tấn công mạng được xử lý như một khả năng quân sự cần phải được kiểm soát, giống như vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và vũ khí sinh học.

Tuy nhiên, Joseph S. Nye, một giáo sư nổi tiếng với các công trình nghiên cứu sức mạnh Mỹ từ Havard cho rằng, kiểm soát vũ khí tấn công mạng còn khó hơn nhiều so với việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, sinh học hay hóa học.

Từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, vũ khí hạt nhân vẫn nằm trong tay các cường quốc thế giới. Vũ khí tin học cũng được phát triển bởi Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và Iran là một trong những vấn đề phức tạp nhất, nhưng vẫn có thể được tìm thấy trong tay các nhóm tội phạm và thanh thiếu niên vốn chẳng liên quan gì đến các hiệp ước.

Hơn nữa việc truy tìm nguồn gốc các cuộc tấn công mạng khó hơn nhiều so với việc xác định quỹ đạo của một tên lửa. Chính ông Obama cũng thừa nhận điều này và do đó ảnh hưởng đến sự tự tin trong hành động ngăn chặn cũng như trả đũa.

Những nỗ lực trước đó của Washington để Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc gật đầu đồng ý giải quyết vấn đề tấn công mạng phần lớn đã thất bại.

Ông Obama đã dành phần lớn thời gian của hội nghị thượng đỉnh không chính thức với Tập Cận Bình ở Sunnylands, California năm 2013 để bàn về chuyện này. Tuy nhiên người Trung Quốc vẫn phủ nhận quân đội của họ tham gia vào các cuộc tấn công bằng internet.

Tháng trước, Cố vấn An ninh quốc gia của ông Obama, Susan E. Rice đã đến Trung Quốc gặp ông Tập Cận Bình và các quan chức khác nhằm gây áp lực, thậm chí cảnh báo rằng Mỹ sẽ có biện pháp trừng phạt kinh tế với Trung Quốc nếu Bắc Kinh không ngừng các cuộc tấn công mạng vào Hoa Kỳ.

Tuần trước, ông Mạnh Kiến Trụ – Trưởng ban Chính pháp trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã đến Hoa Kỳ gặp bà Rice và Giám đốc FBI Jame B. Comey để bàn tiếp về thỏa thuận trên để hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Obama có thể công bố vào Thứ Sáu này, tuy nhiên ngôn từ của nó vẫn rất mơ hồ.

Đối với Hoa Kỳ, các thỏa thuận hạn chế sử dụng vũ khí tin học, tấn công mạng cũng gây ra trở ngại cho chính họ. Bản thân Washington cũng đã chi hàng tỉ USD để phát triển vũ khí tin học. Ít nhất là trong cuộc tấn công mạng nổi tiếng nhằm vào cơ sở làm giàu nhiên liệu hạt nhân của Iran ở Natanz, Hoa Kỳ đã sử dụng chúng.

Lực lượng tác chiến tấn công mạng của Hoa Kỳ cũng lo lắng về sự hạn chế của bất kỳ quy tắc nào liên quan đến chiến tranh mạng. Người Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào Hoa Kỳ với công nghệ tương tự Hoa Kỳ, thường xuyên gây kinh ngạc cho Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo của Mỹ. Trong nhiệm kỳ của mình ông Obama rất ít khi nhắc đến vũ khí tin học, nhưng đã bắt đầu nói nhiều về nó trong những ngày gần đây.

RELATED ARTICLES

Tin mới