Trước khi xây dựng một trật tự kinh tế mới với các hiệp định thương mại, trước tiên các quy định của luật pháp quốc tế phải được thấm nhuần ở Biển Đông.
Nikkei Aisia Review ngày 21/9 bình luận, nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản trong việc tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh khu vực ở châu Á thông qua hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể bị cản trở bởi sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên tuyến đường hàng hải thương mại trọng yếu ở Biển Đông.
Khoảng 350 tàu đi que eo biển Malacca hàng ngày và một phần tư con số này thuộc sở hữu của các công ty Nhật Bản. Tuyến đường thương mại này rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất và cung cấp năng lượng cho châu Á.
Tuy nhiên ngay giữa tuyến đường hàng hải trọng yếu này là quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), nơi Trung Quốc đang bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp. 3 đường băng quân sự trên 3000 mét đã được Bắc Kinh xây dựng để chiếm quyền kiểm soát trên không cũng như trên mặt biển.
Hoạt động này của Trung Quốc sẽ làm suy yếu sự ổn định của tuyến thương mại hàng hải huyết mạch của nền kinh tế Nhật Bản. Các quốc gia Đông Nam Á cũng phải thiết lập chính sách dưới áp lực của Trung Quốc. Mỹ và Nhật Bản dẫn đầu những nỗ lực phát triển kinh tế ở châu Á có thể trở nên vô ích.
Trước khi xây dựng một trật tự kinh tế mới với các hiệp định thương mại, trước tiên các quy định của luật pháp quốc tế phải được thấm nhuần ở Biển Đông. Điều này có thể giải thích các quyết định của Mỹ liên quan đến Việt Nam và Malaysia mặc dù nền kinh tế 2 nước chưa thỏa mãn yêu cầu Washington đặt ra.
Hai nước tham gia TPP có chính sách thương mại tự do là Singapore và Brunei ở xung quanh Biển Đông để làm đối trọng với Trung Quốc, Philippines cũng nỗ lực tìm cách tham gia TPP. Khuôn khổ TPP được khái niệm hóa bởi Washington như một chiến lược địa chính trị khi Tổng thống Obama nhậm chức năm 2009.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tham gia thiết kế khuôn khổ TPP cho Nhà Trắng với mục đích cải thiện sự ổn định về quân sự, kinh tế phù hợp với chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ. Sau khi thiết kế khuôn khổ TPP được bàn giao cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ, nơi bị ảnh hưởng lớn bởi Quốc hội và vận động hành lang của các tập đoàn khác nhau như ô tô, nông nghiệp và dược phẩm.
Hội nghị thượng đỉnh Obama – Tập Cận Bình trong tuần này ít có cơ hội giải quyết vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng 12 nước thành viên tham gia đàm phán TO sẽ nhóm họp ngày 30/9 tại Atlanta, Hoa Kỳ được cho là “hy vọng cuối cùng” để đạt được một thỏa thuận chung về hiệp định năm nay.