Thursday, January 2, 2025
Trang chủBiển nóngÚc cần vạch ranh giới đỏ với Trung Quốc ở Biển Đông

Úc cần vạch ranh giới đỏ với Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 3/9/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrew trong chuyến thăm Ấn Độ có bài phát biểu tại hội thảo do Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng (IDSA) ở New Delhi tổ chức, tuyên bố quan ngại về các hoạt động xây dựng và bồi đắp đảo với quy mô lớn và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.



Bộ trưởng Quốc phòng Úc đồng thời cũng kêu gọi các bên thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng đạt được một bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).[1] Tuy nhiên, đây tiếp tục là phát biểu bày tỏ quan điểm và mới chỉ giới hạn ở tuyên bố, chưa đủ mạnh để có thể tác động làm xoay chuyển tình thế. Úc cần phải có hành động mạnh mẽ hơn.

Tại sao Úc cần phải có hành động mẽ hơn?

Thứ nhất,trong khi các nước lớn khác có lợi ích ở Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đang tích cực can dự, Úc vẫn theo đuổi chính sách ít chủ động can dự.[2] Lý do giải thích cho chủ trương này là mặc dù là một đồng minh thân cận của Mỹ nhưng Úc nghĩ là đang đứng trong thế “lưỡng nan” trên cán cân quyền lực khu vực. Úc xác định lợi ích trọng tâm gắn liền với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhưng vấn đề đặt ra với Úc là làm thế nào để cân bằng thế trận giữa hai ông lớn (Mỹ và Trung Quốc) để bảo vệ và mưu cầu lợi ích của mình. Các tuyên bố chính sách về Biển Đông của Úc cơ bản không thay đổi nhiều, chủ yếu là việc hối thúc các bên tuân thủ luật pháp, duy trì nguyên trạng và hoàn tất COC. Đây là sự tiếp nối của các chính quyền Thủ tướng Rudd và Gillard. Úc cho rằng tranh chấp Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, Úc không phải là bên tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nên không có yêu sách gì ở đây. Tại Shangri – La tháng 5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Andrew kêu gọi dừng các hoạt động cải tạo đảo, nhưng các tuyên bố của Úc dường như chưa phát huy được nhiều tác dụng. Tháng 6/2005, Úc tuyên bố điều máy bay trinh sát P – 3 đến Biển Đông để thực hiện quyền tự do hàng hải và ngăn chặn việc Trung Quốc kiểm soát lãnh thổ ở Biển Đông, theo đó kiểm soát đường vận tải biển nhưng chưa được triển khai trên thực tế.

Việc lựa chọn cách tiếp cận ít rủi ro nhất với việc duy trì vị trí trung lập và cho rằng không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông thể hiện sự né tránh và rụt rè của Úc trước các thách thức an ninh ở khu vực. Điều này trái ngược với những thập kỷ cuối thế kỷ 20 khi Úc luôn thể hiện sự sáng tạo, năng động trong việc tham gia giải quyết khủng hoảng khu vực, đưa ra các sáng kiến đóng góp thực chất vào quá trình giải quyết tranh chấp, thậm chí cả những tranh chấp mà Úc không có lợi ích trực tiếp về vật chất nhưng lúc đó, Úc nhận thức rằng những lợi ích tổng thể bị đe dọa.

Thứ hai và trong khi đó, Úc có lợi ích rõ ràng ở Biển Đông cần được bảo vệ. Về kinh tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc làm cho người dân Úc đứng trước nguy cơ mất nhiều việc làm do ngành chế tạo phải cạnh tranh gay gắt với hệ thống nhà xưởng giá rẻ của Trung Quốc. Ngành khai thác mỏ là trụ cột kinh tế của Úc nhưng đang đứng trước nguy cơ do sự vơ vét tài nguyên của Trung Quốc ở khắp nơi, v.v. Ở Biển Đông, việc Trung Quốc tăng cường mở rộng kiểm soát trên thực tế thông qua chiến thuật “cắt lát xúc xích” (hoặc còn gọi là “tằm ăn dâu”) gây cản trở đối với đường vận tải thương mại của Úc với 60% thương mại được vận chuyển qua khu vực này.[3] Ngoài ra, các thách thức truyền thống (như khủng hoảng giữa các bên yêu sách) và phi truyền thống (như cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia trên biển) ở Biển Đông đe dọa tới sự an toàn của đường vận tải thương mại của Úc.

Về cấu trúc an ninh khu vực, Úc có lợi ích lớn trong việc duy trì một trật tự do luật lệ dẫn dắt và đảm bảo rằng việc Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc phải tuân theo những quy tắc và luật lệ chung, đặc biệt là tự do hàng hải. Sau vụ tàu chiến Trung Quốc thách thức ba tàu chiến của Úc ở eo biển Đài Loan năm 2001, chưa có sự kiện lớn nào xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới Úc nhưng Úc cũng phải chuẩn bị cho khả năng vụ việc tương tự trong tương lai khi Trung Quốc mạnh lên. Bề ngoài, Trung Quốc nói là không bá quyền ở Châu Á nhưng Úc nên cân nhắc kỹ càng và tỉnh táo trước các tính toán chính trị chiến lược của Trung Quốc. Một khi trở nên mạnh hơn đến mức có thể lấn át Úc, mối lo ngại việc nước này sử dụng vũ lực và cưỡng ép với Úc hoàn toàn có thể xảy ra. Những gì đang diễn ra ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước ASEAN phản ánh rõ điều đó. Thậm chí với Nhật Bản, khi Nhật Bản còn là nền kinh tế thứ 2 thế giới, Trung Quốc ít có hành động khiêu khích, lấn lướt ở Hoa Đông như hiện nay.

Về an ninh, Trung Quốc tăng cường quân sự hóa, đặc biệt là các đảo đá ở Trường Sa, gây mất an ninh cho Úc. Theo quan điểm của Trung Quốc, việc Mỹ tăng cường chính sách “tái cân bằng” ở Châu Á là nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân sự và mở rộng kiểm soát ta phía nam Biển Đông để đối trọng và vô hiệu hóa các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực, bao gồm căn cứ Darwin ở Úc với 2.500 lính thủy quân lục chiến Mỹ đang đóng ở đây.[4] Việc Trung Quốc phát triển các căn cứ ở Trường Sa đang được bàn luận rộng rãi và với tốc độ quân sự hóa như hiện nay, đặc biệt là khi Trung Quốc có hệ thống tên lửa tầm xa, căn cứ quân sự ở Úc là mục tiêu và nằm trong phạm vi tầm ngắm.

Các lựa chọn chính sách?

Do đó, dù muốn hay không, căng thẳng ở Biển Đông do các hành động quyết đoán và bất ổn của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới Úc. Chính quyền tân Thủ tướng Malcolm Turnbull có thể xem xétáp dụng một số biện pháp, bao gồm:

Thứ nhất, Úc cần cộng tác chặt chẽ với các nước láng giềng ASEAN để thúc đẩy xây dựng trật tự khu vực nói chung và trên biển nói riêng.[5] Úc có thể đưa ra các sáng kiến nhằm ổn định tình hình tại các cơ chế và diễn đàn đa phương do ASEAN dẫn dắt. Tất cả các nước lớn khác như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đều đề cao vai trò của ASEAN trong kiến trúc an ninh khu vực nói chung và quản lý tranh chấp ở Biển Đông nói riêng. Úc có thể phối hợp, cộng tác an ninh biển với các nước để tạo áp lực, yêu cầu Trung Quốc nghiêm chỉnh thực hiện DOC và đàm phán thực chất để ký kết COC với ASEAN.

Thứ hai, Úc cần vạch ranh giới rõ ràng với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông: (i) Yêu cầu Trung Quốc phải giải thích rõ ý nghĩa của “đường lưỡi bò” và đưa ra yêu sách phù hợp với luật pháp quốc tế đương đại (UNCLOS); (ii) Tiếp tục tạo áp lực yêu cầu Trung Quốc phải dừng các hoạt động cải tạo, xây dựng và quân sự hóa ở Trường Sa, đặc biệt là việc điều máy bay, tàu chiến tuần tra khu vực 12 hải lý quanh các đảo đá Trung Quốc cải tạo ở Trường Sa. Tại Đối thoại Shangri – La ở Singapore tháng 5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews tuyên bố sẽ tiếp tục điều máy bay tuần tra ở khu vực tranh chấp ở Biển Đông.[6] Tuy nhiên, cho tới nay đây mới chỉ là tuyên bố. Chính quyền Thủ tướng Turnbull nên tránh dấu chân của các chính quyền trước đó chỉ đưa ra tuyên bố mà ít có hành động cụ thể triển khai các tuyên bố đó.

Thứ ba, Úc cần tăng cường quan hệ song phương, ba bên, bốn bên với các nước chủ chốt ở khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Việt Nam. Sự kiện Úc và Ấn Độ tổ chức tập trận hải quân lần đầu tiên ở Vịnh Bengal vào ngày 12/9/2015 thể hiện nỗ lực mở rộng hợp tác với các nước lớn trong khu vực. Cuộc tập trận sẽ được tổ chức 2 năm một lần, phối hợp các nội dung như nâng cao khả năng tác chiến trên biển, cứu hộ nhân đạo và chống thiên tai. Tuy nhiên, Úc cần tính đến việc phối hợp tập trận với các nước khác và diễn ra ở Biển Đông chứ không chỉ ở Vịnh Bengal và ngoài khơi các cảng biển của Úc.

Bên cạnh đó,chính quyền Thủ tướng Turnbull cần tính đến các phương án tăng cường năng lực cho các nước Đông Nam Á để chống lại chiến thuật sử dụng các lực lượng dân sự và bán quân sự số đông trong chiến thuật cưỡng ép của Trung Quốc.[7] Khi thiết lập được mạng lưới các quan hệ an ninh biển chiến lược, Trung Quốc sẽ ở vào thế bị bao vây và kiềm chế hơn. Úc có thể độc lập cộng tác với các nước ASEAN hoặc thông qua các dự án của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ trong việc đào tạo, tăng cường năng lực giám sát biển và cảnh sát biển của các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Úc cũng có thể thúc đẩy các sáng kiến hợp tác xanh để bảo vệ hệ sinh thái biển với các nước trong khu vực.

Tóm lại, dù không phải là một bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng căng thẳng ở Biển Đông bắt nguồn từ các hành động quyết đoán, cưỡng ép nhằm thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Úc. Sớm hay muộn, Úc sẽ phải đối mặt với những thách thức ngày một lớn hơn từ một Trung Quốc trỗi dậy khi nước này mạnh lên. Do đó, Úc cần phải mạnh dạn hành động, một mặt để bảo vệ lợi ích quốc gia, mặt khác thể hiện vai trò, vị thế và tiếng nói của một cường quốc tầm trung, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực./.

BDN

 


[1]http://www.reuters.com/article/2015/09/02/us-india-australia-idUSKCN0R20VG20150902

[2]http://www.businessspectator.com.au/article/2015/6/24/china/australia-needs-diplomatic-sea-change-south-china-sea

[3]http://www.theage.com.au/comment/high-stakes-for-australia-in-limiting-chinas-south-china-sea-incursions-20150521-gh6nwv.html

[4]http://www.bloomberg.com/news/articles/2015-08-27/australia-says-south-china-sea-tensions-may-threaten-interests

[5]http://www.theage.com.au/comment/a-bet-each-way-our-china-policy-is-rational-20150521-gh6dsv.html

[6]http://www.bloomberg.com/news/articles/2015-05-31/australia-to-continue-south-china-sea-surveillance-says-andrews

[7]http://www.aspistrategist.org.au/what-australia-should-do-in-the-south-china-sea/

RELATED ARTICLES

Tin mới