Công nhân lương ba cọc ba đồng – khổ! Nông dân được mùa thì mất giá, mất mùa thì đói – khổ! Nhưng xem ra chưa chắc đã khổ bằng ngư dân làm thuê với thu nhập thất thường mà lại phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy trên biển.
Ngày 11-9-2015, bốn tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trong vùng biển chồng lấn giữa Thái Lan và Việt Nam thì bị tàu cảnh sát biển Thái Lan xả súng bắn thẳng khiến một ngư dân tử vong và hai người khác bị thương. Hai ngày sau – theo tường thuật của phóng viên báo Thanh Niên – trong căn nhà xập xệ ở xóm kênh Trời Đánh, ấp Vĩnh Thành A, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang của anh Ngô Văn Sinh, ngư dân bị bắn chết, chị Phương, vợ anh kể trong nước mắt: anh Sinh vừa đi biển hai tháng, mới trở về được một tuần lại ra khơi, lần này mới đi được 10 ngày thì tai họa ập xuống. Trước đây anh Sinh làm cho một chủ tàu khác cũng ở Rạch Giá, khoảng hơn hai tháng trước tàu anh cùng những tàu khác đã bị những kẻ lạ mặt đi trên ca nô đuổi bắt rồi đòi chủ tàu phải trả tiền chuộc đến 3,2 tỉ đồng mới chịu thả tàu, thả người. Lần này thì anh ra đi vĩnh viễn. Chao Văn Sáng, cháu gọi anh Sinh bằng cậu và cùng đi biển với anh trong chuyến ngày 11-9, kể: những người xả súng thẳng vào ngư dân Việt Nam lần này cũng chính là những người đã bắt giữ tàu anh Sinh và Sáng cách đây hơn hai tháng. Hôm 11-9, sau loạt đạn bắn vào tàu anh Sinh, Sáng leo lên cabin tàu mình và nhìn qua tàu anh Sinh thấy “cậu bị bắn quá thảm. Toàn bộ hàm, khuôn mặt từ hốc mắt trở xuống của cậu Sinh đã bị bắn nát. Cánh tay trái cũng bị bắn gãy đôi…”. “Toàn bộ chi tiêu gia đình đều do anh Sinh cáng đáng. Bây giờ không biết mẹ con tôi sẽ phải sống thế nào đây”- chị Phương, có hai con, nói trong nước mắt.
Năm ngày sau tai họa xảy ra với ngư dân Kiên Giang, một tai họa khác lại đến với ngư dân Sóc Trăng: ngày 16-9, tàu cá BV 97799TS trong khi đang chạy vào bờ thì thì bị nổ bình gas, tàu chìm cách Côn Đảo 25 hải lý, cách Vũng Tàu 74 hải lý. Trên tàu lúc ấy có 18 thuyền viên. Ba thuyền viên sống sót và được cứu, số còn lại mất tích, mãi đến ngày 19-9 mới vớt được 11 thi thể thuyền viên và thêm một thi thể khác vào ngày hôm sau.
Đây chỉ là một tai nạn, nhưng gây thương vong lớn. Trong số nạn nhân tử vong có đến bảy ngư dân ngụ ở xóm nghèo ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Ấp có 697 hộ, 3.068 nhân khẩu, trong đó có 185 người làm nghề đi biển, đánh cá thuê cho các chủ tàu trong và ngoài tỉnh. Trong các bản tin trên báo in và báo mạng về việc đón các thi thể ngư dân bị nạn ở xã Mỏ Ó tràn ngập hình ảnh những người vợ, mẹ, em, con cái các nạn nhân, nước mắt đầm đìa, thân người xiêu vẹo vì đau đớn trong những căn nhà tuềnh toàng.
Những câu chuyện buồn về cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn và hiểm nguy rình rập trên biển và cuộc sống khốn khổ trên bờ của các gia đình ngư dân Việt Nam tương tự như hai câu chuyện vừa mới xảy ra chẳng phải là hiếm. Ngư dân Việt giờ không chỉ phải đối mặt với biển đen mênh mông, với bão tố mà còn phải đối mặt với bọn cướp biển, với lực lượng vũ trang hung hãn của nước ngoài trong khi ngư trường ngày càng bị thu hẹp do sự xâm lấn biển đảo của nước láng giềng Trung Quốc. Trong khi đó, từ năm 1997 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 20 về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Rồi 10 năm sau, với Nghị quyết số 09 ngày 9-2-2007 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) mới thông qua “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định mục tiêu tổng quát là đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước, đưa thu nhập bình quân đầu người nhân dân vùng biển cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước…
Mục tiêu là thế, nhưng những gì đạt được cho tới nay còn rất xa với mục tiêu khi nhìn vào cuộc sống đầy rẫy khó khăn của ngư dân và gia đình họ, vào phương tiện đánh bắt thô sơ và sự bơ vơ không được bảo vệ của ngư dân khi đánh bắt xa bờ. Chiến lược nào cũng cần tới con người thực hiện. Chiến lược biển sẽ ra sao khi lực lượng chủ chốt để thực hiện chiến lược là ngư dân đang phải sống cuộc sống khốn khổ như ta thấy?