Ông Tập bảo vệ những chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc trong cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi với báo Mỹ.
Trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên đường tới thăm chính thức nước Mỹ, tờ Wall Street Journal (WSJ) đăng nguyên văn bản dịch một bài trả lời phỏng vấn bằng văn bản mà ông Tập gửi cho tòa soạn này, đề cập đến những vấn đề dư luận đang rất quan tâm như quan hệ Mỹ-Trung, cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc, vấn đề kinh tế và chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Đây được coi là một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi và là lần đầu tiên ông trả lời phỏng vấn kể từ khi thị trường chứng khoán Trung Quốc lao đao hồi tháng 6.
Kêu gọi một mối quan hệ quốc tế mới
Bài phỏng vấn mở đầu bằng câu hỏi về lo ngài “Trung Quốc đang tìm cách sắp xếp lại cấu trúc quyền lực toàn cầu, đẩy nó rời xa Mỹ và hướng về Trung Quốc”, sau khi Bắc Kinh tích cực thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh mới với nhiều nước trên thế giới, trong đó đáng chú ý là sáng kiến Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á.
Ông Tập cho rằng “với những người nhìn xa trông rộng, khi bối cảnh toàn cầu thay đổi, việc cải cách và thay đổi hệ thống và cơ chế quyền lực toàn cầu là cần thiết”, nhưng ông cũng khẳng định “Trung Quốc chắc chắn không có ý làm vậy”, ám chỉ tới việc kéo quyền lực toàn cầu ra khỏi Washington, hướng về Bắc Kinh.
Ông còn dẫn một câu nói của người Trung Quốc “Khi mọi biện pháp đã hết, thay đổi là cần thiết; khi đã đổi thay, mọi thứ sẽ cải thiện” để chứng minh cho luận điểm rằng “dù là một quốc gia hay cả thế giới, việc thích ứng để bắt kịp với thời đại là cần thiết để duy trì sức mạnh”. Theo khía cạnh này, “cả Trung Quốc và Mỹ có chung lợi ích lớn, và cần hợp tác với nhau để cải thiện hệ thống quyền lực toàn cầu”.
Ông Tập kêu gọi tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc hợp tác cùng nước này “để xây dựng hình thức quan hệ quốc tế mới” nhằm hợp tác cùng có lợi, cải thiện trật tự quyền lực toàn cầu, và xây dựng một cộng đồng có chung tương lai của nhân loại.
Mỹ – Trung không bất đồng, chỉ khác biệt
Về mối quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng hiện nay vì một loạt vấn đề, từ hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cho tới các cáo buộc gián điệp mạng, ông Tập cho rằng giữa Mỹ và Trung Quốc không hề tồn tại bất đồng, mà chỉ là những “khác biệt”, cũng giống như “anh em một nhà có lúc còn không nhìn mặt nhau”.
Theo ông Tập, quan hệ Mỹ-Trung nên nhìn vào đại cục, và khi đó “những vấn đề thứ yếu sẽ không khó giải quyết”. Ông Tập nói rằng đại cục ở đây chính là thực tế Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, và lịch sử chứng minh hai nước sẽ có lợi khi hợp tác và bất lợi khi đối đầu.
Theo đó, với những “vấn đề thứ yếu”, hai nước “cần phải cùng nỗ lực để tìm giải pháp”, và với những vấn đề không giải quyết được trong thời gian trước mắt thì “cần phải kiểm soát theo hướng xây dựng, ngăn chặn leo thang, làm chệch hướng quan hệ hai nước”.
Khi nói đến hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ông Tập nhắc lại những luận điểm cũ của Bắc Kinh rằng việc Trung Quốc xây dựng trên một số đảo và bãi đá ngầm “không ảnh hưởng hay nhắm vào bất kỳ nước nào khác và không nên suy diễn thái quá”. Những cơ sở mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo và bãi đá này “nhằm cải thiện điều kiện sống và làm việc của nhân viên Trung Quốc trên đó”.
Về những cáo buộc Trung Quốc thực hiện các hành động gián điệp mạng, ăn cắp bí mật công nghệ của doanh nghiệp Mỹ, ông Tập nói rằng Trung Quốc cũng là nạn nhân của tin tặc, và tuyên bố đây là “những hành động tội phạm cần phải bị trừng phạt theo luật pháp và công ước quốc tế”.
Trước yêu cầu giải thích về ý đồ của Trung Quốc trong việc tăng cường các hành động quân sự và phô trương lực lượng khiến Mỹ và nhiều nước trong khu vực lo ngại, ông Tập nhắc lại quan điểm quân sự của nước này là “theo đuổi chính sách tự vệ” và không “tham gia các hình thức phiêu lưu quân sự”.
Ông Tập cũng nhắc lại tuyên bố mới đây, cắt giảm 300.000 binh sĩ quân đội nhằm “thể hiện quyết tâm duy trì hòa bình và phát triển của Trung Quốc”. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, số quân bị cắt giảm này chủ yếu là lục quân, trong khi quy mô hải quân và không quân, lực lượng có thể giúp Trung Quốc thể hiện sức mạnh quân sự ở phạm vi xa hơn trên toàn cầu, lại tăng lên.
Chủ tịch Trung Quốc “hy vọng xác định được nền tảng chung của hai nước” trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, “không ngừng bồi đắp lòng tin chiến lược hợp tác cùng các nước khác để xây dựng khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn”.
Biến động chứng khoán chỉ là cơn biển động
Dù kinh tế Trung Quốc vừa phải trải qua một mùa hè đầy biến động, ông Tập cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn thuộc hàng nhanh nhất thế giới, với tỉ lệ tăng trưởng 7%, mức được coi là phù hợp với mục tiêu tăng gấp đôi GDP so với năm 2010 và thu nhập bình quân đầu người tới năm 2020.
Theo ông, sự chao đảo vừa qua của thị trường chứng khoán và việc đồng nhân dân tệ mất giá liên tiếp là hậu quả của “sự phát triển thiếu cân bằng, thiếu điều phối và không bền vững”, nhưng “vấn đề đang được cải thiện” và sau đó, kinh tế Trung Quốc sẽ tự chuyển mình mà vẫn giữ động lực phát triển năng động.
Ông cho rằng những biến động vừa qua chỉ giống như một trận biển động với con tàu lớn, và điều quan trọng là “con tàu có đi đúng hướng, có đủ sức mạnh động cơ phù hợp và năng lượng để đi tiếp hay không”.
Ông khẳng định dù điều gì xảy ra, Trung Quốc vẫn quyết tâm cải cách sâu rộng trên mọi mặt trận, mở cửa nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Ông tỏ ra lạc quan rằng kinh tế Trung Quốc vẫn có khả năng duy trì mức tăng trưởng trung bình cao trong những năm tiếp theo, khi các nhà đầu tư “hiểu rõ quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc và đưa ra quyết định đúng đắn”.
Kiên trì “đả hổ, diệt ruồi”
Trước câu hỏi về khả năng “nới lỏng chiến dịch chống tham nhũng để phát triển kinh tế, khi nhiều doanh nhân than phiền rằng chiến dịch này đang ảnh hưởng đến công việc làm ăn của họ”, ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”, để đảm bảo sự trong sạch và khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông chia sẻ hai quan điểm mà ông đã thực hiện trong cuộc chiến này, đó là “quyền lực phải luôn được kiểm tra, giám sát có hệ thống” và “minh bạch là biện pháp phòng ngừa tham nhũng tốt nhất”. Ông sẽ tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng, nhưng chú trọng hơn vào xây dựng thể chế để các quan chức “không dám và không thể tham nhũng”, và quan trọng hơn là “không muốn tham nhũng”.
Trung Quốc đang rà soát lại các điều luật và quy định liên quan để thực sự “đưa quyền lực vào vòng kiểm soát hiệu quả hơn”, chẳng hạn như ngẫu nhiên kiểm tra, xác minh bản kê khai tài sản của các quan chức hàng năm. Không quan chức nào được coi là ngoại lệ trong các cuộc kiểm tra, xác minh này, và bất cứ ai bị phát hiện không trung thực sẽ bị trừng phạt.
Chủ tịch Tập cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không bao giờ kết thúc, và thái độ không dung thứ đối với tham nhũng sẽ không bao giờ thay đổi. Cuộc chiến này không làm ảnh hưởng tới nền kinh tế, mà ngược lại, còn góp phần xây dựng một chính phủ trong sạch, loại bỏ những vật cản của hoạt động thị trường, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh tốt hơn.
Để có được bài phỏng vấn này với ông Tập, WSJ đã phải gửi hàng chục câu hỏi được chuẩn bị bằng văn bản tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Sau khi các quan chức Bộ Ngoại giao “liên kết sự kiện và nghiên cứu câu trả lời”, ông Tập “chỉnh sửa và xem xét chúng”, CNN dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Theo đánh giá của CNN, những câu hỏi mà WSJ đưa ra trong bài phỏng vấn là “hóc búa”, và câu trả lời của ông Tập “hiếm khi lạc đề” mà vẫn “nhắc lại những quan điểm đã được chính phủ Trung Quốc đưa ra”.