Quá trình hơn 20 năm nhân dân Việt Nam chống chính sách can thiệp và xâm lược của đế quốc Mỹ cũng là quá trình đấu tranh bền bỉ, hết sức phức tạp chống những âm mưu và hành động khi kín đáo, lúc trắng trợn của những người cầm quyền Trung Quốc thoả hiệp và câu kết với đế quốc Mỹ nhằm kiềm chế và làm suy yếu cách mạng Việt Nam, hòng khuất phục Việt Nam, từng bước bành trướng ở Đông Dương và Đông Nam Châu Á.
Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình – hai nhà lãnh đạo Trung Quốc khăng khăng cho rằng cuộc chiến đấu thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam phải kéo dài vô hạn độ.
Trung Quốc đã thỏa hiệp và câu kết với Mỹ trong chiến tranh Việt Nam như thế nào?
- Thời kỳ 1954 – 1964: Ngăn cản Việt Nam thống nhất đất nước
Sau khi cùng với đế quốc thoả hiệp trong giải pháp Giơnevơ năm 1954, tạo được khu đệm an toàn ở phía nam, những người lãnh đạo Trung Quốc yên tâm thúc đẩy việc hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1953-1957), và từ năm 1958 đề ra kế hoạch “đại nhảy vọt” với tham vọng đuổi kịp và vượt một số cường quốc về kinh tế trong một thời gian ngắn và ra sức xây dựng lực lượng hạt nhân.
Về đối ngoại họ đi vào con đường hoà hoãn với đế quốc Mỹ, tiến hành những cuộc nói chuyện với Mỹ ở Giơnevơ từ tháng 8 năm 1955; đồng thời tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, nhất là ở Đông Nam châu Á và Nam Á.
Xuất phát từ đường lối đối nội, đối ngoại đó, những người cầm quyền Bắc Kinh đã hành động ngược lại lợi ích của nhân dân Việt Nam, phù hợp với lợi ích của đế quốc Mỹ ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.
- Gây sức ép để Việt Nam chấp nhận chủ trương “trường kỳ mai phục”
Đế quốc Mỹ và tay sai trắng trợn phá hoại việc tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam trong thời hạn hai năm như Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam đã quy định, đồng thời đàn áp cực kỳ tàn bạo phong trào yêu nước ở miền Nam Việt Nam.
Những người cầm quyền Bắc Kinh luôn luôn “thuyết phục” Việt Nam rằng công cuộc thống nhất là “một cuộc đấu tranh trường kỳ” và không thể thực hiện được bằng lực lượng vũ trang.
Tháng 11 năm 1956, Chủ tịch Mao Trạch Đông nói với những người lãnh đạo Việt Nam: “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ… nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm”.
Diễn biến thực tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ cuộc kháng chiến đó có lâu dài, nhưng không phải lâu dài vô hạn độ như Chủ tịch Mao Trạch Đông nói.
Tháng 7 năm 1955, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình doạ:
“Dùng lực lượng vũ trang để thống nhất nước nhà sẽ có hai khả năng: một là thắng và một khả năng nữa là mất cả miền bắc”.
Tháng 7 năm 1957, chủ tịch Mao Trạch Đông lại nói:
“Vấn đề là phải giữ biên giới hiện có. Phải giữ vĩ tuyến 17…Thời gian có lẽ dài đấy. Tôi mong thời gian dài thì sẽ tốt.”
Đó là một điều trái hẳn với Hiệp nghị Giơnevơ, vì theo Hiệp nghị này, vĩ tuyến 17 không phải là biên giới giữa hai quốc gia mà chỉ là giưói tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Việt Nam. Những người lãnh đạo Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh rằng ở miền Nam Việt Nam “chỉ có thể dùng phương châm thích hợp là trường kỳ mai phục, tích trữ lực lượng, liên hệ quần chúng, chờ đợi thời cơ”. Thực chất phương châm đó là gì?
Trong một cuộc trao đổi ý kiến với những người lãnh đạo Việt Nam, Ủy viên trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trương Văn Thiên cho rằng ở miền Nam Việt Nam có thể tiến hành đánh du kích. Nhưng sau đó, đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, theo chỉ thị của Bắc Kinh, đã thông báo với phía Việt Nam rằng đó không phải là ý kiến của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc mà chỉ là ý kiến cá nhân.
Như vậy, “trường kỳ mai phục” có nghĩa là nhân dân Việt Nam thủ tiêu đấu tranh cách mạng, để mặc cho Mỹ Diệm thả sức đàn áp nhân dân Việt Nam.
“Giữ vĩ tuyến 17”, “trường kỳ mai phục”, “tích trữ lực lượng”, “chờ đợi thời cơ”… đó chẳng qua là luận điệu quanh co nhằm che dấu ý đồ của Bắc Kinh muốn duy trì nguyên trạng chính trị ở Việt Nam, công nhận Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và nguỵ quyền Sài Gòn song song tồn tại. Ngày 22 tháng 7 năm 1954, khi ăn cơm với Ngô Đình Luyện, em ruột của Ngô Đình Diệm tại Giơnevơ, thủ tướng Chu Ân Lai đã gợi ý đặt một công sứ quán của Sài Gòn tại Bắc Kinh. Dù Ngô Đình Diệm đã bác bỏ gợi ý đó, nhưng đây là một bằng chứng rõ ràng là chỉ 24 giờ sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, những người lãnh đạo Bắc Kinh đã lộ rõ ý họ muốn chia cắt lâu dài nước Việt Nam.
Trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1959, với chính sách đàn áp phát xít, Mỹ Diệm đã giết hại hàng vạn người Việt Nam yêu nước, lùa hàng vạn nhân dân vào các trại tập trung trá hình, gây cho nhân dân Việt Nam những tổn thất to lớn so với bất kỳ thời gian nào khác trong cuộc chiến tranh cứu nước của mình. Nếu cứ để chúng tiếp tục giết hại những người Việt Nam yêu nước thì làm sao “tích trữ” được lực lượng, còn nhân dân đâu để : ” liên hệ quần chúng” và chờ đợi đến thời cơ nào? Theo cái đà đó thì nước Việt Nam sẽ mất độc lập và vĩnh viễn bị chia cắt.
Vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng miền Nam là tiếp tục đấu tranh chính trị hay kết hợp cả đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang?
Nhân dân Việt Nam kiên quyết đi theo đường lối độc lập, tự chủ của mình. Cuối năm 1959 đầu năm 1960, nhân dân trong những vùng rộng lớn thuộc đồng bằng Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ đã nhất tề “đồng khởi” kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, làm rung chuyển tận gốc chế độ tay sai Ngô Đình Diệm.
- Ngăn cản nhân dân Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh vũ trang ở miền Nam
Các cuộc đồng khởi, thực chất là những cuộc khởi nghĩa thừng phần đã nhanh chóng phát triển thành một cuộc chiến tranh cách mạng, vừa đấu tranh quân sự vừa đấu tranh chính trị chống lại “ chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Nhưng những người cầm quyền Trung Quốc đã không đồng tình với chủ trương đó của Việt Nam.
Tháng 5 năm 1960, hội đàm với phía Việt Nam, họ nói về miền Nam Việt Nam như sau:
“ Không nên nói đấu tranh chính trị hay đấu tranh quân sự là chính…Đấu tranh chính trị hay đấu tranh quân sự không phải là cướp chính quyền ngay, mà cuộc đấu tranh vẫn là trường kỳ… Dù Diệm có đổ cũng không thể thống nhất ngay được, vì đế quốc Mỹ không chịu để như vậy đâu…
Miền Bắc có thể ủng hộ về chính trị cho miền Nam, giúp miền Nam đề ra các chính sách nhưng chủ yếu là bồi dưỡng tinh thần tự lực cánh sinh cho anh em miền Nam…Khi ăn chắc, miền bắc có thể giúp quân sự cho miền Nam, nghĩa là khi hoàn toàn chắc chắn không xảy ra chuyện gì, có thể cung cấp một số vũ trang mà không cho ai biết. Nhưng nói chung là không giúp.”
Như vậy, khi không cản được nhân dân miền Nam Việt Nam “đồng khởi” thì họ cho rằng hình thức chiến đấu ở miền Nam là đánh du kích, đánh nhỏ từng đơn vị trung đội, đại đội.
Làm chủ vận mệnh của mình, nhân dân Việt Nam đã đưa cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam tiến lên vững mạnh. Cuối năm 1963, chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm sụp đổ, “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ phá sản hoàn toàn.
- Lôi kéo Việt Nam chống Liên Xô
Đầu những năm 1960, trong khi ngăn cản nhân dân Việt Nam đẩy mạnh chiến đấu chống Mỹ, những người lãnh đạo Bắc Kinh giơ cao cùng một lúc hai chiêu bài chống đế quốc Mỹ và chống Liên Xô, nhưng trên thực tế họ tiếp tục hoà hoãn với đế quốc Mỹ ở châu Á, đánh lạc hướng cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân thế giới để thực hiện mưu đồ chống Liên Xô, xoá bỏ hệ thống xã hội chủ nghĩa, nắm quyền “lãnh đạo cách mạng thế giới”, chuẩn bị tích cực cho việc hoà hoãn và câu kết với đế quốc Mỹ.
Trong những cuộc hội đàm với phía Việt Nam năm 1963, họ tìm cách thuyết phục Việt Nam chấp nhận quan điểm của họ là phủ nhận hệ thống xã hội chủ nghĩa và mở cho họ “một con đường” xuống Đông Nam châu Á. Cũng trong năm 1963, những người lãnh đạo Trung Quốc đưa ra cái gọi là Cương lĩnh 25 điểm về đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế và đề nghị triệu tập cái gọi là hội nghị 11 đảng cộng sản, thực tế là để nắm vai trò “lãnh đạo cách mạng thế giới” và lập một “Quốc tế cộng sản” mới do Bắc Kinh khống chế. Họ thiết tha yêu cầu Việt Nam đồng tình là cốt lợi dụng uy tín và vai trò của Việt Nam trong phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nhằm mục đích này, họ còn hứa hẹn viện trợ ồ ạt để lôi kéo Việt Nam. Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thông báo với lãnh đạo Việt Nam ý kiến của lãnh đạo Trung Quốc sẽ viên trợ 1 ti nhân dân tệ nếu Việt Nam khước từ mọi viện trợ của Liên Xô.
Phía Việt Nam đã khẳng định thái độ kiên quyết bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa, không tán thành việc họp hội nghị 11 đảng và không để những người lãnh đạo Bắc Kinh dùng đất nước Việt Nam làm bàn đạp cho mưu đồ bành trướng của họ. Do thái độ kiên quyết của phía Việt Nam, Cương lĩnh 25 điểm không gây được tiếng vang, âm mưu lập “Quốc tế cộng sản” mới cũng không thành.
Trong thời kỳ này, đối với cách mạng Lào, những người cầm quyền Trung Quốc cũng thi hành một chính sách giống như đối với Việt Nam. Họ cũng gây sức ép để lực lượng cách mạng Lào “ trường kỳ mai phục”. Khi Mỹ và tay sai lật đổ Chính phủ Lào liên hiệp, tiến hành “chiến tranh đặc biệt”, họ ngăn cản cách mạng Lào đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và mưu toan ép Đảng Nhân dân cách mạng Lào “sớm lập lại Chính phủ liên hiệp”, sợ rằng đốm lửa Sầm Nưa, Phongsalỳ có thể lan ra cả Việt Nam và miền Nam Trung Quốc.
Trong một cuộc hội đàm với phía Việt Nam tháng 8 năm 1961, khi đề cập đến vấn đề Lào, phía Trung Quốc nói:
“Cần hết sức tránh việc trực tiếp tham gia chiến tranh. Nếu Mỹ trực tiếp vào Lào thì miền bắc Việt Nam, Vân Nam, Quảng Tây sẽ xảy ra vấn đề gì? Cần tính đến việc phiêu lưu của Mỹ”.
Đối với việc giải quyết vấn đề Lào tại Giơnevơ năm 1961-1962, họ còn chủ trương chia nước Lào theo chiều ngang thành hai vùng: vùng giải phóng ở phía bắc, vùng do nguỵ quyền Viêng Chăn kiểm soát ở phía nam. Đó là một âm mưu thâm độc nhằm buộc lực lượng cách mạng Lào phải lệ thuộc vào Trung Quốc và cô lập cách mạng miền Nam Việt Nam.
Nhưng những nhà lãnh đạo cách mạng Lào kiên quyết giữ vững đường lối riêng của mình, lực lượng kháng chiến Lào ngày càng giành nhiều thắng lợi buộc đế quốc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp nghị Giơnevơ năm 1962 công nhận nền trung lập của Lào và nhận có đại biểu của Mặt trận Lào yêu nước trong Chính phủ liên hiệp thứ hai ở Lào.
(còn tiếp)
Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình – hai nhà lãnh đạo Trung Quốc khăng khăng cho rằng cuộc chiến đấu thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam phải kéo dài vô hạn độ.