Ngày 02/9/2015, Trung tâm nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) công bố kết quả điều tra, khảo sát quan điểm của 15.313 người dân ở 10 nước Châu Á – Thái Bình Dương về các nước trong khu vực từ ngày 6/4 – 27/5/2015.[1]
Kết quả cho thấy phần lớn số người được hỏi coi Trung Quốc là mối lo ngại (Philippines – 91%, Việt Nam – 83%, Nhật Bản – 83%, Hàn Quốc – 78%, Úc – 63%, Ấn Độ – 62%, Pakistan – 45%, Malaysia – 45% và Indonesia – 41%). Ngoài ra, 53% số người được hỏi ở chín nước (trừ Trung Quốc) lo ngại về việc Tập Cận Bình xử lý các vấn đề quốc tế, trong đó, 82% số người được hỏi là người Nhật Bản và 71% người Việt Nam (có độ tuổi từ 18 – 29) nghi ngờ về Tập Cận Bình.
Kết quả này xuất phát từ quan điểm công luận khu vực về “mối đe dọa Trung Quốc” do nước này thực hiện chính sách quyết đoán trong tranh chấp chủ quyền và yêu sách biển ở khu vực.Sau khi Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực,chính sách này được đẩy mạnh và triển khai theo hai hướng.
Hướng thứ nhất, Trung Quốc tiến hành các hoạt động nhằm thay đổi nguyên trạng trên thực địa ở bất cứ đâu có thể để mở rộng kiểm soát trong “đường lưỡi bò” nhưng không làm cho tình hình vượt qua tầm kiểm soát dẫn đến xung đột nóng. Tháng 4/2012, Trung Quốc va chạm với Philippines và sau đó phong tỏa Scarborough. Sau đó, Trung Quốc lại chuyển sự chú ý sang bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Tháng 3/2014, tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản tàu chở hàng của Philippines cung cấp nhu yếu phẩm cho đội quân đóng trên tàu mắc cạn ở đó. Tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hộ tống bởi đội tàu khổng lồ bao gồm cả tàu chiến. Trung Quốc còn điều tàu chiến và hải cảnh xâm nhập vào bãi cạn James gây ra căng thẳng với Malaysia và đảo Natuna với Indonesia. Từ cuối năm 2014, Trung Quốc tiến hành ồ ạt các dự án cải tạo ở bảy thực thể mà nước này chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, trong đó, cải tạo đảo ở đá Chữ Thập là đáng chú ý nhất vì đây là thực thể chìm dưới mặt nước trước khi cải tạo. Các máy nạo vét cát bơm cát từ dưới lòng biển lên và bồi đặp bãi đá thành vùng đất và xây dựng sân bay 3.000 mét phục vụ các hạng mục quân sự, v.v.
Malaysia và Indonesia trước đó gần như đứng ngoài cuộc nhưng các hành động quyết đoán của Trung Quốc cũng làm cho hai nước này lo lắng. Vốn kín tiếng và phù thịnh Trung Quốc nhưng Malaysia bất ngờ trước việc Trung Quốc điều tàu hải quân xâm nhập vào bãi cạn James. Trong khi đó, Indonesia trước đó coi mình là trung gian hòa giải vì không phải là một bên tranh chấp nhưng gần đây cũng lo ngại chủ quyền ở đảo Natuna bị phương hại. Yêu sách của Trung Quốc xung đột với học thuyết “trục hàng hải” của Indonesia.
Hướng thứ hai, Trung Quốc đồng thời tăng cường quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á để kéo họ vào vòng kiềm tỏa. Về đa phương, Trung Quốc đưa ra sáng kiến hợp tác như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (MSR). Ý đồ là vừa thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế và lãnh đạo khu vực, vừa tác động các nước ASEAN tính toán lại trong việc thách thức nước này ở Biển Đông, đồng thời có thể gây chia rẽ ASEAN. Chia rẽ ASEAN sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc ép giải quyết tranh chấp song phương, không phải là đa phương với cả khối ASEAN. Về song phương, Trung Quốc cố xoa dịu Việt Nam sau sự kiện HD 981 như gần đây nhất là việc mời và thuyết phục bằng được Tổng Bí thư Việt Nam sang thăm Bắc Kinh trước khi công du sang Mỹ. Với Philippines, Trung Quốc cũng bày tỏ rằng Manila cũng không nằm ngoài phạm vi Con đường tơ lụa trên biển…
Tuy nhiên, những động thái xoa dịu đó không phải là sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận của Trung Quốc mà chỉ là chỉ là chiến thuật tạm thời, vừa đấm vừa xoa, lúc cây gậy lúc củ cà rốt, và là nước cờ xưa cũ của Trung Quốc.
Từ năm 1994 – 1996, Trung Quốc hành xử quyết đoán ở Biển Đông (chiếm bãi Vành Khăn) và bắn tên lửa vào vùng biển gần Đài Loan, tạo nên “mối đe dọa Trung Quốc” ở khu vực. Để xua tan mối lo ngại này, Trung Quốc đã sử dụng tổng hợp các biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự nhằm thuyết phục các nước láng giềng ở Châu Á rằng Trung Quốc mạnh lên sẽ không đe dọa đến lợi ích của họ. Trung Quốc đưa ra “Khái niệm an ninh mới” dựa theo năm nguyên tắc chung sống hòa bình, mở ra thời kỳ “tấn công quyến rũ” với các nước láng giềng Đông Nam Á. Trung Quốc thực hiện “gác tranh chấp cùng khai thác”, ký Hiệp định khảo sát địa chấn 3 bên với Việt Nam và Philippines (JMSU – 2005), ký FTA với ASEAN năm 2002, v.v.
Nhưng, mọi thứ thay đổi khi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 xảy ra. Trong khi Mỹ và Châu Âu rơi vào suy thoái, gói kích thích 4 nghìn tỷ nhân dân tệ của Trung Quốc phát huy hiệu quả, các quan chức và nhà phân tích Trung Quốc cho rằng đang có sự thay đổi căn bản về cân bằng quyền lực toàn cầu, trong đó, cân bằng quyền lực khu vực đang chuyển dịch theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc chuyển sang chính sách quyết đoán, gây ra những bất ổn cho khu vực trong thời gian qua.
Như vậy, khảo sát của Pew có giá trị tham khảo, phản ánh dư luận chung ở khu vực: khi mạnh lên, Trung Quốc là mối đe dọa. Những diễn biến trên Biển Đông trong hai thập kỷ qua minh chứng rõ nét cho điều này. Cộng đồng khu vực, do đó, cần cảnh giác hơn nữa, cần tiếp tục đoàn kết hơn, tạo thành những liên minh, mạng lưới an ninh để đối phó hiệu quả với một Trung Quốc luôn gây bất ổn ở khu vực./.
BDN
[1]http://www.pewglobal.org/2015/09/02/how-asia-pacific-publics-see-each-other-and-their-national-leaders/