Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngTập Cận Bình ra vẻ rắn với Mỹ về Biển Đông để...

Tập Cận Bình ra vẻ rắn với Mỹ về Biển Đông để dọa Việt Nam, Philippines?

Tập Cận Bình – Obama có thỏa thuận đổi chác gì về Biển Đông hay không đang là mối quan tâm, lo ngại của khu vực. Nhà Trắng hãy chứng tỏ mình biết giữ lời.

South China Morning Post ngày 27/9 bình luận, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông bất chấp các cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tuần trước, nguồn tin quân sự Trung Quốc và giới quan sát cho biết.

Tập Cận Bình chỉ rung cây dọa khỉ hay mượn Mỹ để đe nẹt láng giềng?

Trong cuộc họp báo chung hôm Thứ Sáu 25/9 Obama cho biết ông đã nói rõ với Tập Cận Bình rằng, Mỹ phản đối các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo ở Biển Đông vì nó làm cho việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trở nên khó khăn hơn. Nhưng Tập Cận Bình đã “phủ đầu” bằng khẳng định cái gọi là “chủ quyền từ thời cổ đại” đối với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Các quốc gia Đông Nam Á ngày càng lo lắng về dự án bồi lấp, xây đảo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Trường Sa, một động thái chứng tỏ sức mạnh cơ bắp quân sự. Đặc biệt là sách trắng quốc phòng mới của Trung Quốc năm nay nói rằng hải quân của họ đã được chuyển đổi từ phòng ngự gần bờ sang “phòng ngự ngoài khơi”, “phòng ngự tích cực”.

Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh cần những đảo nhân tạo và đường băng quân sự ở Biển Đông để cung cấp hậu cần cho hải quân, không quân “vươn ra” châu Á – Thái Bình Dương. Bắc Kinh sẽ tiếp tục bồi lấp, xây dựng thêm khi thấy cần thiết.

Lương Quốc Lương, một nhà bình luận quân sự Hồng Kông nói với South China Morning Post, Tập Cận Bình tỏ ra có lập trường cứng rắn với Mỹ về vấn đề Biển Đông nhằm “bẻ gãy” hy vọng của các bên tranh chấp khác rằng ông ta sẽ nhượng bộ dưới áp lực của Hoa Kỳ.

Cục trưởng Cục An ninh quốc gia Đài Loan Lý Tường Trụ nói rằng, thông tin tình báo cho biết Tập Cận Bình đã đích thân duyệt kế hoạch bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) 5 trong số 7 bãi đá ở Trường Sa (Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1988, 1995 đến nay).

Cùng quan điểm này, nhà báo Philippines kỳ cựu Federico D. Pascual Jr, nguyên Tổng biên tập tờ Inquirer ngày 29/9 bình luận trên The Philstar, Trung Quốc (đúng hơn là Tập Cận Bình) tỏ thái độ cứng rắn vì bị kích động bởi áp lực chính trị và nó có thể trở nên khó khăn hơn cho các nước láng giềng nhỏ hơn Trung Quốc, như Philippines (và Việt Nam).

Ất Hiểu Quang, Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc kiểm tra một chiến hạm hải quân trước khi đi làm “nhiệm vụ ngoài biển xa”, ảnh: Tân Hoa Xã.

Mỹ nói lời hãy giữ lấy lời

Federico D. Pascual Jr cho biết, chính Hoa Kỳ đã tham mưu cho chính quyền Tổng thống Benigno Aquino III không đàm phán tay đôi với Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ trước đây bà Hillary Clinton và cả Tổng thống Barack Obama đã nói điều này trong các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao với lãnh đạo Philippines.

Hoa Kỳ mong muốn Philippines và các thành viên khác của ASEAN ra các tuyên bố tương tự, hình thành mặt trận chung chống lại (sự bành trướng của) Trung Quốc. Tổng thống Aquino đã quyết định lựa chọn con đường Mỹ vạch ra. Nhưng 10 nước thành viên ASEAN không thể đồng nhất được quan điểm với Trung Quốc về Biển Đông.

Federico D. Pascual Jr lưu ý, trong cuộc khủng hoảng Scarborouhg tháng 4/2012, chính Hoa Kỳ đã đứng ra làm môi giới để Philippines và Trung Quốc cùng rút tàu Cảnh sát biển khỏi Scarborouhg. Philippinese thật thà làm theo, nhưng người Trung Quốc đã ở lại và chiếm quyền kiểm soát đến ngày nay.

Vài lời bình luận: Không ai rõ trong cuộc gặp riêng tối 24/9 Obama và Tập Cận Bình đã bàn bạc những gì về Biển Đông. Dư luận chỉ thấy trong cuộc họp báo chung giữa 2 nhà lãnh đạo Trung – Mỹ thì ai nói người nấy nghe và kết thúc trong vui vẻ. Trên thực địa, đường băng quân sự phi pháp ở đá Chữ Thập đã hoàn thành và có thể đưa vào sử dụng thời gian tới, 2 đường băng khác cũng đang được gấp rút thi công.

Mỹ cam kết bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế, an ninh hàng không và hàng hải ở Biển Đông, nhưng mới chỉ là những phát biểu lấy lệ của Nhà Trắng trong khi Quốc hội và Lầu Năm Góc đang rất bức xúc trước hành vi leo lang của Trung Quốc. Nhà Trắng chưa cho phép có bất cứ hành động nào thực tế. Còn Tập Cận Bình thì đã công khai ra mặt thách thức dư luận.

Vị thế của Hoa Kỳ là siêu cường định hình trật tự quốc tế cũng như trật tự khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau Chiến tranh Thế giới II có giữ được hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào cách thức Mỹ xử lý khủng hoảng ở Biển Đông và ứng xử trước thái độ, hành vi bành trướng, lấn lướt của Trung Quốc.

Uy tín của Mỹ đã bị nhiều người đặt câu hỏi kể từ vụ “môi giới Scarborough”, cuộc gặp Tập Cận Bình – Obama có thỏa thuận đổi chác gì về Biển Đông hay không đang là mối quan tâm, lo ngại của khu vực. Nhà Trắng hãy chứng tỏ mình biết giữ lời bằng hành động, đừng để Trung Quốc xưng hùng xưng bá ở Biển Đông – PV.

RELATED ARTICLES

Tin mới