Trung Quốc ngày càng tỏ ra tham vọng khi âm thầm mà quyết liệt tìm cách bành trướng ra Biển Đông. Việc xúc tiến xây dựng các đảo chứa sân bay quân sự, đóng tàu sân bay, tăng cường vũ khí… dường như có thể khiến bộ quy tắc tránh đồi đầu trên không giữa Mỹ-Trung vừa ký kết dễ dàng bị phá vỡ.
Hải quân Trung Quốc đã có hành động đe dọa 4 chiếc F-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ trên quần đảo Kalayaan ở Biển Đông.
Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông
Trong cuộc gặp cấp cao ngày 25/9, Tổng thống Obama thẳng thừng bày tỏ những lập trường bất đồng sâu sắc với ông Tập Cận Bình về việc Trung Quốc đòi chủ quyền bành trướng ở Biển Đông, bằng hàng loạt động thái cải tạo bồi đắp đảo trái phép ở khu vực này.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình vẫn khăng khăng đáp lại một cách sai trái rằng Bắc Kinh có quyền tăng cường tuyên bố chủ quyền cũng như có quyền hợp pháp ở khu vực này. Bởi, ông Tập cho rằng vùng biển trên “thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ xưa”.
Từ những phát biểu theo kiểu “cãi chày cãi cối” này, giới chuyên gia quân sự cho rằng Bắc Kinh tỏ ra không bận tâm đến những phát biểu của người đứng đầu chính phủ Mỹ, thậm chí còn phớt lờ những quan ngại của Washington.
Tuần trước, trước thềm cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng đường băng dài 3 km ở Đá Chữ Thập, theo tạp chí quân sự IHS.
Trước đó, 2 đương băng khác cũng được Bắc Kinh xây xong ở Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn. Những bãi đá này thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm.
Cục trưởng Cục an ninh Đài Loan Lee Hsiang-chou cho biết, thông tin tình báo nói rằng 5 trong số 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng phi pháp được chính ông Tập chỉ đạo.
Ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo đảo trái phép trên Biển Đông. Ảnh: Washington Post
Trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã tạo ra khoảng 3.000 mẫu (12 km2) đất đai trên nhóm các đảo nhân tạo ở Biển Đông bằng cách bơm hàng nghìn tấn cát lên trên các rạn san hô và bãi đá.
Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã triển khai pháo, xây dựng đường băng, xây các tòa nhà và lắp đặt radar định vị cùng các thiết bị khác.
Tuần trước, tướng Philippines Hernando Iriberri nói với các nhà báo tại Manila rằng họ đang điều tra các báo cáo về việc Trung Quốc khai hoang thêm ba rạn san hô mới ở Biển Đông.
Chính quyền và quân đội Mỹ bất đồng
Các chỉ huy quân đội và những nghị sĩ cứng rắn trong quốc hội Mỹ muốn có hành động mạnh mẽ để phản đối Trung Quốc, bằng cách đưa tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo, làm rõ lập trường rằng Mỹ không chấp nhận việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở đó.
Máy bay trinh sát P-8. Ảnh:Boeing
“Chúng ta hạn chế tầm hoạt động của hải quân ngoài vùng 12 hải lý tính từ đảo nhân tạo của Trung Quốc. Đó là sai lầm nguy hiểm, bởi đó chính là sự công nhận trên thực tế tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo”, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ nói.
“Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng, họ đã và đang xây dựng đảo nhân tạo tại các rạn san hô và bãi đá”, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, hai tuần trước nói tại Hội nghị an ninh ASPEN.
Trong khi giới quân sự tỏ ra cứng rắn thì nội bộ Chính quyền Mỹ có phần bất đồng, nao núng.
Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc khi được hỏi về cuộc thảo luận nội bộ về phương án điều tàu vào trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc, ông lại ngần ngại trả lời. “Chúng tôi sẽ không thảo luận về các lịch trình cụ thể hoặc kế hoạch chi tiết”.
Hội đồng an ninh quốc gia cũng từ chối bình luận về các tranh chấp hoặc những phương hướng của Nhà Trắng.
Hoài nghi thỏa thuận tránh đối đầu trên không
Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc tránh đối đầu trên không trong chuyến thăm kéo dài 1 tuần của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ. Vậy nhưng, ngay lập tức,Thượng nghĩ sỹ Đảng Dân chủ Jack Reed thuộc Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ bày tỏ hoài nghi về thỏa thuận này.
“Những nỗ lực phía Mỹ tính cho đến nay có vẻ chưa ngăn chặn được những hoạt động bành chướng (cải tạo và bồi đắp đảo nhân tạo) tại Biển Đông”, ông Reed nhấn mạnh.
Lý do vị thượng nghị sĩ trên quan ngại vì chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ thì máy bay chiến đấu JH-7 của quân đội Trung Quốc đã “cắt mặt nguy hiểm” máy bay do thám RC-135 của Mỹ tại Hoàng Hải.
Còn học giả Richard Weitz đến từ Học viện Hudson, chuyên nghiên cứu về chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ, đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có tuân thủ nghiêm các thỏa thuận mới đạt không.
Ông Weitz còn lập luận rằng các máy bay do thám của Mỹ sẽ gặp phải vấn đề ở Biển Đông vì bộ quy tắc tránh đối đầu trên không chỉ kêu gọi một trong hai bên tránh can thiệp “vào khu cảnh báo” của bên kia. Trong khi đó, bộ quy tắc này còn chưa công nhận quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế.