Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự thật về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (Kỳ...

Sự thật về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc (Kỳ 10)

Hiệp định Paris đã làm thất bại ý đồ mua bán bẩn thỉu trên lưng nhân dân Việt Nam của Trung Quốc, Bắc Kinh xoay sang tìm mọi cách cản trở cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhằm đánh bại âm mưu phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ – Thiệu, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất nước nhà.Trung Quốc cản trở nhân dân Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam thời kỳ 1973 – 1975

Mao Trạch Đông và Pôn Pốt, ở giữa là Iêng Xary

Theo Hiệp định Paris về Việt Nam, Mỹ phải rút hết đội quân viễn chinh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, thừa nhận ở miền Nam Việt Nam có hai vùng, hai chính quyền, hai quân đội và ba lực lượng chính trị, và các bên Việt Nam cùng thành lập một Chính phủ liên hiệp ba thành phần ở miền Nam Việt Nam. Đó là thắng lợi của đường lối độc lập, tự chủ và cuộc chiến đấu ngoan cường của nhân dân Việt Nam, là thắng lợi của phong trào nhân dân thế giới đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Đó là thất bại của sự mua bán bẩn thỉu trên lưng nhân dân Việt Nam giữa chính quyền Níchxơn và những người lãnh đạo Trung Quốc thể hiện trong Thông cáo Thượng Hải.

Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam luôn luôn chủ trương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris và đòi Mỹ Thiệu cũng phải có thái độ như vậy.

Nhưng Mỹ Thiệu mưu toan phá hoại việc thi hành Hiệp định đó, chỉ muốn thi hành những điều khoản có lợi cho Mỹ. Đối với các điều khoản khác họ vi phạm ngay từ phút đầu. Lúc Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực cũng là lúc Mỹ Thiệu đưa hàng vạn quân có máy bay, trọng pháo và xe tăng yểm trợ đổ bộ lên Cửa Việt hòng chiếm lấy vùng giải phóng phía bắc tỉnh Quảng Trị. Sau đó quân ngụy liên tiếp tấn công trên khắp miền Nam Việt Nam, lấn chiếm nhiều vùng giải phóng do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam quản lý. Âm mưu của Mỹ ngụy là xoá bỏ tình hình thực tế có hai vùng, hai chính quyền, đặt lại toàn bộ miền Nam Việt Nam dưới ách thống trị thực dân kiểu mới, kéo dài chia cắt nước Việt Nam.

Những người lãnh đạo Trung Quốc tỏ vẻ hoan nghênh Hiệp định Paris về Việt Nam. Trên thực tế để thực hiện sự thoả thuận với Mỹ và tăng cường câu kết với Mỹ, đồng thời tiếp tục làm suy yếu hòng khuất phục Việt Nam, họ tìm mọi cách cản trở cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhằm đánh bại âm mưu phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ – Thiệu, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất nước nhà.

Kiềm chế cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống Mỹ-Thiệu phá hoại Hiệp định Paris

Trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh tháng 6 năm 1973, Chủ tịch Mao Trạch Đông nói với Tổng bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

“Ở miền Nam Việt Nam cần ngừng (chiến đấu) nửa năm, một năm, một năm rưỡi, hai năm càng tốt”. Cách mạng miền Nam nên “chia làm hai bước  . Gộp lại làm một, người Mỹ không chịu đâu. Vấn đề là trong tay chính quyền Nguyễn Văn Thiệu còn có mấy chục vạn quân”.

Và ông ta nhắc lại đến luận điểm “cái chổi” đã nói với phía Việt Nam trước đây.

 

Thủ tướng Chu Ân Lai thì nói:

“Trong một thời gian chưa có thể nói dứt khoát là 5 năm hay 10 năm, Việt Nam và Đông Dương nghỉ ngơi được thì càng tốt; tranh thủ thời gian đó mà nhân dân miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia thực hiện hoà bình, trung lập một thời gian”.

Để tỏ thiện chí với nhân dân Việt Nam, những người lãnh đạo Trung Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục viện trợ trong 5 năm với mức kim ngạch như năm 1973. Sự thật là khi đó họ đã ngừng hoàn toàn viện trợ về quân sự, còn về viện trợ kinh tế họ nhận chủ yếu phục hồi các cơ sở do Trung Quốc giúp trước đây và đã bị Mỹ đánh phá nhưng họ kéo dài việc thực hiện, có nơi không thực hiện.

Những người cầm quyền Trung Quốc thực chất muốn Việt Nam không làm gì cả, kể cả khi chính quyền Sài Gòn đưa quân lấn chiếm vùng giải phóng.

Đứng trước những hành động của quân nguỵ Sài Gòn lấn chiếm vùng giải phóng ngày càng tăng cường, tháng 10 năm 1973, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam buộc phải ra lệnh kiên quyết đánh trả. Gần một tháng sau đó, trong chuyến Kítxinhgiơ đi thăm Bắc Kinh, hai bên ra thông cáo thoả thuận là trong tình hình “đặc biệt nghiêm trọng hiện nay”, hai bên cần tiến hành liên hệ thường xuyên ở các cấp có thẩm quyền để trao đổi ý kiến về những vấn đề cùng quan tâm. Thực tế đó là sự phối hợp giữa những người cầm quyền Trung Quốc và Mỹ nhằm ngăn cản cuộc đấu tranh của các lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam.

Những người cầm quyền Bắc Kinh còn khuyên Mỹ “đừng thua ở Việt Nam, đừng rút lui khỏi Đông Nam châu Á”. (Theo tướng A. Hai-gơ, báo Mỹ Người hướng dẫn khoa học cơ đốc, ngày 20 tháng 6 năm 1979.)

Thâm độc hơn nữa, họ tìm cách lôi kéo nhiều tướng tá và quan chức nguỵ quyền Sài Gòn hợp tác với họ, thậm chí cho người thuyết phục tướng Dương Văn Minh, “tổng thống” vào những ngày cuối của chế độ Sài Gòn để tiếp tục chống lại cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và đan miền Nam Việt Nam.

Xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam, gây căng thẳng ở biên giới

Từ năm 1973, những người cầm quyền Trung Quốc tăng cường những hành động khiêu khích và lấn chiếm đất đai ở những tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam, nhằm làm yếu những cố gắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu trang giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đồng thời họ ngăn cản Việt Nam thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình để nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế. Ngày 26 tháng 12 năm 1973, phía Việt Nam đề nghị mở cuộc đàm phán để xác định chính thức đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ, nhằm sử dụng phần biển thuộc Việt Nam phục vụ công cuộc xây dựng đất nước.

Ngày 18 tháng 1 năm 1974 phía Trung Quốc trả lời chấp thuận đề nghị trên, nhưng họ đòi không được tiến hành việc thăm dò trong một khu vực rộng 20.000 km2 trong vịnh Bắc Bộ do họ tự ý định ra.

Họ còn đòi “không để một nước thứ ba vào thăm dò vịnh Bắc Bộ”, vì việc đưa nước thứ ba vào thăm dò “không có lợi cho sự phát triển kinh tế chung của hai nước và an ninh quân sự của hai nước”. Đó chỉ là một lý do để che đậy ý đồ đen tối của họ.

Cũng vì vậy cuộc đàm phán về đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1974 đã không đi đến kết quả tích cực nào. Cũng với thái độ trịch thượng nước lớn như vậy, họ làm bế tắc cuộc đàm phán về vấn đề biên giới trên bộ và trong vịnh Bắc Bộ bắt đầu từ tháng 10 năm 1977 nhằm mục đích tiếp tục xâm phạm biên giới, lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam để duy trì tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Trung.

Hơn nữa, ngày 19 tháng 1 năm 1974, tức là một ngày sau khi phía Trung Quốc nhận đàm phán với phía Việt Nam về vấn đề vịnh Bắc Bộ, họ sử dụng lực lượng hải quân và không quân tiến đánh quân nguỵ Sài Gòn và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ lâu vốn là bộ phận lãnh thổ Việt Nam. Họ nói là để tự vệ, nhưng thực chất đó là một hành động xâm lược, một sự xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam để khống chế Việt Nam từ mặt biển và từng bước thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Hành động xâm lược của họ có tính toán từ trước và được sự đồng tình của Mỹ. Vì vậy, khi đó đại sứ Mỹ G. Matin ở Sài Gòn đã bác bỏ yêu cầu cứu viện của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương đã được lệnh tránh xa quần đảo Hoàng Sa.

Trong cuộc hội đàm với những người lãnh đạo Việt Nam năm 1975, phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận rằng hai bên đều nói các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của mình, cho nên cần gặp gỡ để bàn bạc giải quyết. Điều đó càng chứng tỏ hành động của phía Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa là ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, gây ra một tình trạng việc đã rồi. (Về vấn đề biên giới, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các cuộc đàm phán về vịnh Bắc Bộ và biên giới, xin tham khảo bị vong lục của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 7 tháng 8 năm 1979 và ngày 27 tháng 9 năm 1979, và Sách trắng của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 28 tháng 9 năm 1979)

Biến Campuchia thành bàn đạp chuẩn bị tiến công Việt Nam

Sau Hiệp định Paris về Việt Nam, theo lệnh của Bắc Kinh, bè lũ Pôn Pốt-Iêng Xary thi hành một chính sách hai mặt đối với Việt Nam: vừa dựa vào Việt Nam vừa chống Việt Nam.

Chúng tỏ ra “hữu nghị” và “đoàn kết” với Việt Nam để tranh thủ sự giúp đỡ của Việt Nam, đặc biệt là khi chuẩn bị tấn công vào thủ đô Phnôm Pênh. Trong khuôn khổ sự thoả hiệp Trung Mỹ, những người cầm quyền Trung Quốc thực hiện sự thoả thuận không viện trợ quân sự cho cách mạng ba nước Đông Dương. Họ đã từ chối đề nghị của bè lũ Pôn Pốt Iêng Xary về tăng viện vũ khí tiến công bằng cách nhờ Việt Nam cho Pôn Pốt Iêng Xary vay rồi Trung Quốc sẽ thanh toán sau. Đây là một thủ đoạn của Bắc Kinh vừa lấy lòng bọn tay sai ở Campuchia, tránh va chạm với Mỹ, vừa gây thêm khó khăn cho Việt Nam trong lúc Việt Nam đang tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Mặt khác, bè lũ Pôn Pốt – Iêng Xary tìm mọi cách chống Việt Nam. Chúng vu cáo Việt Nam ký kết Hiệp định Paris là “phản bội Campuchia một lần nữa” để kích động hận thù dân tộc, gây tâm lý chống Việt Nam và kiếm cớ thanh trừng những người Campuchia không tán thành đường lối của chúng. Nhiều lần chúng tổ chức những vụ đánh phá, cướp bóc kho tàng, vũ khí, tiến công bệnh viện và nơi trú quân của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đặt trên đất Campuchia.

Bè lũ Pôn Pốt Iêng Xary, bằng những thủ đoạn rất thâm độc, kể cả việc thủ tiêu bí mật những cán bộ cách mạng chân chính, ra sức củng cố vị trí trong Đảng, nắm toàn bộ quyền lực để biến Đảng cộng sản Campuchia thành một đảng phụ thuộc Bắc Kinh.

Rõ ràng những người lãnh đạo Trung Quốc đã tiến thêm một bước trong âm mưu nắm trọn Campuchia dưới chế độ của bọn Pôn Pốt Iêng Xary, chuẩn bị bàn đạp tiến công Việt Nam từ phía tây nam sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng.

Mặc dù những người lãnh đạo Trung Quốc ra sức cản trở nhân dân Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, nhân dân Việt Nam vẫn kiên quyết đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao chống Mỹ Thiệu phá hoại Hiệp định Paris, tiến lên giành toàn thắng. Với cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam đã đánh sụp hoàn toàn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất nước nhà.

 Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trước đây, những người cầm quyền Bắc Kinh chỉ can thiệp vào giai đoạn chót nhằm áp đặt giải pháp của họ đối với nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Lào và nhân dân Campuchia.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lần này của nhân dân Việt Nam, họ can thiệp ngay từ đầu, tạo điều kiện cho đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh trên cả nước Việt Nam, ném bom cực kỳ man rợ miền bắc, lấy vấn đề Việt Nam để buôn bán với Mỹ, nhưng luôn luôn làm ra vẻ “triệt để cách mạng”, “tích cực” ủng hộ Việt Nam.

Đây là sự phản bội thứ hai của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới