Những kẻ cơ hội thường đánh hơi thấy sự yếu đuối của đối thủ, và khi họ biết rằng các hành động khiêu khích của mình không bị trả giá, họ sẽ leo thang.
Michael Auslin, một học giả thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ tại Washington DC ngày 7/10 bình luận trên The Wall Street Journal, việc Nga quyết định điều động lực lượng tham chiến ở Syria trong khi Trung Quốc ra sức leo thang bành trướng, quân sự hóa ở Biển Đông là nhằm lấp đầy khoảng trống quyền lực bởi sự vắng mặt của Hoa Kỳ.
Học giả Mỹ cho rằng, không quân của Putin đã cố tình nhằm vào mục tiêu phe nổi dậy Syria do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Trung Quốc đang tiếp tục bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp (mà Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp ở Trường Sa với các cảng biển, đường băng, hỏa lực phòng không, trận địa radar tên lửa, đó là những hành động leo thang.
Hoặc là chính quyền Obama phải phản ứng ngay với sự nguy hiểm của các cường quốc đang hung hăng phá hoại, tấn công trực tiếp lợi ích của Hoa Kỳ, hoặc Washington phải chấp nhận nguy cơ xói mòn vị thế cũng như ảnh hưởng của mình trong các điểm nóng quốc tế trước Moscow và Bắc Kinh.
Leo thang có nhiều hình thức. Trong những năm 1930, Hitler đã mon men đến các khu vực ở Trung Âu trong nhiều năm trước khi xâm lược Ba Lan. Người Nhật đánh Mãn Châu năm 1931 và toàn Trung Quốc năm 1937 trước khi quyết định tấn công khu vực Đông Nam Á và Trân Châu Cảng. Trong những năm 1990, al-Qaeda đã leo thang từ vụ đánh bom tàu hải quân Mỹ và các đại sứ quán để chuẩn bị cho ngày 11/9.
Những trường hợp này đều có điểm chung là các cường quốc đã thất bại trong việc ngăn chặn xâm lược, ngược lại còn kích thích đối thủ hành động liều lĩnh hơn. Chính quyền Obama đã an ủi bản thân bằng cách từ chối thừa nhận thực tế rằng, sự leo thang hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Mỹ. Thay vào đó Nhà Trắng chỉ coi các hành động của Nga ở Syria hay Trung Quốc ở Biển Đông là “phiền toái” và đối thoại là cần thiết hơn.
Tuần trước Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Obama muốn nghe Putin để xem có thể có chỗ nào hợp tác được trong khủng hoảng Syria hay không, trong khi phi công của Putin đang chuẩn bị không kích vào lực lượng đối lập Mỹ hậu thuẫn tại quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, Tập Cận Bình vẫn được mời một bữa quốc yến với 21 phát đại bác chào mừng trước đó sau khi Nhà Trắng thừa nhận tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp thông tin cá nhân của hàng triệu nhân viên chính phủ và công dân Mỹ. Những kẻ cơ hội thường đánh hơi thấy sự yếu đuối của đối thủ, và khi họ biết rằng các hành động khiêu khích của mình không bị trả giá, họ sẽ leo thang với các hành động rủi ro táo tợn hơn.
Chiến đấu cơ Nga chuẩn bị không kích tại Syria, ảnh AP. |
Không một nhà lãnh đạo nào của Hoa Kỳ có thể “toàn năng” trong chiến lược đối ngoại, nhưng sự thất bại chiến lược của Mỹ cho thấy rõ ràng thiếu vắng một ý thức, quyết tâm duy trì trật tự quốc tế đã tạo ra khoảng trống. Putin và Tập Cận Bình đã sẵn sàng nhanh chóng khỏa lấp khoảng trống này.
Ông Obama đang phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn. Hoặc ông có thể phải chấp nhận sự xói mòn hơn nữa trật tự toàn cầu trong các điểm nóng quan trọng, hoặc ông có thể hành động để củng cố sự ổn định. Việc không hành động của chính quyền Obama cho đến nay nhiều khả năng sẽ đảm bảo cho sự leo thang mạnh mẽ vẫn tiếp tục, Mỹ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực có nên can thiệp để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình hay không.
Mỗi thách thức đòi hỏi phải có một phản ứng linh hoạt.Hoa Kỳ đã để cho Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông trong khi hải quân Mỹ đang tự hạn chế hoạt động của mình trong phạm vi “giới hạn lãnh thổ hư cấu” của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Nếu Nga giúp Trung Quốc chiếm Biển Đông, Bắc Kinh sẽ đưa quân sang Syria”(GDVN) – Trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột quân sự ở Biển Đông, Bắc Kinh hy vọng sẽ nhận được hỗ trợ quân sự từ Moscow, tạo ra liên minh mới chống lại Hoa Kỳ |
Với những đảo nhân tạo đang quân sự hóa này, tình hình có thể nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát trong khi Hoa Kỳ vẫn đang ngồi trên băng ghế dự bị, còn các đồng minh đối tác thì nóng lòng muốn có sự can thiệp của Mỹ.
Còn ở Trung Đông, nếu để Nga tiêu diệt lực lượng đối lập Syria do Mỹ hậu thuẫn và vực dậy chính quyền Bashar al-Assad sẽ bán rẻ nốt uy tín còn lại của Hoa Kỳ ở khu vực và thúc đẩy Putin cũng như các đồng minh của Nga lấn tới. Giới chức Iraq đã và đang thúc giục Nga đưa quân sang nước này tấn công lực lượng khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo IS.
Có thể Putin sẽ kéo vũ khí hạt nhân đến Kaliningrad gần Ba Lan hoặc đến Crimea tạo ra những bóng ma chiến tranh hạt nhân chiến thuật bao phủ châu Âu hay lựa chọn một động thái quân sự trên vùng Baltic? Tập Cận Bình sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của Malaysia và xây dựng các căn cứ quân sự Trung Quốc gần quần đảo Natuna, áp sát eo biển Malacca?
Những khả năng này không phải điều xa vời nếu nhìn lại sự sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga hay các cuộc tấn công mạng trắng trợn từ Trung Quốc nhằm vào Mỹ. Các đối thủ của Hoa Kỳ đang tính toán nhằm vào sự do dự, thiếu quyết đoán của Mỹ thể hiện qua hành động của họ, họ sẽ không dừng lại cho đến khi Hoa Kỳ kháng cự.