Thông tin trên được tờ Want China Times (WCT) của Đài Loan (Trung Quốc) đăng tải hôm 11/10.
Ông Ngô Sĩ Tồn, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Nam Hải ở Hải Nam.
Theo đó, Trung Quốc đại lục đang tung tiền để mời học giả từ các nơi, kể cả từ Đài Loan, nghiên cứu vấn đề tranh chấp Biển Đông, nhằm đi theo hướng bảo vệ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Địa chỉ cụ thể của việc “bơm tiền” này là Đại học Nam Kinh (Nanjing University).
WCT chỉ ra rằng, với ngân quỹ được rót từ chính quyền trung ương, Đại học Nam Kinh đã thành lập một trung tâm nghiên cứu với mục đích để hợp tác đổi mới hoạt động nghiên cứu Biển Đông.
Ông Chu Phong (Zhu Feng), từng là giáo sư của Trường Đại học Bắc Kinh được phân công làm Giám đốc trung tâm trên, còn ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), người đứng đầu Viện Nghiên cứu Nam Hải ở Hải Nam, được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc.
Tới thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đã mời các học giả nước ngoài tham gia nghiên cứu về hồ sơ vụ kiện của Philippines tại Tòa án Trọng tài Quốc tế và Tòa án quốc tế về Luật biển đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông mà Manila cho là hết sức “quá đáng”.
Bên cạnh đó, các học giả nước ngoài cũng được “huy động” vào việc “xem xét” vấn đề tàu Hải quân Mỹ tiến vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp bất hợp pháp tại Trường Sa.
Cũng theo WCT, trung tâm trên đã lập ra 10 chương trình nghiên cứu với hy vọng sẽ chiêu dụ được các học giả nước ngoài để lấy được các phân tích của họ về vấn đề Biển Đông. Một trong những chương trình này có đưa ra đề xuất hợp tác với Đài Loan (Trung Quốc), bất chấp việc Đài Loan (Trung Quốc) cũng có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.
Ông Ngô Sĩ Tồn giải thích, việc hợp tác với học giả Đài Loan (Trung Quốc) sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng kết luận của những chuyên gia ở đây để củng cố lập luận của Bắc Kinh, do hai bên đều đòi chủ quyền rộng khắp và hầu như toàn bộ Biển Đông.