Saturday, December 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi Ấn Độ trực tiếp thách thức vị thế của TQ

Khi Ấn Độ trực tiếp thách thức vị thế của TQ

Các vùng biển giữa Ấn Độ Dương và quần đảo Trường Sa ở Biển Đông đang dần định hình trở thành các tiền tuyến của một cuộc chơi lớn mới mà sẽ lan rộng khắp châu Á-Thái Bình Dương. Cuộc chơi này là phức tạp hơn nhiều so với cuộc chơi giữa các đế chế Anh và Nga tranh giành kiểm soát ở Trung Á trong thế kỷ XIX.

Về cạnh tranh ảnh hưởng ở Pakistan, TQ là người chiến thắng rõ ràng. Động thái của Bắc Kinh tăng cường gắn kết với Islamabad đã gây quan ngại lớn nhất cho New Delhi. 

TQ tài trợ cho cảng Gwadar của Pakistan, thông qua đó Bắc Kinh muốn vận chuyển dầu và khí đốt từ biển Ả Rập và đi vào Tân Cương TQ. 

Cảng này có chi phí 1,16 tỷ đô la, nhưng TQ nhận lại một phần thưởng xứng đáng bằng việc ký một hợp đồng thuê quản lý trong 40 năm. 

Và đó chỉ là một phần rất nhỏ khi so với khoản đầu tư được ký gần đây trị giá 46 tỷ đô la vào một hành lang kinh tế gần 2.000 dặm mà sẽ liên kết Gwadar qua khu vực tranh chấp Kashmir đến TQ.

Hiện tại, hoạt động gắn kết hải quân của TQ với Pakistan đã tăng lên đáng kể, với việc hải quân TQ có thể đi xa cập bến đến tận Karachi. 

Theo một số báo cáo truyền thông, thậm chí còn có những kế hoạch TQ sẽ cung cấp các tàu khu trục và tàu chiến khác cho Pakistan trong những năm tới. 

Tất cả điều này mang lại cho TQ khả năng triển khai sức mạnh cứng trong các vùng ven biển Biển Ả Rập, nơi bao quanh các mỏ dầu và khí đốt dày đặc nhất trên thế giới.

Không chịu thua kém, Ấn Độ đã khởi động dự án cảng riêng của mình ở Iran như một phần trong chiến lược tiếp cận đến Afghanistan và Trung Á trong khi đi vòng bỏ qua Pakistan. 

Ký kết vào năm 2002, thỏa thuận Cảng Chabahar đã bị trì hoãn bởi các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran. Dẫu vậy, nhóm P5 + 1 hiện đã ký kết một thỏa thuận hạt nhân với Iran, nên dự án có thể tiến triển.

Ấn Độ còn chi 100 triệu đô la để xây dựng một con đường ở Afghanistan giúp liên kết đến cảng Chabahar. 

Modi gần đây đã ký một thỏa thuận trị giá 85 triệu đô la để thuê và chuyển đổi 02 bến tàu tại cảng Chabahar thành một bến container trước cuối năm 2016 và chính phủ nước này đã đề nghị đầu tư hơn 15 tỷ đô la tại Iran, bao gồm việc phát triển toàn diện Chabahar thành một cảng biển nước sâu lớn hơn, để đổi lại khí đốt giá rẻ hơn. 

Khi hệ thống Chabahar mở rộng đi vào hoạt động, Ấn Độ sẽ có đường để hút các trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào phía nam Iran và Trung Á, tách khỏi các thị trường khát năng lượng ở miền tây TQ.

Đến đấu tranh vì Sri Lanka

Dưới thời chính quyền trước đây, Ấn Độ đã nhượng lại ảnh hưởng tại Sri Lanka vào tay TQ vì TQ đã cung cấp cho chính phủ Sri Lanka lúc đó các khí tài quân sự và vỏ bọc ngoại giao giúp giành chiến thắng trong cuộc nội chiến kéo dài 25 năm chống lại lực lượng “Những con hổ Tamil”. 

Lúc đó Ấn Độ hay các nước phương Tây đều không sẵn lòng cung cấp nguồn tài trợ như vậy do lo ngại về các vi phạm nhân quyền.

Nhờ đó, TQ đã xây dựng cảng Hambantota ở miền nam Sri Lanka và khi giai đoạn 3 của việc xây dựng công trình hoàn thành trong năm nay, nó sẽ là cảng lớn nhất của Nam Á. TQ cũng đã khởi động xây dựng một dự án cảng trị giá 1,4 tỷ đô la gần Colombo. 

Thỏa thuận này sẽ kéo dài trong 99 năm và mang lại cho Bắc Kinh quyền hành đối với khu đất hơn 50 mẫu Anh. 

Năm 2014, Sri Lanka cấp cho TQ một đặc quyền tiếp cận, cho phép tàu ngầm của Bắc Kinh cập bến tại Bến container Nam Colombo – một cơ sở nước sâu do các công ty TQ xây dựng và quản lý.

Nhưng vào tháng 2 năm 2015, Tổng thống mới đắc cử của Sri Lanka là Maithripala Sirisena, với chiến dịch tập trung vào các cáo buộc tham nhũng trong đầu tư của TQ tại Sri Lanka, đã thay đổi đường hướng trên. Ông đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Ấn Độ, ký kết một loạt các thỏa thuận để tăng cường quan hệ chiến lược và kinh tế, bao gồm cả hợp tác hạt nhân dân sự.

Ông Sirisena nay đã trì hoãn dự án cảng Colombo, mặc dù Bắc Kinh đang sử dụng tất cả ảnh hưởng của mình để tái khởi động dự án. 

 
 

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đến Sri Lanka, Ấn Độ đã đồng ý tăng cường quan hệ chiến lược, kinh tế và quốc phòng với Sri Lanka. 

Ông Modi dành thêm mức tín dụng 318 triệu đô la cho Colombo để mở rộng ngành đường sắt và hai nước đã đạt thỏa thuận cùng nhau phát triển các ngành than, dầu khí của Sri Lanka và phát động một lực lượng đặc trách chung về kinh tế biển.

Thời gian cuộc chơi

Thay vì la hét khó chịu về các hoạt động tiệm tiến của TQ, Ấn Độ đã tập trung vào việc làm sống lại các mối quan hệ của mình ở Nam Á và mở rộng giao thiệp với các đối tác tiềm năng từ Vịnh Ba Tư đến Biển Đông. Đồng thời, Ấn Độ đã trực tiếp thách thức vị thế của TQ ở khu vực.

Phát biểu trước quốc hội Sri Lanka, ông Modi nói rằng tầm nhìn của ông về một “láng giềng lý tưởng” chính là một khu vực trong đó “thương mại, đầu tư, công nghệ, ý tưởng và người dân lưu thông một cách dễ dàng”. 

Biển Đông, hải quân, khí đốt, Ấn Độ Dương, Trường Sa, vũ khí
Mỹ, Ấn ký Tầm nhìn chiến lược chung. Ảnh: Politico

Tầm nhìn này phù hợp với những tham vọng riêng của Mỹ trong khu vực, được thể hiện trong “Tầm nhìn chiến lược chung Mỹ-Ấn Độ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương” ký kết hồi tháng 1 và sau đó là trong “Chiến lược hàng hải châu Á-Thái Bình Dương” của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ thừa nhận rằng những quốc gia nhỏ hơn mà đang tìm cách phát triển nền kinh tế của họ sẽ chấp nhận sự giúp đỡ của một TQ với tiềm lực vốn dồi dào mà Ấn Độ không thể sánh bằng. 

Điều này sẽ đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ mất một phần ảnh hưởng ở các nước đó, song những khoản đầu tư như vậy cũng sẽ hỗ trợ cho đại chiến lược của Ấn Độ bằng cách phát triển khu vực lân cận của Ấn Độ – một trong những khu vực ít hội nhập nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đem những thứ khác ra để bàn: sự chia sẻ về nền văn hóa và các giá trị với các nước láng giềng. Và đó là một tài sản mà TQ thiếu.

Các vùng biển giữa Ấn Độ Dương và quần đảo Trường Sa ở Biển Đông đang dần định hình trở thành các tiền tuyến của một cuộc chơi lớn mới mà sẽ lan rộng khắp châu Á-Thái Bình Dương. 

Cuộc chơi này là phức tạp hơn nhiều so với cuộc chơi giữa các đế chế Anh và Nga tranh giành kiểm soát ở Trung Á trong thế kỷ XIX. 

Các tiền tuyến đó sẽ không tách bạch rõ hay bất khả xâm phạm; thay vào đó, các tàu chiến sẽ hòa lẫn với các tàu vận tải chở hàng và tàu chở dầu khi các cường quốc tìm cách cân bằng nhau ở các tuyến đường biển. 

Những lợi ích tiềm năng trong cuộc chơi này sẽ lớn hơn nhiều, nhưng sự cạnh tranh sẽ rất khó để quản lý hơn.

TQ và Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh cứng mới nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của họ ở khu vực. 

Trong năm 2013 và 2014, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới; TQ là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba trong năm 2013 và lớn thứ tư hồi năm ngoái. 

Sự tăng cường đó phản ánh một xu hướng rộng hơn trong khu vực: 12 trong số 15 nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới nằm rải rác khắp khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Điều này không phải là để nhận định rằng 2 gã khổng lồ châu Á đang hướng đến xung đột không thể tránh khỏi.

Thật ra, sự cạnh tranh có tiềm năng sẽ hướng lái các lợi ích kinh tế đáng kể đến khu vực này khi mà các nước tiếp nhận được cơ sở hạ tầng với sự tài trợ của TQ và Ấn Độ. Kết quả là sự gia tăng kết nối và cơ sở hạ tầng thương mại cũng sẽ có lợi cho cả TQ và Ấn Độ.

Nhưng kết quả tính cực đó sẽ đòi hỏi cần có sự kiểm soát chủ động từ tất cả các bên và một cam kết bền vững đối với việc cân bằng các lợi ích cạnh tranh.

RELATED ARTICLES

Tin mới