Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóng"TQ phủ bóng lên quan hệ Việt Nam - Campuchia"

“TQ phủ bóng lên quan hệ Việt Nam – Campuchia”

“Hun Sen chắc chắn là không đối đầu với Việt Nam, dù cho là có Trung Quốc hậu thuẫn”, Ou Virak bình luận.

 

Tạp chí Nikkei Asian Review ngày 11/10 bình luận, một số sự cố trên biên giới Việt Nam – Campuchia thời gian vừa qua minh họa cho sự “tiến thoái lưỡng nan” của Campuchia, Phnom Penh đang gặp khó khăn trong việc “điều hướng mối quan hệ” với Việt Nam và Trung Quốc.

Căng thẳng gia tăng trên biên giới Tây Nam bắt đầu vào cuối tháng 6 năm nay khi một nhóm nhà lập pháp đối lập Campuchia CNRP xâm nhập bất hợp pháp sang tỉnh Long An, Việt Nam để “kiểm tra biên giới”. Người dân địa phương đã ngăn cản các hoạt động bất hợp pháp này.

Mặc dù hai nước đã nỗ lực tiến hành công tác phân giới cắm mốc trên bộ với mục tiêu hoàn thành trước năm 2018, nhưng vẫn còn 20% chiều dài đường biên giới chung trên bộ giữa 2 nước chưa được phân định. 

Phe đối lập CNRP của ông Sam Rainsy đã lợi dụng vấn đề biên giới lãnh thổ kích động người dân, tìm kiếm phiếu bầu, xúi giục các hoạt động kiểm tra biên giới bất hợp pháp và sử dụng nó để chống lại đảng CPP cầm quyền trong cuộc bầu cử năm 2013 khiến tiến trình hoạch định biên giới giữa hai nước chậm lại.

Tuy nhiên Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã phản ứng khá quyết liệt và kịp thời trong vấn đề biên giới, bác bỏ các chỉ trích (vô căn cứ) của phe đối lập bằng cách công khai các bản đồ đàm phán hoạch định biên giới, so sánh đối chiếu các nguồn khác nhau.

Trung Quốc “phủ bóng” lên quan hệ Việt Nam – Campuchia, tạo nguy cơ bất ổn ở Đông Nam Á

Nikkei Asian Review bình luận, bất chấp xu thế phát triển của quan hệ giao lưu hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Campuchia, Trung Quốc đang “phủ bóng” lên mối quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam trên Biển Đông, Trung Quốc cũng đang xúc tiến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Campuchia và phát triển quan hệ đồng minh với cả đảng cầm quyền CPP và phe đối lập CNRP.

Theo Nikkei Asian Review, trong khi cuộc bầu cử 2018 đang đến gần, cả Hun Sen và Sam Rainsy đều “gác sang một bên” những nỗ lực để cải thiện quan hệ với Việt Nam vì sợ mất đi nguồn hỗ trợ từ Trung Quốc.

Một nhà báo Campuchia nói với Nikkei Asian Review, hợp tác với Việt Nam là rất quan trọng, nhưng các lực lượng chính trị ở Campuchia đã ưu tiên lựa chọn Trung Quốc vì sự cần thiết nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng cũng như hậu thuẫn chính trị.

Nhà báo Campuchia này cho rằng, nguy cơ căng thẳng (trên biên giới Tây Nam) có thể trở thành nguồn gốc của sự bất ổn trong khu vực Đông Nam Á.

Trong thập kỷ qua Trung Quốc đã dần vươn lên trở thành nhà bảo trợ hàng đầu của Campuchia, cung cấp hàng trăm triệu USD trong các khoản vay, viện trợ không hoàn lại và đầu tư trực tiếp vào xây dựng đường giao thông, thủy điện và các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng khác.

Các nhà phân tích nói rằng, sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung Quốc mang lại cho Hun Sen 2 lợi ích chính: Thoát khỏi những đòi hỏi về cải thiện năng lực quản trị từ các nhà tài trợ phương Tây, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn tài trợ của Việt Nam.

Chheang Vannarith, một giảng viên về châu Á – Thái Bình Dương đại học Leeds cho rằng, Hun Sen đang tiến lại gần Trung Quốc, chuyển hướng hợp tác truyền thống từ Việt Nam sang Trung Quốc. Sự đổ vỡ của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 khi Campuchia là Chủ tịch luân phiên vì không thể ra tuyên bố chung do bất đồng trong vấn đề Biển Đông đã chứng minh sức mạnh chính trị Trung Quốc mới phát hiện được từ Campuchia.

Muốn hòa bình, ổn định, Campuchia nên hợp tác với Việt Nam

Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc bình luận trên Nikkei Asian Review ngày 30/7 vừa qua, Hun Sen sẽ không thể để vấn đề biên giới chia rẽ quan hệ Việt Nam – Campuchia. “Đối với Hun Sen, ông có thể tỏ vẻ với Việt Nam đến một điểm nhất định nào đó nhằm đập tan các luận điệu của phe đối lập”, giáo sư Thayer lưu ý.

Mặc dù Campuchia đã công khai ủng hộ quan điểm (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng nó sẽ không dẫn đến sự đổ vỡ nào đáng kể trong quan hệ với Việt Nam. Trong tháng 12/2013, Thủ tướng Hun Sen đã sang thăm chính thức Việt Nam, Nikkei Asian Review xem đây là một “cử chỉ hòa giải”.

Ou Virak, một học giả Campuchia sáng lập Diễn đàn Future nói với Nikkei Asia Review, Hun Sen có thể sử dụng một số ngôn từ kích thích chủ nghĩa dân tộc trong nước nhưng sẽ không gây nguy hiểm cho quan hệ Campuchia – Việt Nam. “Hun Sen chắc chắn là không đối đầu với Việt Nam, dù cho là có Trung Quốc hậu thuẫn”, Ou Virak bình luận.

Mặc dù chủ nghĩa dân túy đang hồi sinh trong nền chính trị Campuchia, Vannarith Chheang cho rằng, đa dạng hóa chiến lược và bảo hiểm rủi ro sẽ vẫn là mục tiêu chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Campuchia. Nguyên tắc chính là xây dựng mối quan hệ hữu nghị và tình bạn với tất cả các nước.

Mặt khác hợp tác kinh tế, thương mại hay an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Campuchia vẫn ổn định và phát triển. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia, chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan. Xu thế hợp tác vẫn đang phát triển. Thương mại song phương dự kiến sẽ tăng 52% trong năm nay, lên 5 tỉ USD và sẽ tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2020.

Việt Nam là nước đứng thứ 5 trong danh sách các nước đầu tư trực tiếp vào Campuchia. Tập đoàn Vinamilk sẽ đưa nhà mãy sữa đầu tiên của mình ở Campuchia vào hoạt động trong năm nay. Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã bắt đầu cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại Campuhcia từ năm 2009.

RELATED ARTICLES

Tin mới