Tuesday, November 19, 2024
Trang chủĐiểm tinHai con trai hiến gan cứu mạng sống bố mẹ

Hai con trai hiến gan cứu mạng sống bố mẹ

Hai lá gan từ hai người con trai được ghép thành công cho bố và mẹ của họ tại Bệnh viện Chợ Rẫy cuối tuần qua. 

Ca mổ ghép gan từ người hiến là con trai. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Tiến sĩ Phạm Hữu Thiện Chí, Phó Khoa Gan Mật Tụy Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ca phẫu thuật thứ nhất vào ngày 10/10 là bệnh nhân nữ 66 tuổi bị xơ gan giai đoạn cuối, nhiễm viêm gan siêu vi C. Khi nhập viện bệnh nhân còn được phát hiện có khối ung thư gan, bụng căng rất to cứ vài ngày phải chọc hút 4 lít nước. Nếu không ghép gan nhanh, bệnh nhân sẽ suy thận bất kỳ lúc nào, lúc đó khả năng ghép sống rất ít. Con trai đầu lòng của bà năm nay 37 tuổi đã tự nguyện hiến gan cứu mẹ.

Một ngày sau bệnh viện tiếp tục tiến hành ca phẫu thuật thứ hai cho nam bệnh nhân 60 tuổi ngụ Bến Tre. Người này được chẩn đoán ung thư gan, xơ gan nặng, nhiễm viêm gan siêu vi B. Người hiến gan là con trai đầu của ông năm nay 32 tuổi.

Trước khi mổ lấy gan, cả hai người con trai đều hơi thừa trọng lượng nên được các bác sĩ thiết kế chế độ ăn giảm cân song vẫn đảm bảo sức khỏe để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc phẫu thuật.

Theo bác sĩ Chí, mỗi ca ghép gan kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ. Trong quá trình ghép gan từ người cho còn sống, suốt cuộc mổ dù các bác sĩ tập trung hết sức để cứu người bệnh nhưng ưu tiên hàng đầu là phải chú ý an toàn của người cho gan. Hiện cả người cho và nhận gan đều đã tỉnh táo, đang nằm phòng cách ly để các bác sĩ hồi sức, theo dõi và chăm sóc nghiêm ngặt.

Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hai ca ghép gan này được phối hợp thực hiện bởi Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm ghép gan Bệnh viện Asan (Hàn Quốc). Từ năm 2012 đến nay, bệnh viện đã thực hiện 6 ca ghép gan, trong đó có 5 ca ghép gan từ người cho sống, một ca ghép gan từ người cho đã chết não. Nơi đây cũng đã phối hợp lấy đa tạng và chuyển khối tạng ghép (phổi, tim, gan) từ hai ca chết não để chuyển ra Hà Nội ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức, ra miền Trung ghép cho bệnh nhân Bệnh viện Trung ương Huế.

Trong số 4 ca đã ghép gan trước đây có ca đầu tiên bệnh nhân tử vong sau 2 tháng được ghép. 3 trường hợp còn lại đều hồi phục tốt, bệnh nhân đi làm và hòa nhập cuộc sống ổn định. Những người cho gan đều rất khỏe, không có biến chứng phẫu thuật.

“Gan của người cho có sự tái sinh và phát triển rất nhanh. Sau một năm thể gan tích gan lớn 80-95% so với thể tích ban đầu. Do đó việc cho gan không gây ảnh hưởng sức khỏe như mọi người lo ngại”, tiến sĩ Chí nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, ghép gan ở người cho sống phức tạp và khó khăn hơn đối với người cho chết não. Ca mổ phải đảm bảo người cho an toàn, có tiêu chuẩn chọn lựa khắt khe hơn với thể tích phần gan cho ghép. Tuy ghép gan từ người cho sống góp phần giải quyết gánh nặng cho người bệnh đang trong tình trạng khẩn cấp, đe dọa tử vong khi chưa có tạng hiến từ người cho chết, song ca mổ căng thẳng hơn rất nhiều.

Bệnh viện đang cố gắng thiết lập danh sách chờ hoàn chỉnh, tìm nguồn tạng hiến từ người hiến chết não để giúp ích nhiều hơn trong việc cứu người. Hiện bệnh viện hoàn thiện hơn kỹ thuật chuyển giao ghép gan, có kế hoạch triển khai ghép tim, tái thiết lập ghép giác mạc.

RELATED ARTICLES

Tin mới