Wednesday, April 24, 2024
Trang chủQuân sựTrung - Nhật lại gia tăng căng thẳng

Trung – Nhật lại gia tăng căng thẳng

Ngày 11/10, tờ Mainichi Shimbun cho biết, có thêm 2 công dân Nhật Bản bị bắt tại Trung Quốc do tình nghi làm gián điệp, đưa tổng số người Nhật Bản bị Bắc Kinh bắt giữ với cáo buộc hoạt động gián điệp lên con số 4.

Các tàu Hải quân Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương sẵn sàng đến Biển Đông bất kỳ lúc nào

Trước đó (30/9), 2 người đàn ông Nhật Bản đã bị bắt giữ tại Trung Quốc với cáo buộc làm gián điệp. Động thái này diễn ra khi Nhật Bản phản đối UNESCO (10/10) trong quyết định phong tặng những tài liệu liên quan đến vụ thảm sát Nam Kinh là Di sản tư liệu thế giới (còn gọi là Chương trình ký ức thế giới của UNESCO).

Trong khi đó, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ thăm Tokyo trong tuần này, gặp Cố vấn an ninh quốc gia Shotaro Yachi để chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo 3 nước Nhật – Trung – Hàn, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này.

Ngày 5/10, tờ Asia Nikkei Review đưa tin, mặc dù có ý định cải thiện quan hệ với Nhật Bản, nhưng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải chịu áp lực mạnh từ giới chức cấp cao trong lập trường chống Tokyo.

Giới phân tích cho rằng, chiến lược “xoay trục” của Mỹ đã mang lại cơ hội cho Tokyo trong việc thúc đẩy luật an ninh mới. Và mục đích chủ yếu của chiến lược này là nhằm vào Trung Quốc, do đó Nhật Bản đương nhiên phải chịu áp lực từ Bắc Kinh. Cũng theo giới phân tích, việc Trung Quốc khởi xướng thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) và sáng kiến “Con đường tơ lụa thế kỷ XXI” (OBOR), được coi là 2 gọng kìm trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh nhằm đối trọng với chiến lược “xoay trục” của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương.

Trước đó (7/10), khi bình luận trên tờ The Wall Street Journal, học giả Michael Auslin đến từ Viện Doanh nghiệp Mỹ tại Washington DC cho rằng, việc Nga điều lực lượng tham chiến ở Syria trong khi Trung Quốc ra sức leo thang bành trướng, quân sự hóa ở Biển Đông là nhằm lấp đầy khoảng trống quyền lực bởi sự vắng mặt của Mỹ.

Ngày 9/10, lãnh đạo đảng Dân Tiến Đài Loan (DPP), đồng thời là ứng cử viên thay thế nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu, là bà Thái Anh Văn cho biết, đã tới trụ sở Văn phòng Nội các Nhật Bản và gặp các bộ trưởng nước chủ nhà. Đây là lần đầu tiên một ứng viên lãnh đạo Đài Loan có chuyến công du như vậy tới Nhật Bản.

Cũng trong ngày 9/10, Tân hoa xã dẫn một nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng, cung và cầu nguyên liệu hạt nhân dự trữ của Nhật Bản hiện không cân bằng, gây ra những quan ngại về an toàn có thể ảnh hưởng tới thế giới. Bởi Tokyo đang tích lũy ngày càng nhiều nguyên liệu có thể phân tách cấp độ vũ khí, đặc biệt là plutoni đã phân tách, và việc này sẽ khiến các nước láng giềng rơi vào tình thế nguy hiểm. Được biết, Nhật Bản đang sở hữu 47,8 tấn plutoni đã phân tách, trong đó có 10,8 tấn được lưu trữ ở trong nước, đủ để sản xuất 1.350 đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, Tokyo còn ở hữu 1,2 tấn urani làm giàu cấp độ cao dành cho các lò phản ứng. 

Cùng ngày 9/10, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) thông báo, 2 tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp Sensaku/Điếu Ngư. Đây là vụ xâm nhập thứ 28 của tàu Trung Quốc trong năm nay. Tờ The National Interest vừa cho biết, Nhật Bản sẽ sở hữu 4 máy bay cảnh báo sớm Grumman E-2D Advanced Hawkeye, khắc tinh của chiến đấu cơ tàng hình Trung Quốc.

Trước đó (6/10), bên lề hội chợ triển lãm hàng hải tại Sydney, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản Masaki Ishikawa cho biết, Tokyo sẵn sàng chấp nhận các điều kiện để đóng toàn bộ số tàu ngầm bán cho Australia. Được biết, tập đoàn công nghiệp đóng tàu chiến của Pháp DCNS và Thyssenkrupp Marine System của Đức đang chạy đua ráo riết với Nhật Bản để giành bản hợp đồng trị giá 35 tỉ AUD (tiền Australia). Đại sứ Nhật Bản tại Australia Sumio Kusaka từng xác nhận, Tokyo sẵn sàng chế tạo tàu ngầm thế hệ mới cho Hải quân Australia ngay tại Australia nếu Nhật Bản giành được bản hợp đồng kể trên.

Giới truyền thông cho biết, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã lấy tên Illinois (bang quê nhà của bà) để đặt tên cho chiếc tàu ngầm của Hải quân Mỹ tại xưởng đóng tàu ở Connecticut. Chiếc tàu ngầm được bà Michelle Obama đặt tên thánh trị giá 2,7 tỉ USD và là chiếc thứ 13 thuộc lớp Virginia, thực hiện đa sứ mệnh, bao gồm tấn công chống ngầm, vận chuyển lực lượng đặc nhiệm và do thám. Trước đó (2-10), tàu khu trục tên lửa USS Benfold của Hải quân Mỹ đã rời San Diego để tới căn cứ Hải quân Yokosuka tại Nhật Bản, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mở rộng tầm với ra bên ngoài.

Ngày 10/10, tờ The Strait Times đưa tin, Mỹ đã quyết định tăng viện trợ (100 triệu USD) cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển của 4 nước ven Biển Đông. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ William Brownfield cho biết, khoản tiền này được sử dụng để cung cấp cho lực lượng tuần duyên thực thi pháp luật trên biển của khu vực các trang thiết bị tuần tra, cải thiện năng lực giám sát và truyền thông của họ.

Trước đó (7/10), tờ Tin tức tham khảo Trung Quốc dẫn tuyên bố của ông Ruppert Hammon-Chambers, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Mỹ – Đài Bắc tiết lộ, trước thềm lễ Giáng sinh cho đến cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan vào năm tới, Tổng thống Barack Obama có thể thông báo với Quốc hội Mỹ về việc bán vũ khí cho Đài Loan. Và đây sẽ là lần cuối cùng bán vũ khí cho Đài Loan trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Barack Obama, với kim ngạch dự tính không quá 2 tỉ USD.

RELATED ARTICLES

Tin mới