Hệ thống tác chiến điện tử tối tân có thể giúp Nga bịt mắt thiết bị do thám của Mỹ và đồng minh, đồng thời khiến họ có các biện pháp đối phó, biến Syria thành mặt trận vờn nhau giữa hai thế lực.
Sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria đã tăng đều trong vài tuần qua. Máy bay chiến đấu nước này hàng ngày oanh tạc các vị trí của Nhà nước Hồi giáo (IS). Tàu chiến Nga tuần trước phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu tương tự. Không chỉ có vậy, Nga được cho là đã triển khai hệ thống tác chiến điện tử hiện đại nhất đến Syria – Krasukha-4.
Truyền thông Nga đã chỉ ra sự xuất hiện của thiết bị này tại Syria qua một đoạn video trên mạng tin tức Zvezda. Đoạn video chiếu cảnh một chiếc Su-25 hạ cánh tại một sân bay ở Syria, có thể nhìn thấy hệ thống thiết bị anten ở đằng sau. Đây dường như là hệ thống Krasukha-4, cổng thông tinlenta.ru nhận xét.
Video cho thấy Krasukha-4 xuất hiện trên chiến trường Syria
Krasukha-4 là hệ thống gây nhiễu băng thông rộng đa năng, được thiết kế để vô hiệu hóa vệ tinh do thám quỹ đạo thấp (LEO), ví dụ như Lacrosse/Onyx của Mỹ, radar giám sát trên không và vũ khí do radar dẫn đường, với phạm vi hoạt động từ 150 km tới 300 km.
Tác chiến điện tử
Theo CNN, tác chiến điện tử là phương thức tác chiến nhằm loại trừ, ngăn cản hoặc làm giảm hiệu quả các hệ thống chỉ huy, khả năng điều khiển vũ khí bằng phương tiện điện tử của đối phương, trong khi bảo đảm ổn định tối đa cho hoạt động của các hệ thống đó ở phe mình.
Tác chiến điện tử bắt đầu phát triển vào thời Thế chiến II bởi Anh, để phòng vệ trước các cuộc tấn công của phe Trục và bảo vệ máy bay ném bom của phe Đồng minh trước hệ thống giám sát của đối phương. Kể từ đó, đã có những đột phá công nghệ lớn và hiện tác chiến điện tử được công nhận là một yếu tố chiến đấu chính của các lực lượng trên toàn thế giới.
Mỹ, Nga và châu Âu đã đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm vào nghiên cứu và phát triển để trở thành bên xuất sắc nhất trong nghệ thuật quân sự này. Trong khi đó, các nước châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc, cũng xem chiến tranh điện tử là lĩnh vực quan trọng để nghiên cứu và phát triển.
Trong các cuộc xung đột từ sau Thế chiến II, tác chiến điện tử đã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cuộc xung đột lớn như chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, Arab- Israel, Balkan, Afghanistan và khủng hoảng Ukraine. Chúng được tích cực triển khai trước khi giao tranh gay gắt bắt đầu, nhằm ngăn chặn đối phương tình báo và sử dụng các hệ thống vũ khí.
Ngay từ khi mùa xuân Arab bắt đầu, các nước NATO, dẫn đầu là Mỹ, đã tích cực thu thập thông tin tình báo từ các nước có thiết bị tác chiến điện tử, trong đó có vệ tinh giám sát quỹ đạo thấp (Lacrosse/Onyx), máy bay trinh sát (NATO E3 Sentry, USAF RC135-Rivet Joint, RAF’s Sentinel R1) và máy bay không người lái Reaper. Họ chia sẻ thông tin tình báo với phe họ hỗ trợ trong cuộc xung đột.
Kể từ khi IS chiếm đóng nhiều vùng đất ở Iraq và Syria, hệ thống tác chiến điện tử của NATO đã nhắm mục tiêu vào các đơn vị của IS. Họ thu thập thông tin tình báo, đồng thời chặn thông tin giám sát và liên lạc của nhóm này – làm “mù” chúng bằng thiết bị điện tử.
Sau đó, họ chia sẻ thông tin tình báo thu được với các lực lượng ôn hòa, trong đó có phiến quân chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Khi can thiệp vào Syria, Nga nhận thức được rằng thiết bị của NATO có thể giám sát tất cả hoạt động của máy bay quân sự Nga tại Syria, và cả các phiến quân nước này nhắm đến, cùng địa điểm và các loại vũ khí Moscow sử dụng. Mỹ và đồng minh đang hỗ trợ trực tiếp một số phiến quân tại Syria, điều có thể đẩy Nga vào xung đột chính trị trực tiếp với NATO.
Để tránh bị do thám, Nga cần phải “bịt mắt” và “bịt tai” các thiết bị do thám và thu thập thông tin tình báo của NATO, để khiến hoạt động của họ không bị theo dõi.
Mèo vờn chuột
Vậy Krasukha-4 có thể che giấu hoạt động của Nga tại Syria hiệu quả đến mức nào? Hệ thống này không chỉ có thể theo dõi chuyển động máy bay NATO qua Syria mà còn nhận diện được cả loại máy bay. Từ dữ liệu tình báo, nó sẽ có thể xác định được tần số và đặc điểm tín hiệu, chẳng hạn như vệ tinh Lacrosse và AWACS hoạt động ở băng tần S, Sentinel ở băng tần X, và máy bay do thám tại băng tần J.
Với những thông tin tình báo này, Krasukha-4 có thể được lập trình để chặn hoặc làm gián đoạn việc thu thập tình báo của NATO. Theo CNN, vị trí vệ tinh Lacrosse/Onyx của Mỹ liên tục bị Nga theo dấu.
Nhưng thế trận không chỉ nghiêng về một phía. Mỹ và NATO sẽ có “biện pháp đối phó can thiệp điện tử” (ECCM) để chống lại hệ thống của Nga. Do đó, trò mèo vờn chuột trong thời Chiến tranh Lạnh được lặp lại. Có thể hai bên sẽ phải chịu gián đoạn trong khi thu thập thông tin tình báo và sử dụng vũ khí do radar dẫn đường, nhưng những hoạt động này vẫn sẽ được tiếp tục.
ECCM bao gồm chuyển tần số nhanh chóng, né tránh các tín hiệu gây nhiễu hoặc điều chỉnh hướng anten thu chệch khỏi nguồn gây nhiễu. Ngoài ra còn có rất nhiều thủ thuật trong việc xử lý tín hiệu để giảm thiểu ảnh hưởng gây nhiễu của đối phương.
Một trong những kỹ thuật ECCM là “nhảy tần”, tức là chuyển đổi tần số nhanh chóng, khiến thiết bị gây nhiễu của đối phương không bắt kịp tần số. Ảnh minh họa:Youtube |
Tất nhiên, NATO cũng có thể gây nhiễu radar giám sát của Nga, khiến Nga không thể xác định được loại và vị trí của máy bay NATO. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ làm bùng lên khẩu chiến giữa hai bên. NATO phải chấp nhận rằng hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 là một phần thiết yếu trong hàng phòng ngự của quân đội Nga tại sân bay Latakia ở Syria.
Quân đội Nga từ lâu đã coi “tác chiến vô tuyến điện tử” là một phần không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại và vì vậy, nước này sản xuất một loạt vũ khí tương đối rẻ, có khả năng làm tê liệt khả năng phát hiện, liên lạc, chỉ huy và kiểm soát tại chiến trường.
Với cuộc xung đột Syria, Nga hiện có thể kiểm tra các hệ thống mới của mình trong môi trường chiến đấu thực mà lại tránh xung đột trực tiếp với NATO. Điều đó sẽ nâng cao triển vọng doanh số xuất khẩu của hệ thống Krasukha-4. Trong khi đó, NATO cũng có cơ hội thử nghiệm ECCM của mình với mục tiêu tương tự.