Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Dương Trung Quốc: Văn hóa suy thoái, đạo đức xuống cấp...

Ông Dương Trung Quốc: Văn hóa suy thoái, đạo đức xuống cấp là nguy cơ

Góp ý cho báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại biểu Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn báo điện tử VTC News.

Dự thảo báo cáo chính trị ở mỗi kỳ đại hội với khoảng cách 5 năm một nhiệm kỳ, thực ra cũng chỉ định vị được một số vấn đề cơ bản trên nền tảng một cương lĩnh lâu dài.

Đại hội Đảng này còn là bước chuyển đổi căn bản, sau khi bản Hiến pháp mới được ban hành (2013). Nhưng  mục tiêu vẫn cơ bản là những định đề đã tồn tại từ rất lâu, được nhắc đến một cách chung chung, thiếu cụ thể. 

Ví dụ như trong lĩnh vực giáo dục. Từ nhiều năm nay, bao nhiêu chủ trương, chính sách lớn nhằm thay đổi căn bản, toàn diện. Nhưng cuối cùng thì sao? Chất lượng giáo dục dường như ngày càng thấp đi, gánh nặng giáo dục đè vào người dân ngày một nặng. 

Trong lĩnh vực Y tế cũng vậy, cho dù ngành y tế cũng đã nỗ lực thực hiện biết bao nghị quyết của các nhiệm kỳ trước đến nay nhưng hình như sự cải thiện không là bao… 

Đã đến lúc không chỉ kiểm điểm thành quả chỉ bằng những con số thống kê mà phải lấy sự hài lòng của người dân làm căn cứ. 

Phải có những tiêu chí để định lượng được yếu tố này. Chúng ta luôn đưa ra định tính “định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng trong ý niệm người dân “chủ nghĩa xã hội” phải là chất lượng sống, dịch vụ tốt hơn chứ không phải chỉ là những con số thuần túy. 

Nếu có những con số thì phải phân tích bản chất của những con số ấy mới thấy có “chủ nghĩa xã hội” hay chưa… Vì thế trong suy nghĩ của dân “chủ nghĩa xã hội” vẫn là cái gì xa vời hoặc “ảo”.

Nên điều đầu tiên tôi muốn đóng góp cho dự thảo báo cáo chính trị đại hội lần này bám vào cương lĩnh nếu còn giá trị và bớt chữ nghĩa đi. Hãy đưa vào đó những ý niệm cụ thể, mục tiêu cụ thể, con số cụ thể. 

Ví dụ bao nhiêu lâu nữa học sinh học tiểu học không mất tiền, rồi học trung học không mất tiền? Bao nhiêu lâu nữa thì mọi người dân đều có bảo hiểm y tế, bao lâu để sản xuất được con ốc vít, chiếc ô tô? Hãy nói một mốc thời gian để người dân nhìn thấy ngay chúng ta đã làm được những gì trên con đường phát triển.

Đọc bản báo cáo, tôi chỉ thấy những ý niệm rất mù mờ. Và người dân cũng sẽ cảm thấy cương lĩnh không đi vào đời sống, nó chỉ là vấn đề bàn ở hội nghị, hoặc gói gọn là bàn trong 3,6 triệu đảng viên. 

Đọc lại lịch sử Đảng, có một thời nghị quyết hay cương lĩnh rất ngắn gọn, đôi khi đưa ra những khẩu hiệu rất dễ nhớ, mục tiêu rất thiết thực… cho nên việc thực hiện rất rõ ràng để lại dấu ấn trong lịch sử. 

Chỉ với nghị quyết của một hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa I là có Mặt trận Việt Minh ra đời và không đầy 5 năm sau (ứng với 1 nhiệm kỳ Đại hội bây giờ) là cách mạng đã thành công…

– Vậy vấn đề cốt lõi dẫn đến những vấn đề ở đây là gì, thưa ông?

Tôi thấy các hệ thống giá trị của xã hội đang không chuẩn mực, nếu không muốn nói đang khủng hoảng. Cách mạng gồm cả phá cái cũ rồi xây cái mới. Ta phá cái cũ rất giỏi những xây cái mới còn dở. Dở là chưa tốt, những dở cũng là dở dang…

Hệ thống giá trị của xã hội hiện tại đang là như vậy nên những thành tựu đạt được không phải là ít, kể cả trên lĩnh vực kinh tế, người dân cũng được hưởng thụ, nhưng họ vẫn không hài lòng, chẳng phải vì sự đòi hỏi quá đáng mà vì những giá trị liên quan đến sự phát triển và hưởng thụ ấy chưa được xác lập minh bạch… 

Điều đó thể hiện rõ nhất là tình trạng tham nhũng không chỉ dân mà cả Đảng và Chính phủ đều nêu ra, thậm chí còn định lượng là “một bộ phận không nhỏ” mà vẫn chẳng khắc phục được vì chưa biết là ai và ở đâu? 

 

Đảng luôn xác định vị trí là người lãnh đạo “tuyệt đối và toàn diện” nhưng chưa bao giờ nhận trách nhiệm “tuyệt đối và toàn diện” đối với thực trạng tiêu cực của đất nước. 

Một trong những nguyên nhân, theo tôi, là trong tư duy chính trị còn thiếu tư duy về lịch sử, không cảm nhận được trách nhiệm với lịch sử. Mỗi thế hệ lãnh đạo khi lên giữ trọng trách, đều phải kế thừa di sản của người đi trước, cả cái đã làm được và cái chưa làm được. 

Nhưng thử hỏi đã có ai dám chỉ đích danh người nào đã để lại hậu quả sau một nhiệm kỳ? Phải dũng cảm phê phán trực diện những sai lầm, tồn tại để người đi sau thấy trách nhiệm của mình.

Chúng ta giữ “đạo lý uống nước nhớ nguồn” nên giữ sự trân trọng với những người tiền nhiệm, thành phần xã hội được giới thiệu kèm theo tiền tố “nguyên” ngày một nhiều. Nhưng chưa khi nào nghiêm khắc đối với những sai lầm và trách nhiệm của người đi trước, mọi sai lầm đều dễ nhận ra khi nó tác động tiêu cực vào lợi ích quốc gia hay người dân, nhưng trách nhiệm thì bao giờ cũng “vô nhân xưng”… 

Ví như chúng ta đang phải nỗ lực “tái cơ cấu” đủ thứ từ ngân hàng đến trường đại học nhưng chẳng khi nào nghiêm túc phân tích rằng ai đã cấp phép lập ngân hàng và mở trường tràn lan như vậy. Để rồi việc sửa sai luôn được coi là thành tích…

Không dám đánh giá quá khứ một cách thẳng thắn là sai lầm. Bởi lịch sử là do con người làm ra, chứ lịch sử không phải một ý niệm chung chung. Người có công thì tôn vinh, người có tội phải phê phán, người vừa có công vừa có tội phải cân nhắc… Đó là sức mạnh của lịch sử tác động vào sự phát triển. 

Người xưa coi trọng những “tấm gương lịch sử”, đòi hỏi khắt khe về tính gương mẫu đối với những người có vị trí xã hội là như vậy… 

Cũng vì thế, khi nhắc đến lĩnh vực văn hóa thì bên cạnh một số thành tựu, báo cáo cũng chỉ rõ, “thành quả trong lĩnh vực văn hóa được đánh giá là chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hoá lành mạnh so với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”. Một sự đánh giá trung tính đến mức “vô tích sự”.

Mấy chục năm nay ta đưa ra ý niệm về “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nhưng chưa xác định được một cách minh bạch cả định tính và định lượng để xá định thế nao là tiên tiến, thế nào là đậm đà…Do vậy về giá trị rất nửa vời. Tấm bằng “gia đình văn hóa”, “khối dân cư văn hóa”… rất phổ biến nhưng chỉ nặng về hình thức, mang tính đối phó mà thôi.

Phải chăng dự thảo mỗi kỳ đại hội chỉ là yếu tố có tính chất động viên nhiều hơn, hay là thuốc an thần mà chưa thực sự sát với đời sống.

Phải thẳng thắn mà nói, vì chưa có một hệ thống giá trị chuẩn mực mà đời sống văn hóa của chúng ta đang rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề và đạo đức xuống cấp.

– Dường như, không phải đến bây giờ người ta mới lo ngại về tình trạng suy thoái văn hóa, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, mà những điều này đã được báo động từ lâu?

Văn hóa suy thoái là bởi chúng ta đã khu biệt văn hóa trở thành một lĩnh vực riêng biệt, nghĩ nó chỉ là “cờ đèn kèn trống”, mà không biết rằng khi bàn đến văn hóa, là bàn đến tất cả các phương diện của đời sống. Chính trị cũng là văn hóa, kinh tế cũng là văn hóa, quân sự bảo vệ tổ quốc cũng là văn hóa…

Tất nhiên đừng lạm dụng văn hóa, nhưng văn hóa chính là phương thức để thúc đẩy sự phát triển của xã hội và là thước đo chuẩn mực cho sự phát triển ấy.

Còn những lĩnh vực nằm trong văn hóa cụ thể như văn học nghệ thuật, âm nhạc… chỉ là một phần của đời sống thượng tầng thôi. 

Thước đo của văn hóa là gì? Người ta thường nghĩ ngay đến đạo đức. Đạo đức là phẩm chất con người, là sự tổng hòa những yếu tố văn hóa trong con người trong đó có cả sự tích tụ của lịch sử. Nhưng văn hóa còn rộng hơn thế. Đạo đức chỉ là hệ quả cuối cùng, dễ nhận thấy nhất. 

Nguyên nhân của những sự bất cập và xuống cấp đó còn từ phim ảnh ngập nội dung sốc, sex, sự lũng đoạn của gameshow, của truyền hình thực tế đi lạc khỏi mục đích văn hóa vì đồng tiền ….làm thay đổi tư duy và nhận thức của cả một thế hệ.

– Vậy điều cần làm trước tiên, để giải quyết những tồn tại không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, ông có thể đóng góp cho dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần này?

Đảng phải hành động, đừng sử dụng những định đề tồn tại suốt bao nhiêu năm qua một cách chung chung, không rõ rằng trong những văn bản chỉ đầy chữ mà chưa rõ nghĩa. 

Hãy bắt tay vào hành động bằng những kế hoạch cụ thể, để người dân thấy rõ hiệu quả của các chính sách, hoạch định rõ ràng qua từng giai đoạn. 

Không có cách giải quyết những tồn tại nào tốt hơn việc nói thẳng, nói thật vào chính những tồn tại đó. Đừng để căn bệnh vô cảm, vô can, với lối suy nghĩ đó là căn bệnh của ai chứ không phải căn bệnh của mình ăn sâu bén rễ trong nếp nghĩ của những người lãnh đạo, những người gánh vác cả vinh quang và trách nhiệm đương đại. Mọi trọng bệnh cũng chỉ bắt đầu từ những cái hắt hơi xổ mũi.

– Xin cảm ơn ông!

RELATED ARTICLES

Tin mới