Friday, December 27, 2024
Trang chủĐiểm tinThủ tướng Malaysia và “món quà” bí ẩn trên 600 triệu USD

Thủ tướng Malaysia và “món quà” bí ẩn trên 600 triệu USD

Trong bài viết mang tựa đề “Tại Malaysia, có một Thủ tướng “bị vây hãm’”, đặc phái viên nhật báo Le Monde tại Kuala Lumpur cho biết đương kim Thủ tướng Najib Razak trước cáo buộc tham nhũng ngày càng bị chỉ trích, thậm chí ngay trong đảng của mình.

Thủ tướng Najib Razak phát biểu trước quốc dân nhân Quốc khánh Malaysia, ngày 30/08/2015. Ảnh REUTERS/Edgar Su/Files

Liệu đây là khởi đầu của hồi kết đối với Thủ tướng Malaysia, hay như câu nói của ông Winston Churchill “thất bại đang đến gần”? Dù sao đi nữa, khả năng ông Najib Razak từ chức đang được mọi người ở Kuala Lumpur đề cập đến. Xì-căng-đan tham nhũng mà ông đang biện bạch khá tốt, một ngày nào đó sẽ dẫn đến sự sụp đổ.

Tình hình bắt đầu xấu đi kể từ tháng Bảy, khi tờ Wall Street Journal tiết lộ rằng tài khoản của “Najib” – tên thân mật thường gọi của Thủ tướng – được chuyển vào số tiền lên đến 2,6 tỉ ringgit, tương đương 546 triệu euro hay 622 triệu đô la. Tờ báo Mỹ dựa trên kết luận của một “cuộc điều tra chính phủ” cho biết số tiền này đến từ một quỹ đầu tư nhà nước do Thủ tướng thành lập năm 2009 mang tên 1Malaysia Development Berhad, thường được gọi là 1MDB.

Đương kim Thủ tướng, đồng thời là chủ tịch của đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) – đảng của người Mã Lai theo đạo Hồi đầy quyền lực, cầm quyền liên tục từ khi giành độc lập vào năm 1957 – ngày càng bị phê phán.

“Ông ấy đang bị vây hãm” – cựu dân biểu UMNO, Tawfik Ismail nhận xét. “Cho dù theo truyền thống phong kiến lâu nay, khó thể chỉ trích thủ lãnh. Đa số thành viên trong đảng đều ngoan ngoãn vâng lời, nhưng không loại trừ việc những bậc trưởng thượng yêu cầu ông Najib Razak từ chức nếu quá nhiều phiền nhiễu vì tai tiếng”.

Áp lực càng lên cao thì ông Najib Razak lại càng hung hăng như mãnh hổ, với nhiều hành động độc đoán tại “xã hội dân chủ” đáng kinh ngạc, luôn bị một chính quyền mạnh khống chế. Chỉ trong vài tháng, ông đã tống khứ nhiều tiếng nói đối lập quan trọng: Phó thủ tướng bị trừng phạt, Tổng chưởng lý phải từ chức, cả hai được thay thế bằng những bộ hạ thân tín. Ủy ban chống tham nhũng cũng không thoát nạn: Cảnh sát “thăm hỏi” văn phòng của một số thanh tra quá tò mò.

Cơn cuồng nộ của ông Najib Razak không tha một ai, và các hình phạt ngày càng nặng nề hơn. Hồi tháng Chín, một đảng viên UMNO, Khairuddin Abou Hassan đã bị bắt giam vì dám chu du khắp nơi, từ Hoa Kỳ cho đến Hồng Kông, Thụy Sĩ, Pháp để tố cáo Thủ tướng tham ô.

Hôm thứ Hai 12/10, ông Khairuddin chính thức bị khởi tố tội “vu khống”, có nguy cơ lãnh đến 15 năm tù. Trước đó vài ngày, luật sư của ông là Matthias Chang cũng bị bắt, và hiện đang tuyệt thực phản đối.

Năm 2012, một dự luật về an ninh cho phép bắt giam không cần xét xử đã được thông qua. Tháng Tư năm nay, với đạo luật chống khủng bố, một nghi can có thể bị giam giữ 59 ngày, và gia hạn đến hai năm. Đồng thời luật “chống ly khai” sửa đổi được thông qua, tăng cường thêm sức mạnh cho bộ máy trấn áp.

Tuy nhiên ông Najib Razak hiện đang ở tư thế phòng vệ. Tuần trước, tuyên bố bất thình lình của chín tiểu vương đánh dấu một bước ngoặt. Các vị tiểu vương thay nhau đứng đầu quốc gia quân chủ lập hiến này mỗi 5 năm một lần, nhưng không có quyền hành pháp, đã đòi hỏi: “Các kết luận điều tra (vụ 1MDB) phải được báo cáo thật rõ ràng, làm thế nào để thuyết phục được dân chúng về sự chân thành của chính phủ, không được giấu diếm bất cứ sự thật nào”.

Người dân Kuala Lumpur kinh ngạc: Chưa bao giờ trong lịch sử Malaysia từ ngày độc lập đến nay, các tiểu vương Hồi giáo lại trực tiếp can thiệp vào chính trị! Đây là một cái tát cho đương kim Thủ tướng.

Diễn biến mới nhất của chuyện dài chính trị này là cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, 90 tuổi, hôm đầu tuần này đã lên tiếng đến lần thứ hai, đòi ông Najib Razak phải trả lời các cáo buộc.

Nhưng ông Najib chưa bao giờ trả lời câu hỏi này cả, mà để cho những người thân tín lên tiếng bênh vực thủ lãnh. Tay chân của ông khẳng định một nhân vật Hồi giáo vùng Vịnh bí ẩn đã “tặng” số tiền khổng lồ trên cho Thủ tướng.

Ambiga Sreenevasan, luật sư kiêm nhà đấu tranh nhân quyền kết luận: “Từ nay chúng tôi là một quốc gia chìm trong khủng hoảng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới