Sunday, December 22, 2024
Trang chủThâm cung bí sửDàn đồng ca chủ nghĩa dân tộc Đại Hán (Phần 3)

Dàn đồng ca chủ nghĩa dân tộc Đại Hán (Phần 3)

Trong Đảng có hai tổ chức có địa vị bất khả xâm phạm vì giới lãnh đạo chóp bu dựa vào đó mà duy trì quyền lực. Một là Ban Tổ chức Trung ương, phụ trách việc bổ nhiệm các quan chức của Đảng và chính phủ, kiểm soát việc giám sát. Hai là Ban Tuyên truyền Trung ương chịu trách nhiệm về nội dung chính luận của truyền thông, sách giáo khoa, sách, phim ảnh, và kiểm soát dư luận. Cùng với bộ máy an ninh nội địa và Quân Giải phóng Nhân dân, các tổ chức này hình thành “tập đoàn thống trị”, trụ cột quyền lực của Đảng.

Hoàn cầu thời báo đóng góp tích cực cho giới truyền thông Trung Quốc

Ban Tuyên truyền và duy trì ảnh hưởng

Sự thương mại hóa báo chí, cùng với sự phát triển của Internet làm cho công việc của cảnh sát tuyên truyền khó khăn hơn, tạo cớ cho nhu cầu tăng cường nguồn lực và quyền hành, do đó có thể làm gia tăng ảnh hưởng của giới tuyên truyền trong Đảng. Không ai biết được đội ngũ kiểm duyệt ở Trung Quốc thực sự lớn tới mức nào, nhưng chắc chắn rằng đội ngũ này ngày càng mở rộng trong những năm gần đây. Đảng xem ra sẵn sàng làm bất cứ thứ gì cần thiết để không thua trong cuộc chiến thông tin. Ngược lại, Singapore, quốc gia giống một thành phố thương mại vốn thực hiện kiểm duyệt báo chí từ lâu, quyết định rằng nỗ lực kiểm soát thông tin trên Internet quá tốn kém, nên chỉ ngăn chặn các trang có tính khiêu dâm và yêu cầu các trang mạng đăng ký hoạt động). Các nhóm lợi ích thương mại đứng đằng sau truyền thông cũng có nhiều thứ để mất hơn nếu cảnh sát tuyên truyền ngăn cản công việc làm ăn của họ. Trước nguy cơ mất rất nhiều tiền như vậy, các trang tin lớn trên mạng và các ấn phẩm có lượng phát hành lớn không thể không chiều theo các cơ quan tuyên truyền.

Từ khi Ban Tuyên truyền được giao trách nhiệm triển khai cuộc vận động giáo dục lòng yêu nước – cuộc vận động từ những năm 1990 nhằm phát huy tính hợp pháp của Đảng Cộng sản, cơ quan này chỉ tập trung vào tuyên truyền lòng yêu nước. Chỉ khi giới chóp bu đồng thanh ra lệnh rõ ràng, cơ quan này mới thay đổi thông điệp.

Các câu chuyện về Nhật Bản, Đài Loan và Hoa Kỳ bán chạy

Truyền thông, trong khi cạnh tranh với nhau, tự nhiên cố gắng thu hút thị hiếu của khán giả mà họ nhắm tới. Người biên tập quyết định đưa tin dựa trên đánh giá của họ về khả năng bán được. Điều đó có nghĩa rằng rất nhiều câu chuyện về Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ và các mối quan hệ quốc tế, là những chủ đề được đặc biệt chú ý và gây cảm xúc mạnh. Sự quan tâm của công luận khiến những chủ đề này trở thành các vấn đề chính trị nội bộ, đồng thời tác động đến cách thức giải quyết vấn đề của các nhà lãnh đạo và ngoại giao Trung Quốc. Hầu hết các vấn đề chính sách đối ngoại – những thứ liên quan đến quan hệ Trung Quốc với các nước khác ngoài Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ – ít được truyền thông quan tâm và sẽ được các nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Bộ Ngoại giao xử lý. Tuy vậy ngay cả những sự kiện tương đối nhỏ liên quan đến quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản, Đài Loan hoặc Hoa Kỳ, lại trở thành tin tức trên trang nhất và phải được các chính khách trong Thường vụ Bộ Chính trị xử lý cẩn trọng.

Truyền thông hâm nóng chủ nghĩa dân tộc

Thông tin báo chí, tuy cạnh tranh giành giật khán giả nhưng lại bị “định hướng” bởi các cơ quan tuyên truyền, đã tái củng cố các truyền thuyết về chủ nghĩa dân tộc. Nhà báo Trung Quốc có câu: “Không có vấn đề nào là nhỏ trong đối ngoại”. Các chủ đề đối ngoại bị xem là nhạy cảm chính trị và là địa hạt tiềm tàng nguy hiểm đối với các nhà báo. Nhà báo cũng phải thỏa mãn hai đối tượng chính: khán giả và Ban Tuyên truyền Trung ương. Tin tức được đăng tải dưới góc độ yêu nước sẽ thỏa mãn cả hai đối tượng này. Chủ nghĩa dân tộc đã trở thành quan điểm quy chuẩn về chính trị, được cả thị trường và các cơ quan kiểm duyệt áp đặt, mà phản ứng của công chúng với bài báo trên tờ Băng điểm về sách giáo khoa lịch sử là một ví dụ. Nhưng việc phát huy chủ nghĩa dân tộc có thể lợi bất cập hại, như lãnh đạo Trung Quốc đã rút ra bài học từ các cuộc biểu tình chống Hoa Kỳ sau vụ đại sứ quán ở Belgrade bị đánh bom năm 1999. Sau cuộc khủng hoảng này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu Ban Tuyên truyền Trung ương phải điều chỉnh thông điệp trên báo chí về Hoa Kỳ để hạ nhiệt dư luận và bảo vệ mối quan hệ với Washington.

Quan chức tiếp cận thông tin về công luận

Những quan điểm dân tộc chủ nghĩa thể hiện trên truyền thông và Internet sẽ quay trở lại các nhà hoạch định chính sách. Quan chức Trung Quốc đọc báo giấy và lướt mạng để tìm hiểu công chúng đang thực sự nghĩ gì, và trở lại thực tế với ấn tượng rằng chủ nghĩa dân tộc đang lan tỏa khắp cả nước. Họ chịu áp lực của công chúng đè nặng đến mức buộc phải có quan điểm cứng rắn với Nhật Bản, Đài Loan và Hoa Kỳ vì những gì mà họ đọc được đều bị lái quá mức theo hướng chủ nghĩa dân tộc.

Truyền thông thúc đẩy sự phản kháng

Truyền thông thương mại và Internet có thể khơi dậy sự phản kháng chính trị. Các công nghệ tương tác như điện thoại di động và Internet giúp cá nhân có thể phối hợp hành động tập thể, chẳng hạn vụ biểu tình ngồi của Pháp Luân Công năm 1999 và các cuộc biểu tình chống Nhật Bản của sinh viên năm 2005. Mặc dù các nguồn tin bị cấm đăng tải về những cuộc biểu tình nhưng tin tức vẫn lan truyền và lôi kéo nhiều người tham gia. Ngày xưa khi tất cả tin tức đều được truyền đạt thông qua cơ quan ngôn luận của Đảng, Đảng sử dụng truyền thông để vận động sự ủng hộ cho chính sách và ít lo lắng về sự phản kháng của công chúng đối với chính sách. Thomas Schelling mô tả điều này với một ví von xác đáng: “Những người nhảy square dance(1)có thể đều không thích các bước nhảy được xướng tên một chút nào, nhưng một khi người điều khiển đã cầm mic, không ai có thể nhảy khác đi”. Ngày nay, khi các loại míc ngày càng gia tăng về chủng loại và số lượng, sức ép dư luận và khả năng phối hợp phản kháng cũng tăng theo.

Hoàn cầu Thời báo

Nghiên cứu thị trường báo chí cho thấy tin tức quốc tế là chủ đề phổ biến thứ hai sau tin thể thao. Năm 1992, tờ báo chính của Đảng Cộng sản, Nhân dân Nhật báo, đã thành công lớn khi cho ra đời Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo sinh lời chuyên về tin tức quốc tế với lượng độc giả hiện tại ước tính đạt xấp xỉ 2 triệu, lớn thứ hai trên cả nước. Hoàn cầu Thời báo có lợi thế đặc biệt là tiếp cận được các phóng viên nước ngoài của tờ Nhân dân Nhật báo và lãnh đạo Đảng hậu thuẫn chính trị. Nó là báo khổ nhỏ, nhưng là một tờ chính thống. Tổng biên tập của tờ này nói: “Chúng tôi cố gắng đại diện cho lợi ích quốc gia”. “Chúng tôi không muốn gây khó dễ cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Báo chí Hoa Kỳ tự coi họ là lực lượng giám sát chính phủ, nhưng ở Trung Quốc, báo chí có tinh thần hợp tác với chính phủ hơn”. 

RELATED ARTICLES

Tin mới