Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội49% doanh nghiệp lạc quan về lợi ích của TPP

49% doanh nghiệp lạc quan về lợi ích của TPP

Theo Vietnam Rerport, hiện có tới 49% doanh nghiệp nhận thấy mình sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi về chính sách thuế, sau khi Việt Nam ký kết hiệp định TPP.

49% doanh nghiệp nhận thấy mình sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi về chính sách thuế sau khi Việt Nam ký kết hiệp định TPP

Sau 5 năm đàm phán, tối 5/10 vừa qua, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được 12 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam thông qua.

Hiệp định TPP gồm có 30 chương điều chỉnh thương mại và các vấn đề liên quan tới thương mại, bắt đầu từ thương mại hàng hóa và tiếp tục với hải quan, thuận lợi hóa thương mại; vệ sinh kiểm dịch động thực vật; hàng rào kỹ thuật đối với thương mại; quy định về phòng vệ thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường.

Khảo sát xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015 vừa được Vietnam Rerport công bố, khi khảo sát các doanh nghiệp dự báo về những tác động của những điều chỉnh về thuế (đặc biệt là thuế xuất nhập khẩu) dựa trên Hiệp định TPP đến doanh nghiệp, đa số các doanh nghiệp lạc quan trước những tác động.

Theo đó, gần một nửa số doanh nghiệp phản hồi (49%) nhận thấy mình sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi về chính sách thuế sau khi Việt Nam ký kết hiệp định TPP. Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào một tương lai sáng lạn trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, cũng như hi vọng tích cực vào những đổi mới trong chính sách thuế đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, 42% là tỷ lệ số doanh nghiệp cho rằng, mình không chịu quá nhiều tác động của những chính sách cải cách thuế sau khi TPP được thông qua. Và 9% số doanh nghiệp còn lại có cái nhìn “bi quan” khi nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực mà những cải cách thuế dựa trên hiệp định lịch sử này sẽ đem đến cho doanh nghiệp.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp – người được xem là chịu ảnh hưởng trực tiếp từ TPP, bà Phạm Thị Lan Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn A&P (đơn vị kinh doanh sản phẩm vật liệu xây dựng mang thương hiệu Mova) cho rằng, khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp trong nước sẽ có khá nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức.

Theo bà Lan Anh, việc xóa bỏ thuế quan khi Việt Nam tham gia TPP sẽ giúp người tiêu dùng được mua hàng hóa rẻ hơn, nhưng doanh nghiệp sẽ gặp vô vàn khó khăn bởi phải cạnh tranh sản phẩm với nhiều nước trong khối TPP.  

Trước những khó khăn này, Chủ tịch Hội đồng quan trị Tập đoàn A&P cho biết, doanh nghiệp đang phải tự thay đổi, chuyển mình trong công tác quản lý, cũng như nghiên cứu, sản xuất và phương thức phân phối sản phẩm mới để nâng cao năng lực cạnh tranh trong tình hình mới.

Trước đó, chia sẻ với báo chí sau khi TPP kết thúc đàm phán, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã nhận định, việc tham gia với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên của TPP sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực, cũng như trên trường quốc tế. Và Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.

Theo tính toán của chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, sau khi kết thúc đàm phán, TPP dự kiến sẽ mất khoảng từ 18 tháng đến 2 năm để thông qua.

RELATED ARTICLES

Tin mới