Monday, January 20, 2025
Trang chủBiển nóngDàn đồng ca chủ nghĩa dân tộc Đại Hán (Phần 4 )

Dàn đồng ca chủ nghĩa dân tộc Đại Hán (Phần 4 )

Không giống như các báo khổ nhỏ khác là các tổng biên tập thường bị cách chức khi bị chệch đường lối, tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo chưa bao giờ mất chức vì tờ này có mối quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản và biết Đảng muốn nó nói gì. Nhờ những mối quan hệ đặc biệt này, nó đăng tải nhiều tin mà các báo khác không dám đưa. Chẳng hạn, tờ này đưa tin đầu tiên về nạn đói ở Bắc Triều Tiên năm 1997.

Tại một cuộc hội thảo đặc biệt về hiện tượng Hoàn cầu Thời báo do Nhân dân Nhật báo tài trợ, các quan chức tuyên truyền của Đảng Cộng sản ca ngợi ấn phẩm này là đã đưa “nghệ thuật tuyên truyền” lên một tầm cao mới. Hiệu trưởng Lý Hy Quang, trường Báo chí thuộc Đại học Thanh Hoa cho rằng sự thành công lớn lao về mặt thương mại của tờ này chứng minh nó đã đáp ứng được đúng nhu cầu của độc giả. Tờ báo đăng tải những tin quốc tế và trình bày lại các tin tức ấy trên quan điểm lợi ích quốc tế và trình bày lại các tin tức ấy trên quan điểm lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Một biên tập viên của Hoàn cầu Thời báo chia sẻ rằng các nhà lãnh đạo Đảng sử dụng tờ này để chuyển tải một số “ẩn ý” về chính sách đối ngoại với công chúng.

Hoàn cầu Thời báo khởi sự một cách dè dặt, xuất bản tuần một lần và chỉ đăng các tin tức quốc tế với chủ đề nhẹ nhàng như công nương Diana, đám cưới của Arafat, hoàng gia Nhật, các ngôi sao điện ảnh Trung Quốc ở Hollywood, World Cup và Thế vận hội. Khi cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1995-1996 nổ ra sau chuyến thăm của tổng thống Lý Đăng Huy tới Hoa Kỳ, tin tức về Đài Loan chỉ gói gọn trong một trang nhất. Tờ báo cũng có bài với thái độ tích cực về chuyến thăm của tổng thống Clinton với Trung Quốc tháng 6 năm 1998 nhưng lại dành nhiều giấy mực hơn cho vụ scandal tình ái của ông với Monica Lewinsky ở Nhà Trắng.

Năm 1999, Hoàn cầu Thời báo bắt đầu đăng những tin gai góc hơn từ góc độ chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, khởi sự với những câu chuyện ủng hộ sự kháng cự của Nam Tư khi bị NATO và Hoa Kỳ đánh bom. Xu hướng đăng những tin gai góc hơn phát triển mạnh sau vụ đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade bị đánh bom tháng 5 năm 1999. (Rõ ràng người dân Trung Quốc tin rằng NATO đánh bom đại sứ quán Trung Quốc một cách có chủ ý. Dựa vào cách mà Hoàn cầu Thời báo đưa tin, họ hẳn cho rằng Trung Quốc đã bí mật giúp đỡ chính phủ Nam Tư). Từ đó trở đi, khoảng một nửa tin trên trang nhất – luôn luôn giật tít và đăng ảnh hấp dẫn – là về Hoa Kỳ, vì như một biên tập viên tờ Hoàn cầu Thời báo nói: “Độc giả quan tâm nhiều nhất đến an ninh quốc gia và quan hệ Mỹ – Trung”. Ông tiếp: “Bạn cần phải có một trang nhất khiến mọi người muốn mua báo. Cách hữu ích để thu hút độc giả là đăng một tin hấp dẫn trên trang nhất về Hoa Kỳ, Nhật Bản, hay Đài Loan, nếu có thể đăng hai tin hoặc hơn”. Một biên tập viên khác thừa nhận: “Tin bài của chúng tôi cực lực lên án Nhật Bản về vấn đề lịch sử. Chúng tôi luôn có tin đáp trả lại bất cứ khi nào cánh hữu Nhật Bản có phát ngôn hay hành động cho thấy nước này ủng hộ chủ nghĩa quân sự”.

Nhằm tránh sự phên phán của cá nước và giới học giả Trung Quốc rằng tờ Hoàn cầu Thời báo truyền bá chủ nghĩa dân tộc bài ngoại, các tổng biên tập của tờ này đều khẳng định rằng họ phát huy “chủ nghĩa yêu nước”, chứ không phải “chủ nghĩa dân tộc”. Để tìm đến những độc giả vốn không ưa chủ nghĩa sô vanh hiếu chiến và thích cách tiếp cận ôn hòa hơn, tờ này đăng tải các cuộc tranh luận giữa những chuyên gia có quan điểm khác biệt. Giáo sư Diêm Ngọc Thông, với những bình luận sắc sảo về quyền lực chính trị quốc tế khiến ông trở thành một ngôi sao truyền hình, đã đưa ra ý tưởng về các cuộc tranh luận với biên tập viên của Hoàn cầu Thời báo và thường xuyên tổ chức các cuộc tranh luận này tại Đại học Thanh Hoa nơi ông giảng dạy. Hoàn cầu Thời báo cũng đi tiên phong trong việc đăng tải các bài phỏng vấn và đối thoại với người nước ngoài, gồm cả những nhà ngoại giao từ đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh và các học giả như tôi. Năm 2004, tờ này đăng tải cuộc đối thoại của tôi với chuyên gia về Hoa Kỳ là Vương Tập Tư về cách thức mà sách giáo khoa Trung Quốc ảnh hưởng lên thái độ của sinh viên.

Các tờ báo khác chuyên đăng tải tin tức quốc tế, như Tin tức Thế giới cạnh tranh với Hoàn cầu Thời báo, nhưng không có được tính chính thống hay lượng phát hành như Hoàn cầu Thời báo.

Truyền hình

Hầu hết người Trung Quốc lấy tin tức qua xem truyền hình. Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã nâng lên 16 kênh, và truyền hình cáp cung cấp hơn 40 kênh địa phương trên cả nước. Năm 2000, 95% dân số có tivi, khoảng 2/3 số này dùng truyền hình cáp, và số người trưởng thành xem truyền hình nhiều gấp 3 lần số người đọc báo hay nghe đài cộng lại. Vùng nông thôn, nơi chưa có Internet, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tivi để biết tin tức.

CCTV được coi là mạng lưới truyền hình có ảnh hưởng nhất và là nơi tốt nhất để các nhà quảng cáo quảng bá sản phẩm tới khách hàng. CCTV phát quảng cáo trên tất cả các kênh và cạnh tranh kịch liệt với truyền hình cáp. CCTV-2 và nhiều kênh truyền hình cáp địa phương có chương trình mua sắm tại nhà. Nhiều kênh truyền hình bi yêu cầu phải phát bản tin 7 giờ tối của CCTV. Vẫn tiếp nối truyền thống tuyên truyền, nhưng một chương trình bàn luận tin tức mang  tên Tâm điểm đã ra mắt vào năm 1994, lần đầu tiên phát các báo cáo điều tra về những sai phạm của các quan chức địa phương.

Tâm điểm được rộng rãi công chúng coi là chương trình phát thanh có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc. Vì việc điều tra và phơi bày thói hư tật xấu của chương trình thu hút sự quan tâm của các quan chức cấp cao nhất ở trung ương, nên cứ hằng giờ sau mỗi lần chương trình được phát, lãnh đạo chính quyền và Đảng địa phương lại gặp gỡ để nhanh chóng giải quyết các vấn đề bị phê bình. Một hai ngày sau, Tâm điểm lại tự hào công bố các quan chức địa phương đã sửa chữa lỗi lầm thế nào, không lại trừ cả việc bị sa thải. Một chuyên gia phê bình truyền hình Trung Quốc cho tôi hay các chương trình này gần đây kém phần hấp dẫn đi nhiều, nhưng các chương trình mà tôi được xem trong mùa hè năm 2006 đã mạnh mẽ phê phán quan chức địa phương không thể đối phó thích đáng với các cơn bão gây tàn phá nặng nề. Đôi khi chương trình này còn mời các chuyên gia bình luận về các vấn đề chính sách đối ngoại, nhưng nội dung chính vẫn là đối nội.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới