Truyền hình trung ương, mặc dù vậy, chỉ có tin vắn sau vụ tấn công đầu tiên và có tin chi tiết hơn sau đó một giờ, rồi im ắng đến tận ba tiếng sau mới có tường thuật đầy đủ. Theo một chuyên gia truyền thông Trung Quốc, CCTV đã xua đuổi khán giả khi quá cẩn thận về việc đưa tin. Có lẽ CCTV phải xin ý kiến chỉ đạo của chính quyền trước khi đưa tin. Khán giả đã than phiền không ngớt trên mạng về sự chậm trễ này của CCTV.
Một góc của Đài truyền hình TW Trung Quốc
Tuy nhiên, đối với tin tức thời sự về một cuộc khủng hoảng quốc tế, CCTV thường chậm hơn so với các kênh truyền hình cáp địa phương và đài Phượng Hoàng ở Hồng Kông. Trong các cuộc tấn công khủng bố vào New York và thủ đô Washington ngày 11/9/2001, các kênh phổ thông Hà Nam và Trùng Khánh truyền hình trực tiếp theo các bản tin CNN từ Hoa Kỳ. (CNN bình thường chỉ có trong các khách sạn quốc tế, công sở và một số khu dân cư cao cấp. Có người đã thuê phòng khách sạn mấy ngày liền để xem CNN tường thuật các vụ tấn công 11/9).
Đài Truyền hình Phượng Hoàng là một liên doanh được thành lập năm 1996 ở Hồng Kông giữa đài star TV của Rupert Murdoch và một số nhà đầu tư Trung Quốc, trong đó có Ngân hàng Trung Quốc thuộc chính phủ. Đài này chính thức chỉ phát ở khu vực gần tỉnh Quảng Đông và trong các khách sạn quốc tế, nhưng theo một ước tính, thực tế có 147 triệu khán giả ở Đại lục xem và chiếm khoảng 20% thị phần truyền hình ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Kênh truyền hình Hồng Kông, chủ yếu là các chương trình tin tức đặc sắc theo phong cách quốc tế, bắt đầu đột phá năm 1999 khi Hoa Kỳ đánh bom nhầm đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade. Đài Truyền hình Phượng Hoàng liên tục cập nhật tin tức suốt bảy ngày, thu hút một lượng lớn khán giả và biến các phát thanh viên của đài này thành người của công chúng. Trong suốt thời gian diễn ra các vụ tấn công khủng bố tháng 9 năm 2001 vào Hoa Kỳ, Đài Truyền hình Phượng Hoàng đã tường thuật liên tục 24/24, phát đi phát lại hình ảnh máy bay lao vào các tòa tháp Trung tâm Thương mại, mà các phát thanh viên của đài này ví với những cảnh trong các phim thảm họa của Hoa Kỳ như Trân Châu Cảng hay Air Force One. Gần đây hơn, sinh viên Bắc Kinh theo dõi sát sao cuộc chiến tranh Iraq qua Đài Truyền hình Phượng Hoàng.
Đài Truyền hình Phượng Hoàng giống như Hoàn cầu Thời báo – hấp dẫn, theo chủ nghĩa dân tộc, và được hậu thuẫn bởi các mối quan hệ với Đảng Cộng sản. Mặc dù vậy, khán giả Trung Quốc rất tin tưởng vào đài này vì nó hoàn toàn không giống kiểu tuyên truyền cổ điển. Kênh này, hấp dẫn với khán giả ở cả Hồng Kông và Đại lục, đưa tin mạnh bạo hơn so với Hoàn cầu Thời báo về các vấn đề liên quan đến Đài Loan – thậm chí còn tường thuật bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển.
Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã cố gắng giành giật lại khán giả (và cả các nhà quảng cáo) trong sự kiện liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo tấn công Iraq. Trong ba ngày đầu của cuộc chiến, tin tức được phát liên tục 14 tiếng/ngày, đến mức một học giả người Trung Quốc đùa với bạn bè: “Tôi không biết đó là một cuộc chiến của Trung Quốc đấy”. (Thị trường cạnh tranh cũng thúc đẩy nhiều tờ báo vốn trước đó từng cử phóng viên ra nước ngoài gửi phóng viên đến Iraq. Các nhà báo phát điên với việc chính phủ Trung Quốc lệnh cho họ phải rời Iraq vì lý do an toàn khi cuộc chiến bắt đầu, buộc họ phải tường thuật bên lề từ Jordan). CCTV lập hẳn một kênh tin tức 24 giờ để cạnh tranh với Đài Phượng Hoàng vào tháng 5 năm 2003, và được phép đưa tin trước, chứ không phải sau, khi các cơ quan Đảng đồng ý.
Kiểm soát nội dung truyền thông
Nếu xem xét kỹ một blog hay thậm chí một sạp báo Trung Quốc, bạn sẽ ngạc nhiên về sự mê hoặc của những biểu tượng văn hóa phương Tây như Madona hay Britney Spears và sốc với những hình ảnh đầy bạo lực, khiêu dâm. Tiêu Tường, giám đốc dự án Internet Trung Quốc của Đại học California-Berkeley cho hay: “Đây là một nơi hoang dã. Ngoài chính trị ra, Trung Quốc tự do như bất cứ nơi nào”. Đảng Cộng sản không có đủ nhân lực và các nguồn lực để kiểm soát mọi thứ, vì thế nó chỉ kiểm soát chặ chẽ các loại thông tin mà giới lãnh đạo cho rằng có thể khơi mào sự chống đối chính trị và tranh giành quyền lực của Đảng. Đối với thể thao, công nghệ, lối sống, ngôi sao âm nhạc và điện ảnh, sức khỏe, và tình dục, hầu như tất cả mọi thứ đều sẵn, đặc biệt là trên Internet. Cư dân mạng Trung Quốc có thể tiếp cận thông tin tương tự về những chủ đề phi chính trị này như ở các quốc gia khác.
Đảng Cộng sản cũng để cho truyền thông tự do đưa tin về các vấn đề trong nước như vấn đề môi trường, bất bình đẳng kinh tế, những yếu kém trong y tế và giáo dục. Các nhà báo cũng được tự do viết về nạn tham nhũng của các quan chức địa phương miễn là họ tập trung vào các nhân vật chính trị ở địa phương hơn là nói về Đảng trước năm 2004, khi nhiều quan chức cấp tỉnh than phiền với Bộ Chính trị và thuyết phục Bộ Chính trị cấm viết các bài điều tra ở tỉnh khác. Các ấn phẩm thị trường táo bạo điều tra và công bố các sai phạm như tạp chí Cải chính chuyên về tham nhũng trong kinh doanh, bất cập trong quản trị doanh nghiệp và lũng đoạn thị trường chứng khoán đều không bị các cơ quan kiểm duyệt của Đảng soi kỹ.
Mặc dù vậy, bất cứ điều gì liên quan đến cá nhân lãnh đạo, Đảng, dân chủ, cải cách chính trị, biểu tình, những thảo luận trong các cuộc họp chính phủ, vụ biểu tình Thiên An Môn 1989, nhân quyền, Pháp Luân Công, tôn giáo, tham nhũng ở giới chóp bu, Đài Loan, Tây Tạng và các chủ đề khác mà Ban Tuyên truyền Trung ương cho là nhạy cảm chính trị vì có thể phá hoại quyền lực của Đảng thì đều bị cấm. Các cuộc biểu tình quy mô lớn, chẳng hạn biểu tình của sinh viên chống Nhật Bản tháng 4 năm 2005 hay của dân làng ở phía nam tỉnh Quảng Đông từ mùa đông 2005 đến năm 2006, đều bị bưng bít. Các nhà báo Trung Quốc viết về những chủ đề cấm đều có thể bị treo bút hoặc ngồi tù nhiều năm vì tội phá hoại hoặc tiết lộ bí mật quốc gia.
Việc kiểm duyệt truyền thông theo định hướng thị trường phụ thuộc chủ yếu vào các cách thức xưa cũ của Đảng Cộng sản: giám sát hành chính, bổ nhiệm nhân sự và tự kiểm duyệt của những nhà báo theo nghề. Bất cứ ấn phẩm nào cũng phải xin giấy phép, các giấy phép đều bị giới hạn số lượng và do các cơ quan nhà nước cấp cao toàn quyền quyết định. Hầu hết các tờ báo và tạp chí thương mại đều là sản phẩm của một tập đoàn truyền thông do một ấn phẩm chính thống đứng đầu và được một cơ quan nhà nước hay Đảng giám sát. Tổng biên tập của các tờ báo và tạp chí được bổ nhiệm từ trên. Tổng biên tập của Hoàn cầu Thời báo, được bổ nhiệm bởi các biên tập viên và Đảng bộ của Nhân dân Nhật báo, chia sẻ, “Tôi biết nếu chúng tôi quá xa rời định hướng chung của cấp trên [Đảng], tôi sẽ bị sa thải”.
(Còn tiếp)