Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngNăm hợp tác biển Trung Quốc - ASEAN 2015: Đừng để lời...

Năm hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN 2015: Đừng để lời nói không đi đôi với việc làm

Trung Quốc là nước láng giềng lớn của ASEAN, đồng thời ASEAN cũng là láng giềng quan trọng của Trung Quốc. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN có những bước tiến triển nhanh chóng, từ quan hệ đối thoại năm 1991 đã nâng cấp lên thành quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng năm 2003. Hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực đều được thúc đẩy, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế thương mại.

Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc xét về xuất khẩu và lớn thứ hai về nhập khẩu. Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) được tổ chức hàng năm từ năm 2004 đến nay đều được đánh giá là thành công… Những thành tựu đó là rất to lớn và đáng để ghi nhận, vì nó đóng góp quan trọng vào sự phồn vinh và thịnh vượng của cả hai bên. Tuy nhiên, những thành tựu đó không thể phủ nhận được một thực tế là giữa Trung Quốc và ASEAN còn tồn tại những mâu thuẫn, khác biệt cần phải nhận rõ để vượt qua, trong đó đáng kể nhất là tham vọng về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, những hoạt động của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông đã gây mất ổn định nghiêm trọng tình hình khu vực, đặt ra thách thức to lớn đối với không chỉ các nước có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc mà còn với cả khối ASEAN.

Trong vòng hai năm trở lại đây, các hoạt động của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông ngày càng thể hiện tính quyết đoán và hung hăng, bất chấp dư luận hơn: sẵn sàng đưa giàn khoan khổng lồ xâm phạm vào sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của nước khác để hoạt động; sử dụng lực lượng chấp pháp trên biển đe dọa, uy hiếp, tấn công lực lượng của các nước khác bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ; tiến hành cải tạo, bồi lấp trên quy mô lớn các đảo, đá chiếm đóng trái phép, làm thay đổi cơ bản nguyên trạng ở Biển Đông. Các hoạt động này của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Bản thân Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vụ kiện của Philippines trước Tòa Trọng tài quốc tế.

Để làm giảm đi mức độ phản ứng của cộng đồng quốc tế, đồng thời phục vụ cho lợi ích của mình thông qua các dự án, sáng kiến hợp tác, tháng 3 năm nay, trong khuôn khổ Diễn đàn Châu Á Bác Ngao (BFA), Trung Quốc đã kêu gọi thúc đẩy hợp tác biển với ASEAN, đề xướng 2015 là năm hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN. Trung Quốc phác họa ra rất nhiều lĩnh vực hợp tác biển như hợp tác kinh tế biển, khoa học kỹ thuật biển, kết nối biển, bảo vệ tài nguyên biển, trao đổi, giao lưu nhân dân… với mục tiêu hướng tới xây dựng Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Hội chợ CAEXPO lần thứ 12 năm nay cũng được Trung Quốc đặt chủ đề là “Xây dựng con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, tạo bước phát triển mới cho hợp tác biển”. Trung Quốc dẫn ra một số thành quả hợp tác như hợp tác khu công nghiệp hai nước Trung Quốc và Malaysia, hay việc thành lập Quỹ hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN, tổ chức triển lãm thành tựu hợp tác biển trong khuôn khổ CAEXPO 12… để minh chứng cho kết quả hợp tác biển giữa Trung Quốc và ASEAN.

Tuy nhiên, những sáng kiến trên không che lấp được mâu thuẫn trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN. Đồng thời, thực chất hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN đến đâu, dư luận đều rõ, bởi những vấn đề then chốt nhất, cần hợp tác nhất thì đến nay kết quả vẫn rất hạn chế, mà nguyên nhân dẫn đến hạn chế đó hoặc là hoàn toàn, hoặc là phần nhiều do Trung Quốc:

Thứ nhất, điều cần nhất, cái cần hợp tác nhất, đó là thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), công cụ sẽ giúp duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông hữu hiệu hơn, là mong muốn chung của các nước ASEAN, thì đến nay vẫn tiến triển chậm chạp và liên tục bị trì hoãn. Đến nỗi ASEAN, trong tuyên bố tại hội nghị các Ngoại trưởng gần đây nhất (AMM 48), đã phải bày tỏ quan ngại về tốc độ thảo luận COC. Lý do là vì Trung Quốc, đối tác thương thảo xây dựng COC của ASEAN, cho rằng chưa phải là thời điểm chín muồi và thực hiện chiến thuật kéo dài thời gian đàm phán, mà đằng sau đó mọi người đều hiểu là Trung Quốc không muốn tự trói buộc mình vào COC hoặc ít nhất sẽ hoàn thành các công việc cần làm (như cải tạo đảo, đứng chân vững chắc ở Biển Đông…) trước khi đi vào đàm phán thực chất về xây dựng COC có tính ràng buộc hơn.

Thứ hai, trong năm hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN, Trung Quốc kêu gọi các hoạt động hợp tác trên biển đầy ý nghĩa như hợp tác kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển… Thế nhưng từ cuối năm 2013 đến nay, lợi dụng tình hình khu vực và quốc tế có nhiều thuận lợi cho mình, Trung Quốc đã đẩy nhanh chưa từng có hoạt động cải tạo, bồi lấp đảo nhân tạo trên quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Đáng chú ý, các hoạt động này của Trung Quốc đã được nhiều nhà khoa học, tổ chức môi trường chỉ ra là vi phạm các công ước quốc tế về môi trường biển, làm cho môi trường biển bị phá hủy nghiêm trọng. Đối với hoạt động hợp tác kinh tế biển, Trung Quốc luôn kêu gọi gác tranh chấp, cùng khai thác. Luận điệu này của Trung Quốc tỏ ra đầy thiện chí, nhưng bản chất thì ai cũng thấy rõ điều phi lý: Trung Quốc cho rằng, cái của tôi là của tôi, còn cái của anh thì chúng ta chia sẻ. Nói cách khác, Trung Quốc chỉ muốn “gác tranh chấp, cùng khai thác” trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển, chứ không phải ở vùng biển thực sự có tranh chấp. Như thế, rất khó có nước nào có thể đồng ý đi đến hợp tác với Trung Quốc.

Thứ ba, trong nội dung hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN, Trung Quốc cũng kêu gọi thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hỗ trợ nhân dân… Thế nhưng, những tin tức về các hoạt động hỗ trợ, cứu giúp ngư dân không được phía Trung Quốc thực thi vẫn thường xuyên xuất hiện. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, lực lượng chức năng Trung Quốc còn hành xử phi nhân đạo đối với ngư dân, như việc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam vào tránh bão số 2 ở Hoàng Sa tháng 7 vừa qua, khiến 7 ngư dân Việt Nam rơi xuống biển; bắt giữ, đánh đập, tịch thu ngư cụ, tài sản của ngư dân; bắn vòi rồng xua đuổi ngư dân Philippines ở ngư trường truyền thống của họ… Những hành động đó rõ ràng đã đi ngược lại với mong muốn củng cố, thúc đẩy giao lưu hữu nghị nhân dân trong năm hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN như Trung Quốc tuyên bố.

Điểm qua những nội dung hợp tác và thực tiễn kết quả đạt được, có thể thấy, để năm hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN 2015 nói riêng và quan hệ Trung Quốc – ASEAN về tổng thể nói chung đạt được kết quả thực chất, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp Biển Đông, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực, Trung Quốc cần có những bước đi và hành động thực chất và có thiện chí hơn, để năm hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN không chỉ là lời nói. Có như thế, Trung Quốc mới xứng đáng là nước lớn, là nước láng giềng quan trọng, là đối tác chiến lược vì hòa bình, thịnh vượng của ASEAN.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới