Monday, January 6, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNếu Mỹ - Trung đụng độ ở Trường Sa, Việt Nam ứng...

Nếu Mỹ – Trung đụng độ ở Trường Sa, Việt Nam ứng xử thế nào?

Biển Đông càng nóng thì cái đầu chúng ta càng phải “lạnh” để tỉnh táo phân tích và nhận định tình hình, có đối sách phù hợp. Do đó truyền thông, dư luận …

Căng thẳng leo thang trên Biển Đông và nguy cơ chạm trán Trung – Mỹ trước khả năng Hoa Kỳ sắp điều chiến hạm hoặc máy bay tuần tra vùng biển, vùng trời quốc tế để bảo vệ tự do hàng không, hàng hải trong khu vực 12 hải lý xung quanh 7 thực thể Trung Quốc chiếm đóng, bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Giới học giả người Hoa hải ngoại, Đài Loan và Hồng Kông cũng như truyền thông nước ngoài có những nhận định khác nhau về các kịch bản chạm trán Trung – Mỹ ở Trường Sa, trong đó một số quan điểm cho rằng Trung Nam Hải sẽ chỉ dùng võ mồm đối phó.

Về bản chất hoạt động tuần tra của Mỹ, học giả Ngũ Phàm, nhà bình luận thời sự của Đài phát thanh Hy Vọng của cộng đồng người Hoa hải ngoại ngày 21/10 nhận định, hành động này của Hoa Kỳ nhằm thách thức các nỗ lực của Trung Quốc tìm cách hiện thực hóa yêu sách lãnh hải 12 hải lý cho 7 thực thể (vốn là các rặng san hô chìm hoàn toàn dưới mực nước biển, hoặc bãi cạn nửa nổi nửa chìm) mà họ bồi lấp thành đảo nhân tạo.

Nhưng luật pháp quốc tế không thừa nhận điều này. Ông Phàm dẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là thành viên phê chuẩn cho hay, chỉ có các đảo tự nhiên mới có quy chế 12 hải lý lãnh hải, các đảo nhân tạo bồi lấp từ các rặng san hô hai bãi ngầm bãi cạn lúc nổi lúc chìm không thể có lãnh hải 12 hải lý.

Đồng quan điểm này, hãng thông tấn Nga RIA Fan ngày 20/10 cho rằng, tuần tra tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông là hoàn toàn hợp pháp theo UNCLOS. Hành động này của Hoa Kỳ và một số đối tác ngày càng trở nên cần thiết để gửi thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh rằng, Washington và phần còn lại của khu vực không chấp nhận bất kỳ tuyên bố đơn phương nào của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngũ Phàm: Quan quân Trung Quốc tham sống sợ chết, không muốn đối đầu với Mỹ ở Trường Sa

Ông Phàm bình luận rằng, thái độ của giới chỉ huy quân sự Trung Quốc thay đổi 180 độ khi tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương hôm 17/10 phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn rằng, dù có liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, Trung Quốc cũng không khinh suất dùng vũ lực, ngược lại sẽ nỗ lực tránh phải nổ súng, giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hòa bình.

Tại sao ông Phạm Trường Long lại đưa ra quan điểm ngược hoàn toàn so với các phát biểu công khai trước đó của các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải cũng như Lầu Bát Nhất về Biển Đông?

Theo Ngũ Phàm, nếu xét trên cục diện giới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay thì dường như giới chỉ huy quân sự Trung Quốc đang muốn giành quyền phát ngôn ngoại giao về Biển Đông từ Bộ Ngoại giao sang Quân ủy trung ương.

Nội dung phát biểu của Phạm Trường Long nếu do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố thì không có gì lạ, nhưng là Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương nói ra thì dường như ông Long đang muốn tránh một cuộc đối đầu quân sự với Hoa Kỳ trên Biển Đông.

Tại sao ông Long lại sợ điều này? Bởi lẽ xét về tương quan lực lượng, sức mạnh quân sự Trung Quốc ở Biển Đông chưa thể sánh với Hoa Kỳ, dù có quan điểm cho rằng Trung Quốc có lợi thế về cự ly trong tác chiến ở Biển Đông so với Mỹ. Ông Phàm tin rằng quân đội Trung Quốc chưa đủ sức đọ với Mỹ. 30 năm nay quân đội Trung Quốc chưa từng tham chiến, đặc biệt là hải quân và không quân.

Nhà bình luận người Hoa này cho rằng, quân đội Trung Quốc lâu nay mua quan bán tước diễn ra phổ biến, cả quân lẫn tướng đều tham sống sợ chết nên căn bản không có ý chí và sức chiến đấu. Để tránh đại bại trong chiến tranh, tốt nhất là tránh chiến tranh, đó là lý do tại sao ông Long có phát biểu đột ngột như vậy.

Nhà bình luận thời sự Ngũ Phàm của Đài tiếng nói Hy Vọng của một cộng đồng người Hoa ở hải ngoại.

Thứ hai, quân đội Trung Quốc đang tiến hành cải cách quân sự theo chiến lược cắt giảm 300 ngàn quân của ông Tập Cận Bình. Đang lúc chỉnh đốn quân đội mà xảy ra chiến tranh với Hoa Kỳ sẽ rất bất lợi và thậm chí có thể dẫn đến thất bại của chiến lược quân sự.

Thứ 3, Tập Cận Bình bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch đả hổ đập ruồi trong quân đội, tập trung vào 4 cơ quan đầu não: Hậu cần, Trang bị, Chính trị, Tham mưu, nếu chiến tranh với Mỹ lúc này thì cả việc cắt giảm quân số lẫn chống tham nhũng có nguy cơ phải dừng lại.

Ông Phàm tin rằng, giới chức lãnh đạo chỉ huy quân đội Trung Quốc đang muốn “dĩ hòa vi quý” và coi đó là sách lược để đối phó với việc Mỹ tuần tra 12 hải lý tự do hàng không hàng hải ở Trường Sa. Tuy nhiên đây chỉ là góc nhìn, nhận định của cá nhân ông Phàm, người Việt có thể tham khảo nhưng không nên vì vậy mà chủ quan, mất cảnh giác – PV.

Tập Cận Bình vội vã chữa cháy

Phạm Trường Long vừa “dĩ hòa vi quý” hôm trước thì hôm sau 18/10 trước khi đặt chân tới London bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Anh, ông Tập Cận Bình gửi cho Reuters bài trả lời phỏng vấn sẵn. Về Biển Đông, Tập Cận Bình tuyên bố: “Các đảo ở Biển Đông từ cổ đại đến nay là lãnh thổ Trung Quốc, do tổ tông để lại. Bất kỳ ai xâm phạm chủ quyền và các lợi ích liên quan của Trung Quốc, người dân Trung Quốc sẽ không để yên.

Trung Quốc sẽ có các hành động tương ứng ở Biển Đông để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của mình, đó là phản ứng chính đáng. Nêu yêu sách chủ quyền đối với các vùng đất bên ngoài cương vực lãnh thổ quốc gia mới là bành trướng. Trung Quốc lâu nay chưa từng làm điều đó, vì vậy (Bắc Kinh) không đáng bị (dư luận) hoài nghi và chỉ trích”, ông Tập Cận Bình nói trong tuyên bố gửi cho Reuters.

Ông Ngũ Phàm nhận xét, phản ứng của Tập Cận Bình chính là để chữa cháy cho tuyên bố “dĩ hòa vi quý” của thuộc hạ Phạm Trường Long, đồng thời thể hiện rõ tư tưởng “đảng chỉ huy súng”, không cho phép các chỉ huy quân đội tùy tiện thò tay vào sự vụ ngoại giao.

Lâu nay mọi phương châm, sách lược của Trung Nam Hải đối với Biển Đông nhất loạt đều do Tập Cận Bình đề xướng và chỉ đạo. Bước tiếp theo sẽ là phản ứng ra sao nếu Mỹ tuần tra 12 hải lý quanh đảo nhân tạo.

Tờ Đông Phương xuất bản tại Hồng Kông ngày 22/10 còn dẫn lời Lan Giang, một nhà bình luận thời sự của báo này cho rằng phát biểu của tướng Long “làm rối loạn lòng quân”.

Với giọng điệu hiếu chiến, ông Giang cho rằng nếu những lời phát biểu của Phạm Trường Long tại “Hương Sơn luận kiếm” hôm 17/10 là của Bộ Ngoại giao thì không có gì đáng nói, nhưng người đứng đầu quân đội về tác chiến lại “cam tâm cúi đầu” trước Hoa Kỳ là “làm nhục quân mệnh”?!

Ông Phạm Trường Long (trái) tháp tùng ông Tập Cận Bình thị sát Hạm đội Nam Hải ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch Quân ủy trung ương. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Lan Giang dẫn lời Mao Trạch Đông nói về quân đội Trung Quốc phải là lực lượng “đánh được là đánh”, lại dẫn thêm lịch sử “thế kỷ bị sỉ nhục” và cho rằng, tư tưởng cầu hòa của các tướng nhà Thanh đã khiến Trung Quốc rơi vào tay Nhật Bản để nói ông Long: “Sợ đánh giặc, làm rối loạn lòng quân, tướng mà còn thế thì lính ai dám xung phong?”

Lan Giang hy vọng, với nguyên tắc “đảng chỉ huy súng” và việc tướng Long đọc bài phát biểu (do thư ký) soạn sẵn chứ không phải “nói vo” tại Diễn đàn Hương Sơn, khả năng “giấu mình chờ thời” vẫn là lựa chọn chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan là con dao hai lưỡi

RIA Fan bình luận, ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan khiến chính phủ Trung Quốc chắc chắn ít nhiều sẽ phản ứng nếu Hoa Kỳ tuần tra 12 hải lý đảo nhân tạo (Bắc Kinh bồi lấp bất hợp pháp) ở Trường Sa. Để củng cố quyền lực của mình, đảng Cộng sản Trung Quốc lựa chọn 2 trụ cột: Tăng trưởng kinh tế và nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc (cực đoan).

Nền giáo dục và truyền thông Trung Quốc đã gieo vào đầu người dân nước này những thông tin về “thế kỷ bị xỉ nhục”, qua đó nhấn mạnh vai trò của đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc hồi sinh đất nước này suốt 30 năm qua.

Trung Nam Hải dường như đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh với người dân Trung Quốc rằng, các nhà lãnh đạo nước này “vô địch trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và là đối tượng trông coi, bảo vệ các lợi ích cơ bản của Trung Quốc”.

Với các thông tin được tuyên truyền và hình thành nhận thức, tình cảm (lệch lạc) của một bộ phận người dân Trung Quốc về Biển Đông, bất kỳ hành động cứng rắn nào của Hoa Kỳ cũng có thể tạo ra phản ứng cộng hưởng mạnh từ xã hội Trung Quốc.

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm liên tục, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thể tỏ ra yếu đuối trước bất kỳ hành động nào của Mỹ mà họ coi là thiếu tôn trọng (cái gọi là) chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã trở thành một “lực lượng đặc biệt” ở nước này.

Tuy nhiên chủ nghĩa dân tộc cực đoan không chỉ có khả năng duy trì tính hợp pháp của bộ máy cầm quyền, mà ngược lại nó còn có thể lật đổ chính bộ máy cầm quyền ấy, phóng viên RIA Fan, Nicholas Kristor bình luận.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng hành động cứng rắn của Hoa Kỳ ở Biển Đông sẽ không thể giải quyết được vấn đề, và nó chỉ tạo cớ cho Trung Quốc phản ứng để thu hút chú ý từ dư luận trong nước. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Mỹ nên từ bỏ kế hoạch tuần tra đảm bảo tự do hàng không hàng hải 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp (bất hợp pháp) ở Trường Sa.

Vấn đề là Mỹ vẫn tuần tra, nhưng cần làm mềm lời lẽ, đồng thời tuần tra qua lại thông thường theo luật pháp quốc tế, hạn chế các chức năng, hoạt động khác trong quá trình tiến hành tuần tra để tránh leo thang hơn nữa những căng thẳng không cần thiết đối với Trung Quốc.

Căng thẳng rồi sẽ giảm dần theo thời gian, bởi đối đầu không phải lợi ích của cả Washington lẫn Bắc Kinh.

Dự đoán phương án tuần tra của Hoa Kỳ và khả năng phản ứng của Trung Quốc

Nhà bình luận Ngũ Phàm cho rằng, dưới góc độ phân tích quân sự thì hoạt động tuần tra 12 hải lý quanh đảo nhân tạo ở Trường Sa mà Hoa Kỳ sẽ tiến hành nhiều khả năng sẽ do chiến hạm USS Fort Worth lớp LCS-3 thực hiện. Trung Quốc sẽ phái các tàu hộ vệ lớp 056 bám đuôi, theo sát hành trình của tàu Mỹ trong phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo.

Chiến hạm Hoa Kỳ USS Fort Worth trong đợt tuần tra bảo vệ tự do, an toàn hàng không hàng hải quốc tế ở Biển Đông tháng 5 năm nay. Ảnh: Bloomberg.

Trong trường hợp Hoa Kỳ sử dụng khu trục hạm USS Lassen DDG-82 để tuần tra 12 hải lý, khả năng Bắc Kinh sẽ phải điều tàu khu trục lớp 052C bám theo. Đây là hình thức phản ứng đối xứng giống như Trung Quốc đã làm trong việc dùng Cảnh sát biển đối đầu với lực lượng chức năng Nhật Bản ở Senkaku, Hoa Đông.

Mặc dù căng thẳng, nhưng sẽ không bên nào nổ súng. Việc dùng các lực lượng quân sự, bán quân sự chạm trán thị uy nhau sẽ diễn ra khi một trong 2 bên thấy cần thiết, điều này không mang ý nghĩa đối kháng quân sự thực chất.

Cùng quan điểm Trung – Mỹ sẽ chỉ thị uy và đấu võ mồm chứ không nổ súng ở Trường Sa, ông Diêm Thiết Lân, Phó thư ký hiệp hội Nghiên cứu chính sách biển Đài Loan ngày 22/10 bình luận trên China Times, dù Mỹ có tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp (bất hợp pháp) ở Trường Sa cũng không dẫn đến hậu quả nổ súng.

Đầu tháng này 5 chiến hạm Trung Quốc đã tiến hành cơ động qua phạm vi lãnh hải 12 hải lý giữa đảo Attu và đảo Alaid, Hoa Kỳ để thực hiện quyền qua lại vô hại theo quy định trong UNCLOS. Cả Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đều coi đây là hoạt động bình thường khi cho rằng động thái này không đe dọa gì đến an ninh quốc gia của Mỹ.

Phản ứng này của Mỹ là nhằm chuẩn bị cho việc tuần tra 12 hải lý quanh đảo nhân tạo ở Trường Sa, Trung Quốc không có cớ phản đối hay ngăn chặn Mỹ.

Còn trong trường hợp nếu Hoa Kỳ tiến hành tuần tra thường xuyên đảm bảo tự do hàng không hàng hải ở vùng biển, vùng trời quốc tế phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp ở Trường Sa, học giả Ngũ Phàm cho rằng động thái này có khả năng dẫn đến một số hệ quả.

Thứ nhất, Trung Quốc sẽ vin cớ này để thúc đẩy tuyên truyền cái gọi là “cường quốc mộng” và “cường quân mộng”, thúc đẩy yêu sách lãnh hải 12 hải lý cho các đảo nhân tạo.

Thứ hai là ông Tập Cận Bình có cớ xóa bỏ cam kết không quân sự hóa các đảo nhân tạo bồi lấp (bất hợp pháp) ở Trường Sa trong chuyến công du Hoa Kỳ tháng trước.

Hơn nữa, Biển Đông không phải là một vấn đề riêng biệt mà có liên hệ mật thiết với các điểm nóng khác trên toàn cầu. Gần đây việc Nga không kích ở Syria nhằm mục tiêu tổ chức khủng bố ISIS lẫn phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn chống chính phủ Syria và khuếch trương ảnh hưởng của Moscow ở Trung Đông buộc Mỹ phải phân tán lực lượng đối phó.

Nga, Iran, Syria, Lebanon và Iraq đang manh nha hình thành một liên minh. Nếu điều này xảy ra thì đó sẽ là liên minh chống Mỹ đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh, nhằm vào Hoa Kỳ, Ả Rập Saudi và Israel. Mặt khác, các nước thành viên NATO lo ngại ảnh hưởng của Nga ngày càng mở rộng về phía biên giới của mình nên sẽ phải tăng cường bố phòng quân sự, Mỹ không thể không tăng viện binh cho NATO.

Điểm nóng ở Trung Đông đang dàn sức Mỹ, trong khi quân đội Hoa Kỳ phải đối mặt với thực trạng bị cắt giảm ngân sách quốc phòng nên theo Ngũ Phàm, việc Mỹ có tuần tra thường xuyên để bảo vệ tự do hàng không hàng hải ở Trường Sa hay không cũng còn là vấn đề phải chờ xem.

Điều này cũng giống như Trung Quốc, lực lượng Cảnh sát biển nước này tuy đông, nhưng lúc nào cần họ mới dùng.

Ngoài Cảnh sát biển thì dân quân biển, tàu cá trá hình cũng là một lực lượng nguy hiểm thường được Trung Quốc sử dụng trên các vùng biển nước này nhảy vào tranh chấp trong khi hải quân đứng ở vòng ngoài sẵn sàng can thiệp. Hình ảnh một tàu cá Trung Quốc liều lĩnh xông vào Senkaku bất chấp nỗ lực ngăn cản của Cảnh sát biển Nhật Bản là một minh chứng cho thấy chủ nghĩa dân tộc cực đoan đội lốt “yêu nước” đã phát triển mạnh như thế nào ở Trung Quốc. Ảnh: AP.

Vài lời bình luận

Những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông cho thấy, dù có những khó khăn nội tại nhất định, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không từ bỏ chiến lược của mình ở Biển Đông. Một bên bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh, một bên bành trướng thể hiện sức mạnh và tham vọng trở thành siêu cường, Biển Đông thời gian tới sẽ còn nóng lên chứ ít khả năng giảm được căng thẳng.

Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đang thăm dò điểm tới hạn của nhau và cố gắng tránh xung đột, chiến tranh quy mô lớn ở Biển Đông, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy bên nào chịu nhường bên nào.

Với tư cách là một bên liên quan có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp dọc bờ biển theo UNCLOS đang bị ảnh hưởng, đe dọa bởi các hành vi leo thang khiêu khích, bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam cần hết sức chú ý theo dõi tình hình, dự báo diễn biến và có phương án ứng phó phù hợp.

Từ những tuyên bố, phát biểu và bình luận của quan chức, chính giới, học giả Hoa Kỳ cũng như khu vực và quốc tế có thể thấy, Mỹ hoàn toàn hợp pháp khi tiến hành tuần tra bảo vệ tự do hàng không, hàng hải, luật pháp quốc tế trong vùng biển, vùng trời quốc tế phạm vi 12 hải lý quanh một số thực thể là các rặng san hô ngập nước, bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Trường Sa bị Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng và bồi lấp, xây dựng thành đảo nhân tạo bất hợp pháp.

Bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế, bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông, chống các hành vi leo thang bành trướng là việc chúng ta nên hoan nghênh, ủng hộ. Tuy nhiên, cách thức ủng hộ như thế nào cũng cần có tính toán hợp lý, coi trọng thực chất hơn phát ngôn bề ngoài, làm sao bảo vệ được độc lập chủ quyền, tránh được chiến tranh, xung đột mới là điều quan trọng. Tất nhiên, về mặt phòng thủ chúng ta phải luôn luôn chủ động và sẵn sàng trong mọi tình huống.

Về mặt quốc phòng an ninh, người viết tin rằng các cơ quan liên quan đã có phương án ứng phó dự phòng phù hợp, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền trong mọi tình huống. Dù dư luận quan tâm, nhưng việc công khai đào sâu mổ xẻ vấn đề này không phải là lựa chọn có lợi trong tình huống hiện nay.

Các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam luôn chắc tay súng sẵn sàng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Tổ quốc. Ảnh: CNN.

Mặt khác những phản ứng chính thức về mặt ngoại giao mềm mỏng, hợp pháp, có tình có lý vẫn tốt hơn là làm nóng thêm bầu không khí vốn đã căng thẳng trên Biển Đông. Quan trọng là thực lực, sự chuẩn bị, làm gì chứ không phải nói gì.

Biển Đông càng nóng thì cái đầu chúng ta càng phải “lạnh” để tỉnh táo phân tích và nhận định tình hình, có đối sách phù hợp. Sở dĩ cần lưu ý điều này bởi lẽ truyền thông, dư luận có vai trò và ảnh hưởng rất lớn đến công tác hoạch định và dự báo chiến lược.

Việc một bộ phận dư luận cộng đồng mạng Trung Quốc công khai chỉ trích ông Phạm Trường Long, một Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương đương nhiệm đầy quyền lực là “bán nước” cho thấy rõ, mặt trái của chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc đã phát tác. Nó có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhà lãnh đạo nước này, nếu như họ lợi dụng nó để đẩy vấn đề đi quá xa.

Đó cũng chính là bài học cho người Việt chúng ta, bởi ranh giới giữa lòng yêu nước với chủ nghĩa dân tộc cực đoan quá khích đôi khi rất mong manh và có thể đẩy chúng ta vào bi kịch binh đao loạn lạc, nếu thiếu bộ óc phân tích tỉnh táo bên cạnh trái tim nhiệt huyết.

Mặt khác sự “lỡ lời” dù là vô tình hay hữu ý của ông Phạm Trường Long cũng cho chúng ta một bài học, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc chúng ta là trách nhiệm chung của mỗi người con đất Việt, nhưng mỗi lực lượng và cá nhân sẽ chịu trách nhiệm một lĩnh vực khác nhau nên sẽ có cách phản ứng khác nhau.

Cần lưu ý rằng, cùng một tình huống về chủ quyền lãnh thổ thì quân đội lo phòng thủ và các kế sách đối phó về quốc phòng – an ninh bảo vệ tổ quốc trong mọi tình huống; ngoại giao lo ứng phó công khai các tình huống diễn biến với đối phương cũng như cung cấp thông tin cho dư luận người Việt Nam trong và ngoài nước; truyền thông và dư luận yểm trợ phù hợp.

Ứng xử ở Biển Đông cần rõ ràng nhưng đúng luật, kẻo sẽ tiếp tay cho Trung Quốc

(GDVN) – Ứng xử với các tình huống trên Biển Đông như khả năng tuần tra của Mỹ là một ví dụ, chúng ta cần hiểu rõ luật pháp, nếu không sẽ vô tình tiếp tay, nối giáo…

Chỉ cần “lệch vai” giữa các lực lượng là có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn từ chính trong nội bộ như những gì ông Phạm Trường Long đang gặp phải.

Bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh hiện nay là bài toán khó khăn, nghiêm túc, vừa cấp bách vừa lâu dài đặt ra đối với Việt Nam chứ không đơn giản chỉ là một câu chuyện thời sự mua vui lúc trà dư tửu hậu. Thiết nghĩ người Việt chúng ta nên lắng nghe nhiều hơn để tìm hiểu xem dư luận khu vực, quốc tế và đối phương, đối tác nhận định, đánh giá thế nào về cục diện, khả năng diễn biến trên Biển Đông để nghiên cứu phương án, đối sách phù hợp sẽ có lợi hơn nhiều.

Người Việt không nên tạo cớ để đối phương nói rằng chúng ta kích động đối đầu hay bạo lực để ở giữa ngư ông đắc lợi, hoặc tạo cớ cho họ chỉ trích ta theo nước này chống nước kia. Việt Nam chỉ tìm mọi cách bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như luật pháp và công lý quốc tế, xây dựng và bảo vệ đất nước, không rảnh rỗi để đi chống nước này nước khác.

Với cùng một vụ việc, đặc biệt là những việc phức tạp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, động đến tình cảm thiêng liêng thì dư luận có những nhận thức khác nhau, chín người mười ý là điều hết sức bình thường. Quan trọng là người dân được cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, đồng thời làm sao để người Việt luôn giữ được sự tỉnh táo và đoàn kết, phân biệt rõ mục đích tối hậu với các phương tiện, con đường đi đến mục đích tối hậu ấy thì sự nghiệp bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ dù có gian nan khó nhọc đến đâu cũng chắc chắn hoàn thành.

RELATED ARTICLES

Tin mới