Sunday, December 29, 2024
Trang chủĐiểm tinTập Cận Bình bị chống đối, quân đội TQ "thay tướng" dồn...

Tập Cận Bình bị chống đối, quân đội TQ “thay tướng” dồn dập

Trước thềm Hội nghị Trung ương 5 khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc từ ngày 26-29/10 tới, những biến động trong cuộc cải cách quân đội của Bắc Kinh cũng dần được hé mở.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Biến động nhân sự dồn dập trong quân đội Trung Quốc

Gần đây, hàng loạt thông tin trên báo chí Trung Quốc cho thấy nước này đang có những sự thay đổi cấp tập trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo Quân giải phóng nhân dân (PLA).

Hôm 18/10, truyền thông Trung Quốc đưa tin Thiếu tướng Y Kiếm Huy đã tham dự lễ khánh thành Trường hàng không thanh thiếu niên Không quân Tây An, Trung Quốc bằng chức vụ Chủ nhiệm Cục chính trị không quân Lan Châu.

Thông tin trên cho thấy tướng Y, trước đó giữ vai trò Phó chủ nhiệm Cục chính trị Quân khu Lan Châu, đã thay thế vai trò của Thiếu tướng Lý Đức Lâm ở vị trí Chủ nhiệm Cục chính trị.

Trong khi đó, hãng tin Chinanews (Trung Quốc) đưa tin, ngày 17/10, ông Khúc Đức Hoa (không nêu quân hàm) đã thay thế Thiếu tướng Lưu Thanh Tùng, trở thành Chính ủy chỉ huy Không quân Vũ Hán.

Tờ Thiên Tân Nhật báo ngày 13/10 cho hay, ông Vương Thiên Lực đã tiếp nhận vị trí Chủ nhiệm Cục chính trị khu cảnh bị Thiên Tân.

Ngoài ra, cựu Chính ủy đơn vị này là Thiếu tướng Thượng Chấn Quý đã được điều chuyển làm Chính ủy quân khu tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Trước đó, Tờ The Paper (Trung Quốc) hôm 8/10 đưa tin, cựu Chủ nhiệm Cục chính trị Không quân quân khu Quảng Châu , Thiếu tướng Đổ Viễn Phóng, đã được điều chuyển nhận chức Phó chủ nhiệm Cục chính trị ở Không quân Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thông tin từ website Đại học kiến trúc không quân đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy, hôm 1/10, ông Chu Thụy đã giữ chức Chủ nhiệm Cục chính trị của trường này thay cho Thiếu tướng Đồ Kim Sĩ.

Còn theo website của Đại học giao thông Lan Châu, tướng Đồ đã được nhận chức Phó chủ nhiệm Cục chính trị Không quân Quân khu Lan Châu vào ngày 29/9.

Trang Đa Chiều (Mỹ) nhận định, việc Bắc Kinh tiến hành điều chỉnh hàng loạt vị trí trong các đơn vị thuộc PLA chỉ là bước khởi đầu của cuộc cải cách quân đội, với mục tiêu cắt giảm biên chế 300.000 quân nhân.

Nhiều phân tích trước đó cũng chỉ ra, cuộc cải cách toàn diện trong quân đội lần này là cơ hội để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xóa bỏ ảnh hưởng của 2 cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đã “ngã ngựa” là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.

Theo Đa Chiều, động thái của Bắc Kinh hiển nhiên sẽ đem lại sự bất an trong một bộ phận quan chức cấp cao của PLA, bao gồm các hành động chống đối.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng từng tiết lộ, cuộc cắt giảm biên chế lần này của PLA sẽ khiến khoảng 170.000 quân nhân mang hàm từ Trung úy tới Đại tá bị mất vị trí.

Giới quan sát cũng chỉ ra, Bắc Kinh sẽ tiến hành kế hoạch tái cơ cấu khổng lồ đối với quân đội, bao gồm những hành động ảnh hưởng rất lớn tới các “nhóm lợi ích” trong PLA như hủy bó chế độ văn công, sáp nhập các quân khu lớn…

Báo chí Trung Quốc mới đây cũng thông báo, Hội nghị Trung ương 5 sắp tới cũng sẽ đưa ra yêu cầu cụ thể về phương án và thời gian thực hiện chương trình cải cách quân đội.

“Thay tướng” mở đường cho chương trình cải cách quân đội

Báo Giải phóng quân – cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương Trung Quốc – trong vòng 3 tuần qua cũng đăng tải một số bài xã luận, tiết lộ chương trình cải cách nói trên của ông Tập đang vấp phải những sức cản to lớn.

Theo Đa Chiều, Bắc Kinh rõ ràng đang phải vất vả chống đỡ với những ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc cải cách.

Gần đây, sau 7 quân khu lớn cùng các đơn vị của Hải quân, Không quân, Pháo binh 2, Cảnh sát vũ trang, Tổ tuần tra của Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã bắt đầu cuộc thanh tra đối với các cơ quan trực thuộc Quân ủy Trung ương.

Trong đó, Tổng cục trang bị – một trong 4 Tổng cục lớn của Quân ủy Trung ương Trung Quốc – là cơ quan lãnh đạo phụ trách công tác trang bị cho toàn bộ lực lượng của PLA, đồng thời được xem là cơ quan xuất có tình trạng tham nhũng diễn ra nghiêm trọng.

Từ khi ông Tập Cận Bình tuyên bố chương trình cải cách quân đội vào hôm 3/9, Tổng cục này đã được xem là “đối tượng” hàng đầu, thậm chí giới phân tích còn tin rằng 4 Tổng cục của PLA sẽ được sáp nhập vào Bộ quốc phòng nước này.

Đa Chiều đánh giá, việc Bắc Kinh “thay tướng” hàng loạt trước thềm Hội nghị Trung ương 5 là tín hiệu cho thấy Trung ương đang “khai đao” đối với nhân sự hoặc đơn vị liên quan, trước khi “ra đòn” bằng cuộc cải cách quân đội.

Tuy vậy, truyền thông quốc tế cho đến nay vẫn chưa thể xác thực được độ chính xác của các thông tin trên, hoặc khả năng thành công của chiến thuật “dọn đường” này của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, và câu trả lời vẫn phải đợi đến thông báo chính thức sau Hội nghị.

RELATED ARTICLES

Tin mới