Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiẤn tượng Quốc hội: Sốc ngân sách và chuyện vay tiền "đực"

Ấn tượng Quốc hội: Sốc ngân sách và chuyện vay tiền “đực”

Vấn đề ngân sách, tiền lương trở thành tâm điểm nóng tại phiên thảo luận ngày 22/10.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Chưa vay đã trả lấy gì cân đối 

Mặc dù báo cáo Chính phủ cho thấy thu ngân sách năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 gần 61.000 tỷ đồng song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư – Bùi Quang Vinh cho biết, tình hình ngân sách năm tới vẫn rất căng thẳng vì áp lực chi. Theo ông Vinh, con số này thực ra là “tăng kỹ thuật”.

Ông lý giải lâu nay các tỉnh vẫn có khoản thu về xổ số – chừng 20.000 tỉ đồng/năm, thu từ tiền sử dụng đất – chừng 40.000 tỉ đồng/năm nhưng tất cả không được quản lý trong ngân sách. Vừa qua sửa luật, QH đã yêu cầu quản lý vào cùng hệ thống ngân sách nên dự toán thu 2016 tăng.

Báo cáo tiếp về thực trạng ngân sách nước nhà, ông Vinh cho biết con số tuyệt đối ngân sách hơn 255.000 tỉ đồng thì riêng ngân sách địa phương đã chiếm 52%. Phần này các tỉnh, thành tự quản lý, thu chi. Phần còn lại trung ương nắm giữ 154.000 tỉ đồng thì hầu hết đã có địa chỉ, hạng mục chi tiêu. Tính ra chỉ còn 45.000 tỉ đồng.

Khoản này nghe ra lớn nhưng thực ra còn phải trả nợ. Rồi hàng loạt nhu cầu đầu tư từ các bộ ngành, địa phương xin lên: Từ phát triển giao thông tới kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi; từ tăng chi an sinh xã hội cho hộ nghèo, khó khăn tới nhu cầu rất lớn cho chương trình nông thôn mới.

“Rất nhiều nhiệm vụ, rất nhiều nhu cầu mà ngân sách khó thế, trung ương lấy đâu ra mà điều tiết!” – Bộ trưởng trải lòng.

Nghe tới đây, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói: “Đã thế lại còn vay nợ ngắn hạn, chưa đầu tư được gì thì đã phải vay tiếp để trả nợ thì lấy gì mà cân đối. Chưa kể, một năm nay chưa có đồng nào để tăng lương. Nói hay thế mà một đồng tăng lương cũng không có, là thế nào?”. 

Chúng ta đang vay toàn tiền ‘đực’ không đẻ được ra tiền 

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đã nói rằng “chúng ta đang vay toàn tiền ‘đực’ không đẻ được ra tiền” khi góp ý về vấn đề ngân sách nhà nước cũng tại phiên thảo luận tổ của Đoàn ĐBQH TP.HCM sáng ngày 22/10.

Theo đại biểu này, cái đáng lo nhất là nước ta hàng chục năm nay phải đi vay nhưng giờ làm chỉ đủ cho chi thường xuyên còn đầu tư cơ sở hạ tầng thì phải đi vay hết. 

“Rõ ràng, đi vay là phải vay tiền “cái” đẻ (ra tiền) được, còn ta vay toàn tiền “đực”, không đẻ được. Tức phải được đầu tư hiệu quả, để cái vay đó tạo ra giá trị” – ông Lịch ví von.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa bổ sung: “Nguyên nhân của nợ công chủ yếu tập trung ở đầu tư công. Vấn đề của đầu tư công chính là tình trạng tham nhũng, quản lý đầu tư công rất kém. Cái này đâu phải bí mật mà có các vụ án xảy ra rồi…”.

Ông Nghĩa cho rằng để xử lý nợ công thì phải quản lý chặt chẽ đầu tư công để các dự án này không bị “đội vốn, lãng phí và tham nhũng”.

Cắt giảm tiền tiếp khách, hội họp để tăng lương

Cũng tại phiên thảo luận tổ, ngày 22/10, nhiều ĐBQH nhấn mạnh đến việc tăng lương cho cán bộ công chức Nhà nước.

ĐBQH Trần Du Lịch đề nghị cụ thể là cắt tiền tiếp khách, giao lưu, kỷ niệm, đi nước ngoài. Ông nói: “Cắt hết đi, đừng biến việc đi nước ngoài du lịch thành nghiên cứu, học tập để Nhà nước trả tiền, cắt cái đó thì có tiền để tăng lương”.

Bên cạnh đó, ông Lịch cũng lo vài năm tới khi các bộ luật về tổ chức bộ máy có hiệu lực thì bộ máy còn phình nữa, trong khi tinh giản biên chế là vô cùng khó, thì lấy gì mà tăng lương.

Với quyền hạn của ĐBQH, ông Lịch cho rằng không nên kiến nghị mà chính Quốc hội chứ không ai khác phải bàn là cắt các khoản chi có địa chỉ rõ ràng.

Chừng nào nếu không dự toán thì không có tiền tiếp khách như ở nhiều nước khác thì lúc đó mới kỷ cương được, suốt ngày đủ mọi lễ kỷ niệm mà dùng tiền ngân sách hết thì tiền đâu mà tăng lương, ông Lịch phát biểu.

“Khi tiếp xúc cử tri năm 2014, tôi hứa bà con cử tri cố gắng chờ 2015 sẽ tăng lương. Giờ năm 2016 tiếp tục không tăng, tôi không dám trả lời cử tri nữa” – đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Minh TP.HCM đầy tâm tư.

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, thực ra là phải tăng lương rồi nhưng vẫn phải dùng từ “nhịn”. Tiền lương tối thiểu nâng lên 16% như đề xuất của công đoàn thì doanh nghiệp cũng chết, tương tự như lương với công chức nâng lên thì hệ luỵ kéo theo lớn.

Trước đó, báo cáo Quốc hội về dự toán ngân sách 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết không có nguồn để tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức trong khu vực Nhà nước năm tới. Như vậy 4 năm liền, lương cơ sở trong khu vực này không tăng.

Nở rộ lãnh đạo trẻ: Vì sao đặt câu hỏi?

Đại biểu Dương Trung Quốc nói rằng “hiện tượng” giám đốc sở tuổi 30, bí thư tỉnh, thành chưa đến 40 là một xu hướng tích cực, là bình thường đối với một xã hội lành mạnh, phát triển tốt.  

“Chúng ta biết có ông Bush bố, ông Bush con, có ông Lý Quang Diệu, ông Lý Hiển Long. Ngay trong nước chúng ta thôi, có ông Bộ trưởng Ngoại giao vốn là con của một cố Bộ trưởng Ngoại giao rất nổi tiếng”, đại biểu này nói.

Theo ông, có lẽ xã hội rơi vào tâm lý xã hội mất lòng tin, hệ thống giá trị không chuẩn, nên bất kỳ hiện tượng nào, sự kiện nào, người ta cũng đặt câu hỏi đằng sau đó có gì không, khuất tất không, có lợi ích nhóm không, có cái gì là cha truyền con nối không? Trong thời gian vừa rồi, liên quan đến công tác nhân sự thấy có hai hiện tượng đối lập nhau. Giỏi nhưng “không chính thống” vẫn trượt và “chính thống” nhưng không biết có giỏi hay không lại trúng.

“Quan trọng là có đề bạt thì phải có hạ bệ, nếu như anh không hoàn thành nhiệm vụ. Ở nước mình thì cứ theo một chiều hướng, đã lên thì lên mà đã xuống thì không lên nữa. Đấy là điều rất dở”, đại biểu Quốc nhấn mạnh. 

Lại chuyện 600 triệu một ‘lốt’ xe 

Trong phiên thảo tuận tổ của đoàn Hòa Bình, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình khẳng định kỷ cương, kỷ luật hành chính không nghiêm diễn ra ở nhiều nơi.  

Điển hình gần nhất là việc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Bộ trưởng Đinh La Thăng cung cấp thông tin vụ 600 triệu đồng 1 “lốt” xe. 

Một ví dụ khác được ông Sinh dẫn ra là chuyện toà nhà số 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) xây vượt giấy phép tới 16m, hàng ngàn m2 sàn mà hàng loạt cơ quan ở Thủ đô từ quận, phường, thanh tra xây dựng, sở xây dưng… đều không nắm được trong thời gian dài.

“Đây là điều không thể hiểu nổi. Người dân xây sửa nhà chỉ cần đổ 1 xe cát ở cổng thì chỉ vài chục phút sau đã có cán bộ trật tự xây dựng đến ngay. Thế mà mấy tầng nhà xây dựng vượt phép không ai biết thì ở đây là cái gì, nếu không phải làm ngơ, bao che ?” – ông Sinh thẳng thắn. 

Ông Sinh nói tiếp: “Tham nhũng vặt ở khắp nơi. Người dân mà đến làm việc ở cơ quan công quyền mà đi tay không thì chẳng thể được việc. Đến cả cô văn thư cũng phải có mấy đồng quà mới có nhanh cái dấu”. 

Cùng tổ thảo luận, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ thái độ đồng tình với ông Sinh và cho rằng nhiều vụ việc nổi cộm vừa qua bắt nguồn từ “kỷ cương, kỷ luật hành chính không nghiêm”.

RELATED ARTICLES

Tin mới