Sunday, May 5, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNối tiếp các nước, Philippines gửi công hàm phản đối Trung Quốc...

Nối tiếp các nước, Philippines gửi công hàm phản đối Trung Quốc lập 2 “quận đảo” trên Biển Đông

Bộ Ngoại giao Philippines (30/4) tuyên bố, Chính phủ Philippines kịch liệt phản đối việc thành lập quận “Nam Sa” và “Tây Sa” dưới quyền hạn của “thành phố Tam Sa” tự xưng vào ngày 18/4 của Trung Quốc.

Theo thông tin trên, Philippines kịch liệt phản đối Trung Quốc thành lập 2 quận mới trên Biển Đông, đồng thời không công nhận tên gọi Trung Quốc sử dụng cho các thực thể trên biển. Bộ Ngoại giao Philippines (30/4) lên tiếng phản đối động thái ngang ngược của Trung Quốc khi thành lập 2 quận quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cùng các vùng biển lân cận.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh Chính phủ Philippines kịch liệt phản đối việc thành lập quận “Nam Sa” và “Tây Sa” dưới quyền hạn của “thành phố Tam Sa” tự xưng vào ngày 18/4 của Trung Quốc; khẳng định Philippines “không thừa nhận Tam Sa và các đơn vị trực thuộc, cũng như mọi động thái phát sinh từ đó”; cho biết Chính phủ Manila khẳng định phán quyết đã “giải quyết một cách toàn diện những tuyên bố chủ quyền quá quắt và hành động phi pháp của Trung Quốc” trên vùng biển. Philippines kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, cũng như Tuyên bố chung về Hành xử giữa Các bên trên Biển Đông (DOC). Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Philippines nhắc lại cam kết giữa các bên không tiến hành những động thái gây leo thang hoặc phức tạp hóa tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực.

Trước đó, Chính phủ Philippines cũng đã gửi công hàm phản đối động thái lập quận, đặt tên thực thể trên Biển Đông, cùng với vụ việc tàu Trung Quốc chĩa radar ngắm bắn vào một tàu hải quân Philippines trên vùng biển nước này. Danh sách 80 thực thể bao gồm 25 đảo, đá cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, đi kèm tọa độ cụ thể. Hầu hết thực thể này tập trung ở phần phía Tây Biển Đông. Một số nằm dọc theo “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố và rất gần đất liền của Việt Nam. Cùng quan điểm trên, cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario ủng hộ việc Bộ Ngoại giao Philippines lên tiếng phản đối Trung Quốc. Ông Rosario cũng cáo buộc phía Trung Quốc đang “lợi dụng” tình hình dịch bệnh để theo đuổi các tuyên bố chủng quyền “phi pháp và bành trướng” trên Biển Đông.

Giới chuyên gia nhận định trong thời gian gần đây, Trung Quốc rõ ràng đã có những hành động mang tính khiêu khích ở biển Đông và vấp phải sự phản đối của nhiều nước trong cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ. Trong số các hành động nói trên có thể kể đến vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và EEZ của Malaysia, tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt tên cho khoảng 80 cấu trúc trên biển Đông… Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các nghị sĩ Mỹ đã lên án cách hành xử của Trung Quốc ở biển Đông là bất hợp pháp, gây hại cho các nước trong khu vực. Bộ Ngoại giao Philippines cũng bày tỏ tình đoàn kết, ủng hộ Việt Nam và lên án hành động của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Giới nghiên cứu khẳng định những hành động của Trung Quốc đi ngược lại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Chính phủ Việt Nam đã liên tiếp gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc nhằm phản đối các hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Không nhưng vậy, các hành động gần đây của Trung Quốc mang tính khiêu khích đối với chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đi ngược lại UNCLOS 1982 mà Trung Quốc là một thành viên. Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường 9 đoạn”) chiếm tới gần 80% diện tích Biển Đông là vô lý bởi Trung Quốc không đưa ra được bằng chứng pháp lý nào đủ thuyết phục, đồng thời vi phạm chủ quyền trên biển của các nước khác được quy định rõ ràng trong UNCLOS 1982. “Đường lưỡi bò” đã bị Tòa trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc bác bỏ trong phán quyết năm 2016 khi Phillipines kiện Trung Quốc.

Theo Tướng hai sao Pháp Daniel Schaeffer cho rằng Trung Quốc đơn giản lợi dụng tình trạng cộng đồng quốc tế gần như tê liệt do cuộc khủng hoảng virus Corona gây ra, buộc các nước phải tập trung trước hết cho việc tổ chức đối phó với dịch bệnh. Họ khai thác việc Mỹ tạm thời suy yếu do lực lượng hải quân tại Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi virus Corona, khả năng tác chiến bị cắt giảm. Về khía cạnh này, có thể nói rằng, dù khủng hoảng không phải được tạo ra một cách cố ý, nó có đầy đủ dáng dấp của một cuộc chiến tranh sinh học. Thực tế, ngoài Mỹ thường xuyên lên tiếng, hiện nay các nhân tố khác, do thiếu khả năng hoặc gần như vậy, đã không thể quan tâm đúng mức tới chiến lược có tính chất tấn công của Trung Quốc hiện nay.

Với việc tổ chức lại “thành phố Tam Sa”, thành lập các cấp hành chính trực thuộc, Trung Quốc trao bớt quyền kiểm soát cho địa phương, giao cho các cấp thấp hơn một số thẩm quyền hành chính và có thể cả về quân sự và bán quân sự. Bắc Kinh hy vọng sẽ cải thiện đáng kể sự kiểm soát thực tế Biển Đông thông qua việc tăng thêm các cấp chịu trách nhiệm và trao thêm phương tiện cho lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân biển, đặt dưới sự quản lý của hai quận mới. Với một dây chuyền chỉ huy cắt ngắn, các lực lượng Trung Quốc sẽ có khả năng hành động nhanh hơn. Để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, cần phải liên tục tố cáo các hành động bất hợp pháp của họ, tạm ngừng các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông chừng nào Trung Quốc còn chưa chịu từ bỏ đường chín đoạn. Phải đưa Trung Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế, có phương thức quyết định mới để đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố của các hội nghị cấp cao ASEAN dựa theo đa số thay cho nguyên tắc đồng thuận. Nguyên tắc đồng thuận cho phép một số nước ngăn cản ASEAN tuyên bố những gì muốn nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới