Saturday, May 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaPhó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ: Phản đối...

Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ: Phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền, đi ngược lại luật pháp quốc tế

Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Castro khẳng định ASEAN Caucus và cá nhân ông luôn phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền, đi ngược lại luật pháp quốc tế, trật tự dựa trên luật lệ, làm thay đổi nguyên trạng và gây bất ổn khu vực.

Tại cuộc trao đổi giữa Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc và Hạ nghị sĩ Joaquin Castro, đại diện cho đảng Dân chủ thuộc bang Texas, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đồng Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Quốc hội Mỹ về quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ và quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Mỹ (ASEAN Caucus), hai bên đều vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ trên nhiều lĩnh vực. Ngay trong thời điểm khó khăn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai nước đã hợp tác chặt chẽ, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau ở cả bình diện song phương và trong cơ chế hợp tác ASEAN – Mỹ để phòng chống dịch bệnh và chuẩn bị các biện pháp phục hồi kinh tế, tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. 

Liên quan đến vấn đề biển Đông, Hạ nghị sĩ Castro khẳng định ASEAN Caucus và cá nhân ông luôn phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền, đi ngược lại luật pháp quốc tế, trật tự dựa trên luật lệ, làm thay đổi nguyên trạng và gây bất ổn khu vực. Hạ nghị sĩ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc các nước hạ nguồn sông Mekong và Mỹ sẽ nâng cấp cơ chế hợp tác từ Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong (LMI) thành Đối tác Mekong – Mỹ vì một khu vực Mekong phát triển bền vững. 

Trong khi đó, Đại sứ Hà Kim Ngọc đã chia sẻ các nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam cùng lúc thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch bệnh vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Đại sứ khẳng định trong giai đoạn khó khăn hiện nay, ASEAN luôn đoàn kết, nhất trí và hợp tác hiệu quả với các đối tác trong xử lý dịch bệnh. Đại sứ cũng cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của Mỹ dành cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, trong khi Chính quyền, Quốc hội và người dân Mỹ cũng đang phải tập trung ứng phó với COVID-19.

Được biết, năm nay cũng là 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1995 – 2020). Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là một điểm sáng trong quan hệ Việt – Mỹ. Kim ngạch thương mại hai nước từ chưa đến 500 triệu USD vào 1995, nay đã trên 60 tỉ USD, tức là tăng tới 120 lần. Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 10, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam có khoảng 30.000 sinh viên học ở Mỹ, cao nhất Đông Nam Á. Hằng năm, có trên 1 triệu lượt người Mỹ đến Việt Nam. Hợp tác an ninh quốc phòng cũng được đẩy mạnh, từ về đào tạo, trao đổi thông tin, đến cứu trợ nhân đạo, an ninh hàng hải, tham gia lực lượng hòa bình LHQ. Đáng chú ý là hợp tác hiệu quả giữa hai bên về khắc phục hậu quả chiến tranh.

Thời gian qua, dưới thời tổng thống thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa thì quan hệ Việt – Mỹ vẫn không ngừng phát triển cả về song phương, lẫn khu vực và quốc tế. Các trụ cột của quan hệ sẽ tiếp tục được củng cố và làm sâu sắc thêm, từ về kinh tế, thương mại, đầu tư, đến khoa học, công nghệ, về an ninh, quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, cũng như về giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân. Những trao đổi, chia sẻ và hợp tác trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay là rất cần thiết. Thêm vào đó là nỗ lực thúc đẩy hiểu biết, xây dựng lòng tin, trên cơ sở làm sâu sắc các nguyên tắc quan hệ bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Bên cạnh đó, Mỹ là một đối tác hàng đầu về song phương và của khu vực, là đối tác chiến lược của ASEAN. Do đó, Việt Nam coi trọng phối hợp Mỹ cả về song phương và tại các cơ chế của khu vực, như ASEAN, APEC, các nước tiểu vùng sông Mê Kông, cả trên những vấn đề cùng quan tâm, cũng như bảo đảm việc tôn trọng luật pháp quốc tế ở khu vực.

Về Biển Đông, phía Mỹ ủng hộ các nguyên tắc của ASEAN về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, nhấn mạnh tôn trọng luật pháp quốc tế. Vừa qua, Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối các hành vi vi phạm vùng biển của Việt Nam và các nước khu vực. Về bán đảo Triều Tiên, Việt Nam cũng đã được tin cậy chọn tổ chức Cấp cao Mỹ – Triều lần hai vào đầu năm 2019, được các nước đánh giá rất cao. Trong quan hệ hai nước, sự đan xen, song trùng và bổ sung qua lại giữa song phương và khu vực.

Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao trở lại từ giữa thập niên 1990, quan hệ Việt – Mỹ ngày càng tốt hơn. Hai nước cùng chia sẻ nhiều lợi ích chung như các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, an ninh… và bao gồm cả lợi ích chung của người dân hai bên. Quan hệ hợp tác Việt – Mỹ không chỉ tốt cho hai nước mà còn đem lại lợi ích chung cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương, luôn có lợi ích ngoại giao, kinh tế và an ninh mạnh mẽ ở khu vực này. Quan hệ Việt – Mỹ tốt sẽ góp phần ổn định khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều đó được thúc đẩy thông qua các sáng kiến và cơ hội ngoại giao nhất quán, mở rộng cơ hội thương mại song phương, thắt chặt quan hệ hợp tác quân sự, thấu hiểu lợi ích lẫn nhau, tăng cường phối hợp ở các lĩnh vực giáo dục, giới trẻ… cũng như sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng lợi ích chung ở châu Á – Thái Bình Dương.

Cùng quan điểm trên, Giáo sư Ngô Vĩnh Long (Chuyên ngành sử học Đông Á, Đại học Maine, Mỹ) cho rằng quan hệ Việt – Mỹ trong những năm qua càng ngày càng phát triển, đặc biệt là trong lãnh vực an ninh ở khu vực Biển Đông. Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất trong khu vực Biển Đông, nên những thách thức và đe dọa trong khu vực này đều ảnh hưởng Việt Nam nhiều hơn những nước ven biển khác. Mặt khác, khu vực Biển Đông cực kỳ quan trọng đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Á cũng như ở các nơi khác trong các lĩnh vực an ninh, chuyên chở hàng hóa, phát triển kinh tế… Vì thế, Mỹ cần có sự hợp tác của Việt Nam để cùng nhau bảo vệ lợi ích chung. Cho nên, quan hệ Việt – Mỹ sẽ được tiếp tục củng cố trong thời gian tới. Ngoài vấn đề lợi ích chung trong lĩnh vực an ninh cho toàn khu vực như vừa đề cập ở trên, thì hai nước cũng đã hiểu nhau hơn qua chiến tranh và sự hy sinh của cả hai phía. Việt Nam và Mỹ không còn nhìn nhau qua lăng kính ý thức hệ nữa. Quan hệ tốt giữa Việt Nam và Mỹ sẽ giúp bảo vệ an ninh trong khu vực. Thiếu an ninh thì sẽ không thể phát triển tốt kinh tế và tài nguyên của khu vực được. Một ví dụ là vấn đề thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông của Việt Nam và Malaysia trong những năm gần đây đã không phát triển được vì bị Trung Quốc quấy nhiễu. Quan hệ Việt – Mỹ nếu càng thắt chặt hơn sẽ càng nâng cao sự tin cậy của các nước trong khu vực đối với Mỹ.

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ John Hamre cho rằng, có thể khẳng định quan hệ Việt – Mỹ đang rất tốt và sẽ còn tốt hơn nữa. Thế hệ người Mỹ liên quan cuộc chiến cách đây 45 năm dần không còn. Thế hệ sau thì ngày càng có nhiều người làm việc với Việt Nam và có cảm nhận rất tích cực về Việt Nam. Vì thế, về cơ bản thái độ của số đông người Mỹ là có thiện cảm với Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng người Mỹ làm việc với Việt Nam cần phải tăng nữa để có thể tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Bên cạnh đó, số lượt người Mỹ đến Việt Nam ngày càng nhiều nhưng vẫn chưa cao nếu tính trên tổng dân số Mỹ. Từ tiềm năng này, Việt Nam có thể phát triển trở thành điểm đến cho người Mỹ, nhất là khi số đông dân Mỹ không thích du lịch đến Trung Quốc. Về kinh doanh thì nhiều tập đoàn của Mỹ đang rút dần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Đây cũng chính là cơ hội mới để hai bên hợp tác, Việt Nam có thể thu hút các doanh nghiệp Mỹ đến đặt nhà máy, đầu tư… Về quan hệ an ninh – chính trị, Washington đang theo đuổi chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để ứng phó các thách thức mới trong khu vực, cụ thể là sự trỗi dậy của Trung Quốc kèm theo các hành vi đáng quan ngại.

Việt Nam và Mỹ có thể tăng cường hợp tác để nâng cao quan hệ này.

RELATED ARTICLES

Tin mới